Xúc động chuyện những người âm thầm chăm lo cho học sinh ngoài bục giảng

(PLVN) - Họ là những người làm công tác Đoàn, nhân viên y tế, bảo vệ, nhân viên nuôi dưỡng... trong trường học. Dù không trực tiếp làm công tác giảng dạy nhưng họ vẫn đang ngày đêm cống hiến cho ngành giáo dục và họ cũng xứng đáng được tôn vinh vào mỗi dịp 20/11.

Những người thầy, người cô hiếm có hoa ngày 20/11

Dù đều được học sinh gọi là "thầy", là "cô" như bao đồng nghiệp khác, nhưng những thầy cô làm công tác Đoàn, công tác y tế trong trường học không có nhiều vào dịp 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thầy Vũ Ngọc Tân (28 tuổi) dạy môn Hóa Học song lại bén duyên với công tác Đoàn tại Trường THCS Ninh Sơn (Ninh Bình) nhiều năm nay. Công việc hàng ngày thường xuyên tiếp xúc với học sinh, được học sinh quý mến song vào mỗi dịp Hiến chương Nhà giáo, thầy giáo trẻ dường như bị nhiều học trò "quên". Mặc dù vậy, thầy Tân vẫn không cảm thấy buồn vì luôn được nhà trường và các đồng nghiệp động viên, chia sẻ.

Thầy giáo Vũ Ngọc Tân ngoài cùng bên phải. Ảnh: NVCC

"Mỗi dịp này, nhà trường thường tổ chức các chương trình, hoạt động thể thao chào mừng vừa để tăng sự gắn kết giữa các thầy cô, học sinh, vừa thể hiện sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường. Tôi nghĩ rằng chỉ thế thôi là giáo viên như chúng tôi đã có kỳ kỷ niệm trọn vẹn và ý nghĩa", thầy Tân bộc bạch.

Công tác tại điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Tà Xi Láng thuộc xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cô Sùng Thị Chư (SN 1992, phụ trách công tác y tế) chưa bao giờ nghĩ đến việc được tặng hoa, quà mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Theo cô Chư, học sinh tại đây 100% là người dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mỗi dịp 20/11, các em chỉ có thể hái những bó hoa ven đường để tặng cho giáo viên. Tuy nhiên, người được nhận hoa thường là thầy, cô giáo chủ nhiệm hoặc làm công tác giảng dạy nói chung. Với người làm công tác y tế học đường như cô Chư, "gần như không có" hoa do học trò tặng mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cô Sùng Thị Chư - nhân viên y tế học đường tại điểm Trường Tà Xi Láng.

"Nhìn thấy đồng nghiệp của mình nhận được những bó hoa dại được gói ghém vụng về từ các em học sinh tôi cảm thấy rất mừng vì các em đã biết, đã hiểu và thể hiện tình cảm về ngày lễ này. Tôi đã quen, không cảm thấy tủi thân hay buồn vì đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường luôn động viên kịp thời. Với tôi, chỉ cần học sinh luôn khỏe mạnh, đi học đều đã là một món quà vô cùng quý giá", cô Sùng Thị Chư bày tỏ.

Những người dễ bị lãng quên

Dịp 20/11, người ta thường nghĩ ngay đến những giáo viên nhiệt huyết, tận tâm với nghề, với học sinh, ít ai nhớ đến người luôn thầm lặng bảo vệ, giữ gìn an toàn cho học sinh, cho ngôi trường - đó chính là bác bảo vệ.

Với tinh thần đầy trách nhiệm, sự tận tụy và lòng nhiệt tình, yêu thương con trẻ, bác Nguyễn Văn Hòa – nhân viên bảo vệ trường Tiểu học Ba Đình (quận Ba Đình – Hà Nội) đã góp nhiều công sức trong việc xây dựng và giữ gìn sự bình yên cho nhà trường.

Chỉn chu trong giờ giấc, mỗi khi có ca trực, bác Hòa luôn đến trước 15 phút để nhận bàn giao công việc.

Bên cạnh công việc của một người bảo vệ, những lúc không có ca trực, bác Hòa lại tranh thủ giúp nhà trường các công việc sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ, khi thì thay bóng điện, sửa cái bàn hỏng, đóng đinh chân ghế, khi lại thay cái cầu chì, tưới cây, khuân vác các đồ dùng...

Bác cho biết: "Vì trường có nhiều giáo viên nữ và học sinh nhỏ nên những việc nặng nhọc tôi và các đồng nghiệp trong tổ bảo vệ thường sẽ nhận làm. Đảm bảo an toàn cho nhà trường, thầy cô và học trò là trách nhiệm của một người bảo vệ nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt".

Bài văn của một học sinh lớp 2A1 viết về bác Hòa bảo vệ nhà trường.

Không chỉ nhận được sự quý trọng của thầy cô, học sinh, bác Nguyễn Văn Hòa còn nhận được sự tin yêu của các bậc phụ huynh. Hàng ngày, nhiều bậc phụ huynh đi làm về muộn, chưa kịp đón con, dù hết ca trực nhưng bác Hòa luôn sẵn sàng ở lại trông nom, chăm sóc an toàn cho các cháu nhỏ đến khi được bố mẹ đến đón về. Với người bảo vệ ấy, sự bình yên của ngôi trường, niềm vui của thầy cô và học trò là động lực để bác làm việc.

Cảm phục trước tinh thần làm việc trách nhiệm, nhiệt huyết của bác Nguyễn Văn Hóa, tập thể giáo viên và học sinh nhà trường Tiểu học Ba Đình vẫn thường gọi bác bằng cái tên trìu mến “Người gác cổng thầm lặng”.

Giống các bác bảo vệ, cô nuôi trường mẫu giáo cũng là một trong những người có đóng góp tích cực trong nhà trường, chăm lo cho các em nhỏ từ bữa ăn đến giấc ngủ, giống như người mẹ thứ hai.

Hiền lành, chịu khó, chủ động trong công việc, luôn lan tỏa những năng lượng tích cực đến đồng nghiệp là những gì mà Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 7 Nguyễn Thị Thanh Hải Yến nhận xét về cô Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1984) nhân viên tổ nuôi dưỡng nhà trường.

Suốt 15 gắn bó với Trường Mẫu Giáo Số 7 (quận Ba Đình, Hà Nội), dù công việc với đồng lương ít ỏi, phải làm thêm bên ngoài giờ để có thêm chi phí chăm lo gia đình nhưng cô Huyền vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại trường. Hàng ngày cô cùng các đồng nghiệp đến trường từ rất sớm để dọn dẹp vệ sinh và chuẩn bị thực phẩm, sơ chế, chế biến các món ăn cho cô và trò trong trường. Món ăn do cô Huyền chế biến luôn được các cô giáo và học sinh khen vì vừa ngon, hấp dẫn lại đảm bảo an toàn.

Cô Nguyễn Thu Huyền, nhân viên nuôi dưỡng Trường Mẫu giáo số 7 - quận Ba Đình, Hà Nội.

Từ những khó khăn của cuộc sống, cô Huyền càng thêm thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những người xung quanh và cộng đồng. Từ đó cô đã có ý tưởng nấu ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại một số bệnh viện và nhận được sự giúp đỡ của đông đảo đồng nghiệp trong trường. Trong năm 2023, cô Huyền cùng các đồng nghiệp đã hỗ trợ được hàng ngàn suất ăn cho các bệnh nhân nghèo.

"Với một nhân viên nuôi dưỡng, đồng lương ít ỏi nhưng cô Huyền luôn hành động vì người nghèo, người bệnh, giữ được truyền thống cao đẹp của người Việt Nam ta 'Lá lành đùm lá rách'. Đây là hành động cao cả, là tấm gương để mỗi đồng nghiệp noi theo", Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 7 nhận xét.

Dù không trực tiếp tham gia công tác giảng dạy nhưng những người như thầy Tân, cô Chư, bác Hòa, cô Huyền hàng ngày vẫn đang âm thầm cống hiến cho ngành giáo dục ngày một tốt đẹp hơn. Họ xứng đáng được tôn vinh vào mỗi dịp Hiến chương Nhà giáo....

Nhân viên trường học là bộ phận thường chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số biên chế của trường học nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường. Dù họ phải làm việc 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành Giáo dục. Hiện phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp.

Đọc thêm