Thời gian gần đây, nạn "chặt chém" du khách diễn ra khắp nơi và đang bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản và sự bức xúc cho du khách, mà hành vi "chặt chém" còn mang lại những hậu quả nặng nề cho ngành du lịch, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Thế nhưng, những hành vi sai trái này khi bị phanh phui thì chỉ bị xử lý ở mức "nội bộ" hoặc thậm chí phớt lờ cho qua!
Tổng cục Du lịch xin lỗi du khách nước ngoài liên quan đến chuyện bị “chặt chém” - Hành động của TCDL đã được dư luận đánh giá cao. |
Du khách sợ hãi những "địa điểm đen"!
Thực trạng “chặt chém” du khách đã thành đề tài nóng trên các diễn đàn lẫn báo chí và dư luận. Đáng buồn là chia sẻ của mọi người cho thấy, hầu hết những người từng đi du lịch đều đã một đến vài lần "kinh qua" cảm giác bị ấm ức vì hành vi này.
Cụ thể, khu du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang là "tâm điểm" bị tẩy chay bởi du khách trong nước những ngày vừa qua bởi những thông tin quá "rùng rợn" từ những nạn nhân từng bị "chặt chém".
Anh Nguyễn Vĩnh Hòa là dân Thanh Hóa "gốc", cùng vợ con đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, kết thúc chuyến nghỉ, anh tuyên bố "một đi không trở lại". Vợ chồng anh đã phải chi 2 triệu cho một phòng khách sạn tầm tầm chỉ đáng giá nhà nghỉ, 1,5 triệu đồng cho một bữa ăn xoàng chỉ có món lẩu cá và mực nướng, cộng với việc đi đến đâu, sử dụng dịch vụ gì cũng bị hét giá, khiến anh tốn ngót nghét chục triệu đồng cho ba ngày nghỉ mát chất lượng thấp...
Nhiều du khách mang thức ăn theo để tránh bị “chặt chém”. |
Xe ngựa giá một chuyến thỏa thuận là 5 ngàn đồng, nhưng kết thúc khách phải trả hơn 5 triệu vì người cho thuê tính: "5 ngàn trên mỗi bước đi của con ngựa". Khách ăn lẩu hỏi trước giá là 500 ngàn đồng, ăn xong bị tính thêm 300 ngàn đồng tiền... nước lẩu.
Một số địa điểm du lịch nổi tiếng văn minh và quản lý chặt chẽ như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đà Lạt... cũng không tránh khỏi cảnh "con sâu" làm rầu nồi canh.
Anh Nguyễn Thanh Sơn cùng gia đình từ Hà Nội vào TP. Vũng Tàu nghỉ mát cũng “dính chưởng”. Vào một nhà hàng dù thấy có niêm yết giá hẳn hoi, nhưng đến khi tính tiền thì cả nhà "ngã ngửa" với giá "cắt cổ" lên đến trên 6 triệu đồng.
Dù giá vẫn được tính như trong bảng giá, nhưng số thức ăn đã được nâng lên với mức kì quái: Trung bình, mỗi món hải sản, gia đình anh tiêu thụ trên 3kg! Sau khi gọi công an, trải qua nhiều lần giải quyết nhùng nhằng, anh phải thanh toán số tiền 4 triệu đồng, vì theo cơ quan công an, "khó xác định đúng số thức ăn gia đình anh đã ăn, mặc dù nhìn vào thì thấy vô lý".
Chưa hết, nạn "chặt chém" của taxi còn kinh khủng hơn, với các "mánh khóe" tăng giá cước bằng điện thoại, thắng xe, hoán đổi mệnh giá tiền, nhiều tài xế taxi đã lấy của du khách số tiền cước gấp 10 lần cái giá phải trả.
Vợ chồng anh James, quốc tịch Ireland, đón taxi đi khoảng 2 km, đồng hồ tính cước hiển thị số tiền 30.000 đồng. Nhìn bảng tính tiền, anh James lấy trong ví tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng đưa cho tài xế taxi. Tuy nhiên, thay vì trả lại số tiền 470.000 đồng, thì người tài xế chỉ trả lại anh James 20.000 đồng và trắng trợn nói anh chỉ đưa có 50 ngàn đồng. Sau đó, anh James đã chụp lại ảnh chiếc xe và thông báo sự việc với nhân viên khách sạn, hãnh taxi kia đã phải xin lỗi và hoàn số tiền cho du khách.
Có thể nói, những hành vi chặt chém nêu trên không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn gây mất lòng tin đối với du khách trong và ngoài nước, khiến môi trường du lịch Việt Nam bị “ô nhiễm”, thất thu đáng kể.
Thế nhưng, hầu hết sự việc chỉ bị xử lý khi nạn nhân và dư luận lên tiếng mạnh mẽ, và hình thức xử lý cũng đa phần là "nội bộ" như kỉ luật, buộc thôi việc - đối với những cá nhân thuộc các đơn vị có uy tín. Chứ còn, với những người kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, tràn lan bên ngoài thì hầu như đến nay cơ quan chức năng vẫn... bó tay.
Khách du lịch bị “Cưỡng đoạt tài sản”!
Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Hành vi chặt chém đối với khách hàng của các đối tượng mà báo chí đề cập có thể quy kết về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điều 135 Bộ Luật Hình Sự (BLHS).
Không chỉ “khách Tây” mà khách “nội” cũng bị “chặt chém” khi đi du lịch. |
Hình phạt cụ thể là: Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cuối cùng là “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Luật sư Tao cho biết thêm: Hành vi “chặt chém” của các đối tượng từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và cuối cùng là đặc biệt nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt của du khách, số tài sản chiếm đoạt của khách hàng từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, dưới mức 2.000.000 đồng thì bị xử lý hành chính.
Hành vi đó (nói trên) có thể cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mức hình phạt căn cứ vào tính chất hành vi, tài sản bị chiếm đoạt được quy định trong các điều luật. Theo đó, “người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Hành hung để tẩu thoát; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng…
Đã đến lúc (nếu không muốn nói là đã chậm trễ) chúng ta phải quyết liệt loại trừ các hành vi “chém chặt” đối với khách hàng của các đối tượng tại các địa điểm du lịch. Muốn làm được điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương tổ chức hoạt động du lịch triệt phá và xử lý kịp thời, nghiêm minh những kẻ có hành vi “chém chặt” du khách.
Có như vậy ngành du lịch mới lấy được uy tín, khôi phục niềm tin đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Nếu để kéo dài tình trạng bị “chặt chém”, chẳng những ngành du lịch sa sút doanh thu mà uy tín Quốc Gia cũng bị tổn thất; bạn bè và khách du lịch sẽ đánh giá thấp ngành du lịch nước ta, họ sẽ “một đi không trở lại” đối với quê hương, đất nước xinh đẹp của chúng ta – Luật sư Tao nhấn mạnh.
Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: Những chuyện "chặt chém", lừa đảo khách du lịch đã diễn ra hàng chục năm nay, một mình ngành du lịch không thể chống chọi nổi. Theo ông Bình, việc "chặt chém", cướp giật khách nước ngoài diễn ra rất nhiều. Những trường hợp đó, các doanh nghiệp du lịch đã gửi thư tố cáo, Hội cũng lên tiếng, gửi công văn cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những thư đó đều không có hồi âm. Vấn đề là chính quyền có quan tâm thật hay không, nếu có quan tâm thì sẽ rất khác. Còn về việc có nên yêu cầu các nhà hàng, khách sạn công khai đường dây nóng để khách phản ánh về dịch vụ, ông Bình cho rằng điều này đã có quy định trong văn bản pháp luật về du lịch như Luật Du lịch, Nghị định cũng ghi rõ. Nhưng đường dây nóng thì gọi cho ai, Tổng cục Du lịch không đủ người, và cũng không có công an trong tay. Cảnh sát du lịch cũng không có. Ngành du lịch không thể chống chọi với toàn bộ cướp giật lừa đảo được. Ngành du lịch chỉ có thể bảo vệ khách trong phạm vi của mình, ông Bình chia sẻ. |
Đăng Đạt – Ng. Mai