Xuất khẩu năm 2010: Khó khăn, nhưng không thiếu cơ hội

Năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam không đạt mục tiêu (chỉ đạt kim ngạch 56,6 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm trước). Năm 2010, triển vọng phục hồi kinh tế giúp xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng 7% so với năm 2009.

Năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam không đạt mục tiêu (chỉ đạt kim ngạch 56,6 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm trước). Năm 2010, triển vọng phục hồi kinh tế giúp xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng 7% so với năm 2009. Việc thực hiện mục tiêu này đối với Việt Nam tuy còn khó khăn nhưng không phải là không thể đạt được- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Công nhân Công ty CP May Hai trong dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu.

Ảnh: Phương Linh

 

Hứa hẹn khả năng tăng trưởng xuất khẩu ổn định

 

Năm 2010, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tăng 7% so với năm 2009, đạt tổng giá trị kim ngạch hơn 60 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông lâm, thủy sản là 12,98 tỷ USD (chiếm 21,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 7,51 tỷ USD (chiếm 12,4%); nhóm công nghiệp chế biến đạt 32,36 tỷ USD (chiếm 53,5%)... Đây được coi là mục tiêu khá cao so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra ở mức tăng trưởng XK là 6%.

 

Theo Bộ Công Thương, mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng kim ngạch XK 2 tháng đầu năm có sự tăng trưởng do giá cả nhiều mặt hàng XK được cải thiện.

 

Trong khi XK dầu thô và gạo giảm thì kim ngạch XK dệt may tăng tới 16,8% và XK da giày- vốn bị giảm 15% kim ngạch trong năm trước cũng đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng 4%, đây cũng là mức tăng trưởng khiêm tốn trong số các mặt hàng xuất khẩu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng XK đến hết quý 2-2010, khác hẳn với cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng của quý 1, quý 2-2009. Điều này hứa hẹn khả năng tăng trưởng XK ổn định trong thời gian tới.

 

Dự báo về XK của các doanh nghiệp dệt may, Chủ tịch Vitas Lê Quốc Ân cho biết, đơn hàng dồi dào hơn năm 2009 do nhiều nhà nhập khẩu tăng số lượng đặt hàng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Nhiều doanh nghiệp dù ký được đơn hàng lớn đến hết quý 2-2010 nhưng trước việc tăng giá các sản phẩm đầu vào như điện, than, xăng dầu... càng khiến doanh nghiệp thận trọng hơn về kế hoạch kinh doanh của mình. Trong khi đó, XK da giày được nhiều chuyên gia nhận định sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Mục tiêu XK của ngành này đạt 4,6 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2009. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 2 tháng đầu năm, dù kim ngạch XK tăng 4% nhưng mỗi tháng mới đạt 340 triệu USD, thấp hơn so với mức bình quân 383 triệu USD/tháng nên khả năng khó đạt được mục tiêu. Đặc biệt, đối với ngành này là do không chủ động được nguyên phụ liệu, chủ yếu làm gia công cho đối tác nước ngoài, năng lực thiết kế, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao còn thiếu. Không chỉ vậy, trong thời gian tới, mặt hàng giày mũ da XK vào thị trường EU vẫn bị áp thuế chống bán phá giá, không còn được hưởng ưu đãi thuế quan GSP nên khó đạt được mục tiêu đề ra.

 

Điều đáng quan ngại nhất là mặc dù XK 2 tháng đầu năm tăng trưởng nhưng xu hướng nhập siêu vẫn tăng lên, khoảng 1,75 tỷ USD, chiếm gần 20% kim ngạch ngạch. Bộ Công Thương nhận định, nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm đến nay nhiều hợp đồng XK giảm và phải đối mặt với những diễn biến giá cả nguyên liệu đầu vào. Trong khi nhóm hàng hoá xăng dầu, hoá chất, nguyên liệu sản xuất tăng, giá của nhóm hàng nông sản XK như gạo, cà phê lại giảm khoảng 25% so với cùng kỳ do sức ép cạnh tranh. XK các mặt hàng khác như chế biến, dệt may, da giày có dấu hiệu tăng trưởng tốt nhưng lại phải đối mặt với những rào cản thương mại mới từ các thị trường nhập khẩu.

 

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

 

Bộ Công Thương cho rằng, năm 2010 XK của Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định để tăng trưởng so với năm 2009 bởi các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế đã ban hành sẽ tiếp tục có tác động tích cực; các sản phẩm công nghiệp sẽ có nhiều khả năng để tăng tốc phát triển nhanh do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định, quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới được dự báo là vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro khó lường. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng XK 7% trong năm 2010 đối với Việt Nam tuy còn khó khăn nhưng không phải là không thể đạt được.

 

Để hiện thực hoá mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tận dụng tối đa những thuận lợi từ các Hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương; xây dựng kênh phân phối một số mặt hàng XK mà Việt Nam có thế mạnh. Giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật đối với hàng XK Việt Nam , đặc biệt đối với hàng thuỷ sản. Tiếp tục vận động các nước EU sớm bỏ thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày có mũ da của Việt Nam XK vào thị trường này. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch XK như các sản phẩm chế biến, công nghiệp chế biến; phát triển XK các mặt hàng mới như sản phẩm cơ khí, thực phẩm chế biến, hoá phẩm tiêu dùng...; đẩy mạnh các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu XK.

 

Theo Bộ Công Thương, hiện một số mặt hàng của Việt Nam đứng đầu thế giới về XK như hạt điều, hạt tiêu đen; đứng thứ 2 về gạo, cà phê; đứng thứ 3 về cao su thiên nhiên, hải sản; thứ 7 về giày dép; thứ 10 thế giới về hàng dệt may. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng mọi thế mạnh của Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh với các thị trường XK khác, đẩy mạnh XK hàng hoá Việt Nam đi nhiều nước trên thế giới, không chỉ tập trung vào một số thị trường mà phải đa dạng hoá thị trường và sản phẩm, phấn đấu để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường hơn 153 nước thành viên WTO.

 

Cùng với đó, việc xúc tiến thương mại cũng cần chú trọng vào các thị trường chủ lực ở khu vực và các nước thuộc châu Á, EU, Bắc Mỹ, Nga; chủ động tìm và mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi; tìm cơ hội XK vào các thị trường mới; tận dụng mọi khả năng để tăng mức XK trên tất cả các thị trường có sức mua lớn nhưng hiện còn chiếm tỷ trọng thấp... Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, hiệp hội ngành hàng tổ chức các hội nghị chuyên đề về ngành hàng, mặt hàng XK; đồng thời rà soát cơ chế, chính sách khuyến khích XK, lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện ưu đãi và hỗ trợ cần thiết để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng sản lượng, đặc biệt chú trọng hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất hàng XK, sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu sớm đi vào sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

 

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện Bộ đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu với trên 200 đề án xúc tiến thương mại trong năm 2010 với kinh phí hỗ trợ 250 tỷ đồng, tăng 45% so với thực hiện năm 2009. Nếu biết tận dụng tối đa những thế mạnh và điều kiện trong nước, cộng với phát triển mạnh các mặt hàng chủ lực như gạo, cao su, dệt may thì năm 2010 sẽ là năm hồi phục mạnh mẽ đối với lĩnh vực XK của Việt Nam. Tuy nhiên, theo kiến nghị của một số hiệp hội, kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại cần phải được tăng cường hơn nữa để có thể giúp cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập mạnh hơn vào thị trường quốc tế.

 

Văn Xuyên

Đọc thêm