Xử thế nào khi em dâu... đánh chị chồng, rể nhục mạ nhau?

Trong quá trình theo dõi về bạo lực gia đình, các cơ quan chức năng rất nhiều lần gặp các tình huống em dâu đánh chửi chị chồng, anh em rể (anh em cọc chèo) xúc phạm nhau, chị em dâu của người cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha hành hung nhau… Nhưng, nếu chiếu theo quy định của luật về thành viên gia đình hiện hành thì khó có thể xử phạt được những đối tượng này.

Mâu thuẫn và bạo lực gia đình trong thực tế không chỉ diễn ra giữa vợ chồng, bố mẹ con cái mà còn từ rất nhiều các thành viên khác cũng thuộc khái niệm gia đình. Tuy nhiên, với những quy định của luật hiện hành, thì trong rất nhiều trường hợp, những hành vi bạo lực, đối tượng gây ra bạo lực lại nằm ngoài tầm điều chỉnh của luật. Phải chăng chỉ vì nguyên nhân là sự hạn hẹp trong luật định?.

Hình minh họa
Em dâu đánh chị chồng – có phải bạo lực gia đình?
Quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho thấy khái niệm “bạo lực gia đình” được giải thích là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, đối tượng gây ra bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình là “thành viên gia đình”. Nhưng thành viên gia đình bao gồm những ai thì chưa được chuẩn hóa.
Trong khi đó, giải thích từ ngữ tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cho thấy: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của luật này”. 
Mặt khác, trong quá trình theo dõi về bạo lực gia đình, các cơ quan chức năng rất nhiều lần gặp các tình huống em dâu đánh chửi chị chồng, anh em rể (anh em cọc chèo) xúc phạm nhau, chị em dâu của người cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha hành hung nhau… Nhưng, nếu chiếu theo quy định của luật về thành viên gia đình hiện hành thì khó có thể xử phạt được những đối tượng này, dù rằng hành vi của họ được đề cập tới trong Điều 9,10,11 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Tất cả những dẫn chứng trên cho thấy một vấn đề rằng, quy định về gia đình như hiện hành đã không còn phù hợp với thực tế cuộc sống và thực tế phòng chống bạo lực gia đình hiện nay. Điều này khiến cho công tác phòng chống bạo lực gia đình gặp khá nhiều lúng túng trong việc áp dụng luật để xử lý vi phạm cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. 
Chuẩn hóa khái niệm “hộ gia đình”
Gia đình là một nhóm xã hội đặc thù, trên phương diện quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình không thể có chỉ số hay chỉ báo quản lý gia đình. Các chỉ báo kiểm chứng, các chỉ số đo phục vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình đều phải căn cứ vào “hộ gia đình”.
Đơn cử: Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Quyết định 238/2009/QĐ-BVHTTDL ban hành tạm thời về bộ  chỉ số đánh giá về phòng chống bạo lực gia đình, Thông tư số 23 về thu thập xử lý thông tin về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình… đều sử dụng đơn vị tính là “hộ gia đình”. Được sử dụng nhiều như vậy nhưng khái niệm về “hộ gia đình” lại chưa hề được chuẩn hóa, thậm chí chưa được đưa vào Luật HN-GĐ.
Mặt khác, trong xu hướng phát triển gia đình hiện đại, dự báo ngày càng có nhiều gia đình thuộc loại hình độc thân (tức là chỉ có một người và không bao chứa nội hàm hôn nhân, huyết thống hay quan hệ nuôi dưỡng). Nhưng, như đã nói trên, trong Luật HN&GĐ hiện hành chỉ có khái niệm gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng…
Từ những vấn đề nêu trên, tới đây trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật HN-GĐ, thiết nghĩ nhất thiết phải có điều luật làm rõ ban khái niệm: gia đình; hộ gia đình; thành viên gia đình để tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về gia đình cũng như ngăn chặn bạo lực gia đình. 
Hoa Hữu Vân
(Phó Vụ trưởng – Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL)

Đọc thêm