“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Tết đến, nếu hai món đầu chừng như không thay đổi từ xưa đến nay, thì món thứ ba - câu đối đỏ - đã chững lại một thời gian rồi “tái xuất giang hồ” với nhiều hình thái phong phú, góp phần điểm tô không gian ngày xuân thêm ý vị.
Tìm chữ giữa rừng... chữ
|
|||
Anh Hồ Công Khanh với tác phẩm thạch thư “14 điều Phật dạy”. |
Hằng năm, từ hai mươi tháng chạp, ông hàng xóm đã qua nhà hỏi xem Tết năm nay “chữ nghĩa” có gì mới không? Không phải bây giờ, khi mấy đứa con ông đã thành đạt, ông mới “chơi chữ” ngày Tết, mà từ thời chạy gạo từng bữa, ông vẫn giữ lệ tự tay viết đôi ba chữ cho ấm áp tình xuân. Thời buổi này cần hình thức đi với nội dung, chữ mình thì viết làm sao bằng các “ông đồ” chuyên nghiệp được. Nghĩ vậy, nên nghe nói chỗ nào có thư pháp, thư họa là ông bắt thằng út đang là sinh viên chở đi cho bằng được.
Ông từng đến ngồi hàng giờ xem “ông đồ” Nguyễn Tiến Lãng (nghe nói ông này ở số nhà 49 Nguyễn Duy Hiệu thì phải) viết chữ trong khu Tết xưa ở Hội Hoa xuân Đà Nẵng. Hai ông sàn sàn tuổi nhau, vắng khách, chuyện trò ra chiều tâm đắc lắm. “Ông đồ” bảo, Tết, ai cũng muốn có một cái gì đó may mắn vào nhà. Cái lệ hái lộc đầu xuân chừ không hợp rồi, người ta chọn cái “lộc” bằng chữ nghĩa, vừa đẹp, vừa hay. Trong ba chữ Phước, Lộc, Thọ, thì ông tập trung “luyện” chữ Lộc theo kiểu thư pháp chữ Hán: “Cái chữ cầu chúc điều may trong năm mới này nhiều người thích lắm”.
Bên trái (hoặc bên phải, tùy cách trình bày) chữ Lộc đại tự, ông viết thêm bốn hoặc tám câu thơ, tất cả đều bắt đầu bằng “Lộc tiến vinh hoa”, ông bảo, tất cả những điều tốt lành về sau này đều được khởi thủy từ 4 chữ làm nền có ý nghĩa cao đẹp đó. Câu thứ hai thì người nào ông cho chữ nấy. Người đang có ý trung nhân: “Tình yêu hy vọng”. Người đã có gia đình: “Gia đình hạnh phúc”. Thương nhân: “Kinh doanh thuận lợi”. Năm đó, thằng út ông hàng xóm của tôi đang sôi kinh nấu sử để đến hè thi đại học, “ông đồ” chúc vạn điều may qua bốn chữ “Thi tài đỗ đạt”.
Tết ngày càng muôn tía nghìn hồng những thức, những quà đẹp đẽ, trang nhã. Mấy năm trở lại đây, sự xuất hiện trở lại của loại hình thư pháp đã góp phần điểm xuyết chút Tết xưa trong Tết nay. Có điều, ở Đà Nẵng, theo anh Văn Chi, phụ trách Chi hội Thư pháp (Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng), người viết thư pháp chữ Hán không nhiều, khách biết thưởng ngoạn thú chơi tao nhã chính hiệu này cũng còn hạn chế. Vì thế, số đông đã chấp nhận cách thể hiện chữ quốc ngữ theo hình thức “biến tấu” từ thư pháp Hán Nôm mà gần đây có nhiều người gọi là Thư pháp Việt. Từ đó, những lời hay ý đẹp đã có cơ hội hiện diện ở nơi trang trọng của cơ quan, gia đình như: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, hoặc “Ta về quét lại vườn Tâm/ Cho cây nhân ái nẩy mầm vươn lên”...
Tết Canh Dần này, tại Lô 3 Bờ Hồ Hà Huy Tập (khu vực hoa cảnh quận Thanh Khê), anh Chi, ngoài những câu chữ thường niên, đã chuẩn bị một số thư pháp, thư họa liên quan đến “Ông Cọp”, chẳng hạn như: “Hổ niên sự sự như nhân ý” (Năm hổ mọi sự như ý người).
Sỏi đá cũng cần có... thơ
|
|||
Khách biết thưởng ngoạn hình thức “chơi chữ” ngày xuân vẫn chưa nhiều. |
Ở Đà Nẵng, nếu thư pháp trên giấy xuất hiện lần đầu tiên như một bộ môn nghệ thuật tham gia Hội Hoa xuân Đà Nẵng năm 2006 thì thư pháp trên đá đã lần đầu tiên “trình làng” công chúng trước đó một năm tại Liên hoan Văn hóa - Du lịch Đà Nẵng 2005. Nghệ thuật thư pháp có tên là thạch thư này tuy là hình thức rượu cũ bình mới, nhưng xem ra cũng có một số khác biệt so với thư pháp trên giấy.
Theo anh Hồ Công Khanh, một trong những người tiên phong trong nghệ thuật thạch thư ở Đà Nẵng, đá có viên đã nhẵn mặt, có viên quá lồi lõm, phải mài nhẵn chỗ định viết chữ. Tùy theo hình thể, hoa văn, màu sắc của từng viên đá mà chọn câu chữ, màu mực thích hợp. Bởi lẽ, tự thân đá cũng đã cất giấu một ẩn ngữ của thiên nhiên, con người phải biết lắng lòng “nghe” đá mới có thể gửi lên đó những ngẫu cảm của mình đồng âm với tiếng đất trời. Vì thế, tìm đá nghệ thuật đã khó, tìm đá để có thể viết thư pháp càng khó hơn.
Trong một lần ngược xuôi ở khe Cầu Sụp giữa hai thôn Tà Lang và Giàn Bí xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, anh Khanh phát hiện một viên đá có hoa văn như hình bản đồ nước Việt. Viên đá nặng khoảng 20kg này đã trở thành tác phẩm “Nước Việt mến yêu” rất tâm đắc của anh, sau khi anh đề lên đó bài thơ “Nam quốc sơn hà” tương truyền là của danh tướng Lý Thường Kiệt. Cũng tại nơi này, anh tìm được một viên đá hình thù như tấm bia, nền vàng chung quanh có vân nâu như gỗ. Anh chép lên đó “14 điều Phật dạy” và tặng cho một người chơi đá có tên là Phạm Văn Hiền. “Đáng khâm phục nhất trong đời người là vươn lên sau khi ngã”, lời dạy thứ 7 sẽ đi suốt cuộc đời của tôi - anh Hiền bộc bạch, bởi tôi từng vấp ngã trong công danh, cuộc sống.
Hình thức độc đáo, bền vững, thẩm mỹ... Nội dung đầy thiền vị, nhiều triết lý, có tính bác học... Nếu thơ đi vào nhạc thành thanh âm trầm bổng thì khi trải mình lên mặt đá, thơ dâng hiến cho người một giai điệu vô thanh mà không phải ai cũng cảm thụ được. Sự hòa nhịp giữa trầm tích hàng nghìn năm trước và rung cảm trong khoảnh khắc hiện tại đã góp thêm cho đời chút thi vị trong cuộc sống.
Ngày 17 tháng chạp này, gần 20 tác giả trong nhóm của anh Khanh sẽ tổ chức giới thiệu tác phẩm tại quán cà phê Sỏi Đá, 301/2 Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Với 400 tác phẩm đá nghệ thuật, 100 thạch thư, 50 thư pháp trên các chất liệu khác, đây sẽ là không gian dành cho những ai muốn tìm lại chút hương vị Tết xưa qua những vần thơ, câu chữ. Vậy là, đã có cái để trả lời câu hỏi “Tết nay có gì mới không?” của ông hàng xóm. Thưởng ngoạn đá, suy ngẫm thư pháp và nghe chút nhạc Trịnh “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, tại sao lại không nhỉ?
VĂN THÀNH LÊ