Xuân Oanh đi giữa mùa xuân

Nhạc sĩ của ca khúc nổi tiếng "Mười chín tháng Tám" - Xuân Oanh ra đi trước Rằm tháng Hai năm Canh Dần 3 ngày (tảng sáng ngày 27-3-2010).   

 Nhạc sĩ của ca khúc nổi tiếng "Mười chín tháng Tám" - Xuân Oanh ra đi trước Rằm tháng Hai năm Canh Dần 3 ngày (tảng sáng ngày 27-3-2010).

Mới đó, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình còn đến giường bệnh thăm ông. Đôi mắt nhắm nghiền khẽ lay động, cặp môi khô nẻ không còn nói được ấy chỉ mấp máy khi bà Bình gọi sẽ: "Anh ơi, em Bình đến thăm anh đây!". Những người làm ngoại giao của một thời khói lửa gặp lại nhau trong cảnh ngộ này thật tình nghĩa và xúc động.

Nhạc sĩ Xuân Oanh

Xuân Oanh được mọi người - từ chính khách, trí thức, văn nghệ sĩ đến bà con, họ hàng yêu mến vì ông tốt bụng, khiêm tốn và hòa nhã. Bạn bè gọi ông là người nghệ sĩ, nhà báo, chính khách hào hoa, hào hiệp và hào phóng. Chỉ cần một người bạn nhạc sĩ muốn có một đĩa nhạc giao hưởng nước ngoài nổi tiếng nào đó là thân già ông lại lọ mọ ra hiệu, tìm mua tặng bạn. Đúng như nhà văn Hồ Anh Thái có lần viết về ông: Nhà ông già cô đơn ấy (chung cư 54 Quán Sứ, Hà Nội) từ lâu bỗng trở thành CLB của bạn bè trí thức, văn nghệ sĩ qua lại hàn huyên. Đã có lần tôi gặp mấy ông bạn già là nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thọ (Báo Nhân Dân) và nhà văn Trần Đình Vân khề khà nghe ông kể chuyện ông viết rồi hát luôn cho một đơn vị của Đại đoàn 308 ở Việt Bắc năm 1950 nghe ca khúc "Quê hương anh bộ đội", được anh em chiến sĩ cổ vũ và hoan hô nhiệt liệt. Người nghệ sĩ tài hoa ấy từng làm nên ca khúc bất tử "Mười chín tháng Tám" cũng với cách thức tự nhiên như vậy khi đi dọc đường từ Giáp Bát đến Nhà hát Lớn Hà Nội, cùng nhân dân biểu tình giành chính quyền. Cảm xúc trào dâng, ông xé vỏ bao thuốc lá, dùng mẩu bút chì, vừa đi vừa nghĩ và viết nên những dòng nhạc thật hào sảng và oai hùng.

Ông làm công việc quốc tế nhân dân, nên quen biết nhiều người nước ngoài có tiếng, trong đó có nữ nghệ sĩ điện ảnh Mỹ Jane Fonda và chồng cũ của bà là nhà sử học Mỹ Tom Hayden. Nhà ông còn lưu lại sách biếu và thủ bút của Thượng nghị sĩ Mỹ Mac Govern, cựu ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ. Ông Thượng nghị sĩ này rất ủng hộ Việt Nam thời ta chống Mỹ. Đã có lần ông ta cảm mến gửi một chiếc đàn piano tặng Xuân Oanh. Đàn đến đảo Hawai rồi mà Xuân Oanh khảng khái từ chối nên lại trở về.

Căn nhà hẹp của nhạc sĩ Xuân Oanh chật ních sách tiếng Anh, Pháp, Nga... Ông đã dịch hàng chục cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nước ngoài cho độc giả Việt Nam. Cuốn "Chuyện phiêu lưu của Hấc Phin" nay đã tái bản đến 8-9 lần, cũng được ông dịch trên tàu hỏa liên vận, chặng đường Mátxcơva - Bắc Kinh - Hà Nội, mà không hề có từ điển trong tay. Ngoài dịch thuật, vẽ tranh, làm thơ, viết văn, viết báo, Xuân Oanh có hoa tay thủ công rất khéo léo. Điện đóm, bếp núc, đồ gỗ, ống nước trong nhà do một tay ông đảm đang hết.

Ông ra đi vào cõi vĩnh hằng giữa mùa xuân. Xuân Oanh từng rất được mến mộ với bài hát "Thổn thức mùa xuân" do NSND Lê Dung trình bày. Bài hát trữ tình, say đắm lòng người đã khiến ca sĩ Lê Dung khi tập phải ứa nước mắt: "Ta cầm kỷ niệm trong tay/Mà mặt đầy nước mắt/Ôi! Sao thời gian xa lắc/Mà ta vẫn nhớ, vẫn gần...". Đây cũng là bài cuối cùng Lê Dung hát... Còn giọng nam "nhập hồn" nhất với bài này là Thiếu tướng Bắc Việt và ông đã từng trình bày nhiều lần cho bạn bè nghe tại nhà nhạc sĩ Xuân Oanh.

Thiếu tướng Bắc Việt và NSND Lê Dung cũng đã là người thiên cổ vào những mùa xuân trước cả rồi. Nay Xuân Oanh ra đi, ông còn để lại "mãi mãi một mùa xuân" trong lòng nhân dân Thủ đô và cả nước, vì ông là "một bậc tài danh - kẻ sĩ" hiếm có ở Bắc Hà...

(Theo Hà Nội mới)

Đọc thêm