Bằng nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, cùng sự hỗ trợ của ngành điện, cuộc sống của bà con sớm được ổn định và đang háo hức chờ đón mùa xuân ở nơi tái định cư.
Những công nhân bám rừng ăn Tết
Trong ngày khánh thành Thủy điện Lai Châu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết, công trình này có công suất 1.200MW, gồm ba tổ máy do EVN làm chủ đầu tư, là nhà máy thủy điện có công suất lớn thứ ba cả nước, sau Thủy điện Sơn La (2.400MW) và Thủy điện Hòa Bình (1.950MW). Được khởi công từ cuối năm 2011, qua hơn 2.000 ngày lao động liên tục không kể ngày đêm, Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Để hoàn thành sớm như vậy, hàng vạn công nhân được huy động, ngày cao điểm lên đến 8.000 người miệt mài trên công trường. Trong hơn 5 năm thực hiện dự án, nhiều công nhân đã không có cái Tết theo đúng nghĩa vì phải bám công trình, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Phạm Văn Sinh (quê Nam Trực, Nam Định), công nhân tổ khoan, người gắn với công trình Thủy điện Lai Châu từ những ngày khởi công cho đến khánh thành cho biết, ông đã 31 năm lao động trong các công trình thủy điện. Ông từng tham gia các công trình lớn của cả nước như Sơn La, Hòa Bình, Rào Quán, Yaly, Thác Bà… Theo ông Sinh, công suất Thủy điện Lai Châu không lớn bằng Thủy điện Sơn La, nhưng do đặc thù địa hình nên khối lượng công việc ở đây tương đương Thủy điện Sơn La.
Là một trong những công nhân đầu tiên bước chân đến công trình Thủy điện Lai Châu, nhìn về phía công trình thủy điện đồ sộ đã hoàn thiện, ông Sinh không quên những ngày mới đến đây: “Hơn 5 năm về trước, chỗ thủy điện này gồ ghề đồi đất, hai bên bờ sông heo hút không một bóng người. Thế nhưng sau hơn 2.000 ngày chúng tôi lao động cật lực, một công trình thủy điện hùng vĩ đã được dựng lên”. Theo ông Sinh, tại các công trình thủy điện, thợ khoan thường là những người đến đầu tiên. Lúc đầu đơn vị của ông chỉ có vài chục công nhân, dựng rạp, rải chiếu ngủ ngay cạnh sông Đà. Sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn, công nhân phải tự trồng rau xanh để cải thiện đời sống. “Khi ấy muốn đi mua thịt lợn, rau cỏ phải dùng bè tự chế vượt qua sông, đi bộ vài kilômét nữa mới có chỗ mua thịt lợn”, ông Sinh nhớ lại.
Cả cuộc đời ông Sinh gắn với các công trình thủy điện, nay đây, mai đó. Đó cũng là lí do khiến ông lập gia đình khi gần 40 tuổi và có một cô con gái duy nhất sống cùng ông bà ở quê. Còn ông và vợ (cũng là công nhân khoan) chủ yếu sinh sống ở các công trình thủy điện. Đi đến công trình nào vợ chồng ông lại thuê chỗ ở đó. “Cả ngày đi làm, tối về hai vợ chồng mới gặp nhau. Cứ thế hết tháng này qua năm nọ”, ông Sinh tâm sự.
Do công việc bận rộn, mỗi năm gia đình ông chỉ được về nhà thăm gia đình, con cái một vài lần, có năm chỉ một lần duy nhất. “Nhiều Tết không được về với con cái, nghĩ cũng tủi. Nhưng vì công việc, vợ chồng tôi lại động viên nhau mà sống”, ông Sinh tâm sự.
Năm nay ông Sinh 53 tuổi, chỉ trong đôi năm tới sẽ nghỉ hưu. Cả đời gắn bó với các công trình thủy điện, ông cho biết sau công trình ở Lai Châu, đơn vị của ông sẽ sang Lào để thực hiện công trình khác. “Tết này được về hay không còn phụ thuộc vào công việc”, ông Sinh trầm ngâm.
Dù nhiều công nhân không được về ăn Tết, nhưng các đơn vị điện lực vẫn tổ chức Tết chu đáo cho anh em. Ông Nguyễn Văn Tiệp, Quản đốc Phân xưởng vận hành Thủy điện Lai Châu cho biết, địa bàn của thủy điện ở nơi khó khăn, nhưng luôn đảm bảo đời sống cho anh em công nhân. Tết năm ngoái, đích thân giám đốc ở lại công trình ăn Tết. Năm nay là năm đầu tiên sau khánh thành, lãnh đạo phân xưởng sẽ tiếp tục ở lại ăn tết và chỉ đạo vận hành công trình. “Tết chúng tôi vẫn đảm bảo ba ca trực, với khoảng 30 kỹ sư cùng hơn 100 công nhân”, ông Quản đốc cho biết.
Xuân trên bản tái định cư
Còn nhớ, khi đến tham dự buổi lễ khánh thành Thủy điện Lai Châu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngoài việc đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư và đơn vị thi công; coi công trình này là biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ông còn chỉ đạo các cấp chính quyền và EVN quan tâm đến cuộc sống người dân tái định cư do tác động của công trình thủy điện. “Sau khi công trình hoàn thiện, đời sống người dân di dời khỏi lòng hồ phải tiếp tục được quan tâm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ông Nguyễn Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, những hộ bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện, nằm ở lòng hồ, phải di chuyển đến nơi tái định cư mới là những người đã “hi sinh” cho công trình thủy điện. Nhận xét này là có lí, khi hàng trăm năm nay, người dân sinh sống ở ven sông Đà quen với tập quán canh tác lúa nước, cùng nhiều bản sắc văn hóa khác nay phải di chuyển đến nơi tái định cư mới, đông đúc hơn nhưng lại không có ruộng canh tác, cuộc sống phụ thuộc vào trồng rừng và hoa màu trên đồi núi.
Ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, để thực hiện Thủy điện Lai Châu, phải di dời khoảng 2.000 hộ dân với khoảng 8.000 nhân khẩu sang nơi ở mới. Ông Mào Văn Tuyển, Phó Chủ tịch xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết, xã có 9 bản thì 8 bản là tái định cư từ công trình Thủy điện Lai Châu. Khi mới chuyển đến nơi ở mới, đa số các hộ dân bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn để hòa nhập cuộc sống mới. Thế nhưng, do được chính quyền và EVN hỗ trợ, cuộc sống ở những bản tái định cư đã ổn định trở lại.
Ông Hỏ Văn Ninh (bản Mông Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) cho biết, trước đây ở nơi ở cũ, gia đình ông có khoảng 5 sào ruộng nước. Khi làm Thủy điện Lai Châu, nước đập dâng lên nên ruộng nhà ông mất hết, được di chuyển đến nơi tái định cư Mường Mô. Ở nơi này, ban đầu ông và gia đình bỡ ngỡ do không có ruộng canh tác, chỉ trồng ngô, khoai ở nương rẫy. Nhưng nhờ được hướng dẫn làm kinh tế, ông vừa làm vườn, trồng ngô khoai, vừa nuôi thêm lợn nên cuộc sống dần ổn định trở lại, khấm khá hơn.
Chủ tịch huyện Nậm Nhùn cho biết, địa phương sẽ tiếp tục chăm lo và hỗ trợ cho người dân tái định cư. Trước mắt, sẽ hướng dẫn người dân trồng khoảng 100ha tiêu và nhiều loại cây ăn quả khác. Chính quyền cũng đang nghiên cứu triển khai 3 đập thủy điện, sau đó cải tạo khoảng 70ha diện tích rừng xấu thành ruộng, chia cho người dân canh tác. “Hiện có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ trồng măng rừng đặc sản”, vị Chủ tịch huyện cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên, tại những nơi định cư mới, đường sá được đầu tư khang trang; trường học, trạm xá, nhà văn hóa được đầu tư mới. Nhà cửa của người dân cũng được xây dựng to đẹp hơn. Phó Chủ tịch xã Mường Mô cho biết, năm 2013 cư dân chuyển đến nay. Trong ba năm ăn Tết ở nơi ở mới, Tết nào người dân cũng no đủ, đầm ấm.
Công trình Thủy điện Lai Châu nằm trên địa bàn thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn. Chỉ vài năm về trước, thị trấn Nậm Nhùn chỉ là một bản làng hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Từ khi công trình được thực hiện, dân cư tập trung lại; sức mua của hàng nghìn công nhân thủy điện khiến nơi đây nhộn nhịp giao thương, mọc lên nhiều dịch vụ thương mại, bộ mặt nơi đây “thay da đổi thịt”, bừng sáng cả một góc trời. Nhờ công trình thủy điện mà hàng trăm kilômét đường nhựa được làm mới, hàng chục cây cầu được nối giữa các bản làng. Mùa xuân mới ở công trình Thủy điện Lai Châu đang tưng bừng xuân sắc.