Xuân này ở Làng Vân

(Đà Nẵng Xuân 2011) - Hình thành từ năm 1968, sau 42 năm, từ một “làng cùi” nép mình dưới chân núi Hải Vân, nay Làng Vân đã trở mình thành một làng quê như bao nhiêu làng quê bình thường khác. Về Hòa Vân hôm nay dễ nhận thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này.

(Đà Nẵng Xuân 2011) - Hình thành từ năm 1968, sau 42 năm, từ một “làng cùi” nép mình dưới chân núi Hải Vân, nay Làng Vân đã trở mình thành một làng quê như bao nhiêu làng quê bình thường khác. Về Hòa Vân hôm nay dễ nhận thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này.

Ảnh: M.H

Làng quê ngày ấy

Năm 1968, Làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đón nhận gần 70 bệnh nhân phong từ nhiều miền quê khác nhau về sinh sống, chủ yếu họ được chuyển từ trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn) ra. Những người đến Làng Vân trước đó hay sau mốc 1968, nay kẻ còn, người mất hoặc theo con cháu về lại cố hương để sống những năm cuối đời. Nhưng phần lớn khi “được” về đây, ai cũng coi như là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời.

“Người Làng Vân hôm nay đã có máy cày để cày ruộng, không phải vất vả nhiều nữa rồi” - ông Nguyễn Văn Xí (1954). Ảnh: P.V

Thấm thoắt gần nửa thế kỷ trôi qua, trong tổng số 325 người dân sinh sống ở làng, đến nay, có 54 người hưởng trợ cấp bệnh tật, 25 người còn mang trên mình di chứng của căn bệnh. Gắn bó với Làng Vân, không buông xuôi số phận, bằng nghị lực phi thường, họ đã tự mình vươn lên lao động, sản xuất, đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc và trồng lúa nước… để trang trải cho cuộc sống. Vượt lên nỗi đau bệnh tật, họ bước dài qua những đổi thay cả về vật chất lẫn tinh thần, xây dựng một làng quê Hòa Vân ngày càng đổi mới.

“Bây giờ mỗi khi vào lại trong phố, có ai hỏi mình ở đâu đến, mình không còn e ngại hay trốn tránh mà khẳng khái nói rằng: Tôi từ Làng Vân vào!”, đó là tâm sự của phần lớn người Hòa Vân. “Làng Vân bây giờ khá hơn hồi xưa nhiều lắm chứ, vật chất, tinh thần đều đổi thay tích cực. Là những người đầu tiên đặt chân lên sinh sống ở đây từ năm 1964, tôi đã chứng kiến bao thăng trầm của ngôi làng đặc biệt này. Bản thân tôi cũng là một bệnh nhân chuyển từ Quy Hòa về, tôi hiểu và cảm nhận được sự đổi thay trên nhiều lắm. Điều đó cũng nhờ ơn Đảng, chính quyền đã tuyên truyền mạnh mẽ giúp người đời hiểu và “gỡ oan” cho chúng tôi”, một tâm sự rất chân thành của cụ Phạm Bồng (85 tuổi), quê ở Thừa Thiên-Huế, người “khai hoang lập địa” ở mảnh đất này.

Làng Vân hôm nay

Ông Trưởng thôn Trần Hữu Đức cho biết: Thôn chúng tôi dù khó khăn, cách trở nhưng vẫn bảo đảm 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi. Con em Làng Vân không vì “tủi phận” mà luôn nỗ lực vươn lên học tập và thành đạt. Trong thôn đã có trường cấp 1, mẫu giáo với 1 giáo viên “cắm thôn”, 3 giáo viên luân phiên ra dạy thường xuyên. Hiện tại, toàn thôn có 12 em đang theo học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong thành phố và một số nơi khác (trong đó có 3 em học đại học); có 36 em học THCS và THPT; 14 em học tiểu học và 10 em học mẫu giáo. Đó là niềm tự hào của người dân trên “ốc đảo” này. Anh Trần Hữu Tuấn, công dân lâu năm trên “đảo” trong khi đang gỡ cá sau mẻ lưới đầu buổi sáng, tâm sự: “Đời ông, đời cha chúng đã chịu nhiều thiệt thòi, đã “bị dốt” rồi, bây giờ mình không thể để đời chúng (con cái – P.V) chịu cái dốt nữa. Dẫu khó khăn, thiếu thốn, dẫu cách trở thế nào chúng tôi cũng cố hết sức để con cái học hành đàng hoàng, nên người. Đó cũng là một “chiến lược” để chúng “làm mới” ngôi làng này”.

Hòa Vân hiện có 15ha lúa nước, năng suất hằng năm ước đạt 4,5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 65 tấn/năm đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho cư dân toàn thôn. Ngoài ra, còn có hàng trăm con gia súc, gia cầm và một sản lượng hải sản rất lớn từ đánh bắt trên biển. Từ tháng 9-2009, Hòa Vân đã có Chi bộ Đảng, đây là một bước tiến dài đưa Hòa Vân hòa nhịp với đời sống chính trị-xã hội của thành phố.

Đánh bắt cá là một trong những nghề chính của Hòa Vân. Ảnh: M.H

Về Làng Vân hôm nay không khó để nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ. Toàn thôn đã có đến 80% hộ sử dụng điện thoại, trong đó có tới 50% là dùng điện thoại di động; trên 60% hộ có ti-vi. Nhìn nét mặt rạng rỡ của ông Đặng Văn Xứng (73 tuổi), Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn khi cầm chiếc điện thoại vừa bóc tem, mua từ trong thành phố về mới cảm nhận được sự đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây. Loay hoay với chiếc điện thoại mới, ông Xứng nói: “Tao tưởng đến chết cũng không biết đến cái “cục a-lô” này là thế nào. Nhưng giờ thì tao cũng đâu có thua gì tụi bây, vừa mua xong là tao gọi cho thằng Đức (ông Đức trưởng thôn – P.V) để khoe đấy. Làm công tác Mặt trận phải có cái liên lạc cho nó tiện lợi”.

Ông Nguyễn Như Hân, cán bộ phường Hòa Hiệp Bắc cho chúng tôi biết: Đây là thôn có tính chất đặc thù nên trong các chính sách của phường và quận, Hòa Vân thuộc diện ưu tiên số 1. Đối với sản xuất nông nghiệp, hằng năm phường đều hỗ trợ giống để sản xuất. Vụ đông xuân năm nay, trong tổng số 2,3 tấn thóc giống mà quận hỗ trợ cho phường thì ưu tiên cho Hòa Vân 1 tấn, bên cạnh đó còn hỗ trợ các loại giống rau quả. Máy xay xát lúa, máy cày, 3 con trâu quận hỗ trợ cho Hòa Vân trước đây, giờ đã được thay mới.

Năm 2007, đập Cây Trâm có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu đồng cũng đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của thôn. Đối với các cá nhân, tổ chức khi về phường làm từ thiện, Hòa Vân là ưu tiên hàng đầu. Con em Hòa Vân được miễn học phí 100%; ngoài ra, các tổ chức từ thiện khác cũng cấp học bổng cho các em khi theo học bậc trung cấp, cao đẳng, đại học. Đến nay, 90% hộ gia đình trong thôn đã ổn định đời sống. Theo kế hoạch đến cuối năm 2011, thôn phấn đấu chỉ còn 7 hộ nghèo (theo chuẩn mới của thành phố).

Sau gần nửa thế kỷ, đến bây giờ, tâm lý, suy nghĩ của “người ngoài cuộc” về Hòa Vân đã hoàn toàn thay đổi. Theo ông Hân, ngày trước, người khác về Làng Vân không bao giờ dám ngồi chung, dùng chung đồ. Nhưng sau năm 2000, khi phường công bố thanh toán triệt để bệnh phong thì người Làng Vân đã xích lại gần hơn với cuộc sống bên ngoài. Thật tự hào vì trong 7 năm liền, Hòa Vân luôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa tiên tiến” (2003-2010).

Trọng Huy

Đọc thêm