|
Phố mới đang vươn lên trên cốt nền mới ngang với đỉnh của những cơn lụt từng nhấn chìm làng xóm Hòa Xuân. |
“Ông bà, cha mẹ sống ở đây nhiều đời rồi nhưng nghĩ thật khó tin là mình sẽ tránh được lụt ngay tại nơi bị lụt”, chị Trần Thị Nhi, ở Khu E1 nói trong niềm phấn khởi khi ngôi nhà ba tầng của gia đình sắp hoàn thành. Chị Nhi giải thích: Cốt nền nhà ở nơi mới được đổ đất cao ngang với những đỉnh lũ đã làm khổ nhiều đời dân Hòa Xuân. Bây giờ thì chạy lụt chỉ còn là chuyện kể cho mấy cháu nhỏ sau này nghe để tưởng tượng lại hồi xưa khổ vậy đó! Bà con ở Hòa Xuân vốn là nông dân, nhà cửa xưa kia xây theo kiểu ba gian, thấp lè tè. Nước lụt lên tới nóc là hết chỗ trú. Chừ về chỗ mới bà con toàn xây nhà đúc, nhà nào ít nhất cũng xây hai tầng.
Chị Nhi kể: Nhà cũ ở tổ 26, khu vực Trung Lương giải tỏa sớm để xây dựng cầu Hòa Xuân. Kiểm định, áp giá đền bù, nhận tiền xong, gia đình chị là hộ đầu tiên giao mặt bằng đi ngay. Thế nhưng một vài người chung quanh bảo chị dại. Sao không đòi thêm một lô đất nữa. Cứ ì ra, thành phố sẽ phải giải quyết. Có người trách móc rằng, việc gia đình chị xung phong đi sớm làm ảnh hưởng quyền lợi của các hộ khác.
Toàn bộ diện tích phường Hòa Xuân gồm 420ha đất nông nghiệp và 569ha đất khu dân cư được giải tỏa trắng để quy hoạch, xây dựng các khu đô thị E1, E2, F1, F2, Khu Trung tâm liên hợp thể thao, Khu xử lý nước thải và Khu đô thị sinh thái với khoảng 3.180 hộ dân (14.000 nhân khẩu) và 11.900 ngôi mộ phải di dời. Tuyệt đại đa số bà con đều đồng tình với chủ trương quy hoạch để phát triển đô thị. Vừa rồi bà con tổ 17 được thành phố thưởng 20 triệu đồng về tiến độ giải tỏa nhanh, giao mặt bằng để triển khai các dự án. Các chính sách hỗ trợ và bố trí tái định cư có tác dụng khuyến khích người dân tích cực giải tỏa giao mặt bằng. Người dân rất đồng tình việc thành phố bố trí tái định cư theo cộng đồng có chung tập tục. Các hộ quen sống bằng nghề sông nước ở thôn Cẩm Chánh sẽ được tái định cư gần sông Cẩm Lệ. Toàn bộ đồng bào Công giáo thôn Cồn Dầu sẽ tái định cư ở khu phố Cồn Dầu mới.
Không ai muốn mình khổ mãi
Cơ hội để bắt đầu một tương lai mới Lễ Giáng sinh năm 2010 và năm mới 2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đến thăm và trò chuyện thân mật với Giám mục Giáo phận Đà Nẵng Châu Ngọc Tri. Cả hai đều có nhận xét rằng: Đời sống của bà con Hòa Xuân nói chung và giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu nói riêng trước giải tỏa còn nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nông nghiệp, lại là vùng chịu ảnh hưởng nặng của lũ lụt. Về dân trí, trong suốt 35 năm qua, Cồn Dầu chưa có người dân nào đạt được học vị tiến sĩ. Nhưng giải tỏa, phát triển đô thị sẽ mang lại cuộc sống mới cho người dân ở đây tốt hơn nơi ở cũ trên nhiều phương diện. Thực tế trong suốt 13 năm qua, thành phố đã thực hiện được mục tiêu này. Giám mục Châu Ngọc Tri đồng tình: Giải tỏa để phát triển đô thị, mở ra cơ hội thoát nghèo, một tương lai mới cho người dân Đà Nẵng trong vùng quy hoạch. |
Tiếp chúng tôi tại nhà, cụ bà Nguyễn Thị Yến kể gia đình ăn Tết này gọn nhẹ hơn để chuẩn bị xây nhà trên khu phố Cồn Dầu mới. Chúng tôi hỏi bà về chính sách đền bù, bố trí tái định cư, bà cười móm mém: “Thỏa đáng rồi, đời tôi nay đã 78 tuổi đúng là mơ mà thành thật!”. Đất ở của bà phải giải tỏa là 450m² và được bố trí lại 2 lô đất đường 10,5m. Do chấp hành tốt chủ trương giải tỏa nên bà được ưu tiên bố trí một lô đất hai mặt tiền. Lô đất này đã có người trả đến 1,65 tỷ đồng, gấp 10,5 lần so với giá đất tái định cư của thành phố.
Ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết: Các dự án tái định cư cho người dân đều bảo đảm cùng với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội: Chợ, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân ổn định cuộc sống ngay sau khi tái định cư. Quận đã đề xuất với thành phố thực hiện nhiều ưu đãi, khuyến khích các hộ chấp hành tốt chủ trương giải tỏa, bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn phường Hòa Xuân. Điểm thuận lợi là dự án giải tỏa cuốn chiếu nên phần lớn các hộ ở Cồn Dầu, Trung Lương, Cẩm Chánh xây nhà mới xong rồi mới giải tỏa giao mặt bằng. Quận tiếp tục thực hiện đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân Hòa Xuân phù hợp với từng độ tuổi và giới tính. Năm 2010, mặc dù đang trong quá trình giải tỏa trên diện rộng, nhưng 150 hộ của phường Hòa Xuân đã thoát nghèo, vượt 40 hộ so với chỉ tiêu giao.