Xúc tiến đầu tư: Nên dịch vụ hoá cho đúng nghĩa

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông (và cả các kỳ họp Quốc hội) thường phản ánh về tình trạng dự án tỉ đô bị “treo”.

Xúc tiến đầu tư: Nên dịch vụ hoá cho đúng nghĩa
Xúc tiến đầu tư: Nên dịch vụ hoá cho đúng nghĩa
Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông (và cả các kỳ họp Quốc hội) thường phản ánh về tình trạng dự án tỉ đô bị “treo”.

Hầu hết các diễn đàn nhằm mổ xẻ vấn đề này để tìm giải pháp, người ta chỉ bàn về phần “nổi”: nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo môi trường pháp lí thông thoáng, ban hành nhiều chính sách ưu đãi…

Tất cả các giải pháp trên đều đúng. Tuy nhiên, là người đã từng làm công tác mời gọi đầu tư, tôi cho rằng cần phải làm thêm phần “mềm”: sớm hoàn thiện nội dung hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư theo hướng dịch vụ hóa các cơ quan này.

Xúc tiến = tìm kiếm + thúc đẩy?

Luật Đầu tư 2005 không nêu khái niệm “xúc tiến đầu tư”. Do vậy những người làm xúc tiến đầu tư thường ngầm hiểu với nhau rằng nó cũng “na ná” như định nghĩa của Luật Thương mại 2005 về “xúc tiến thương mại” - “là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ…”.

Vậy thì “xúc tiến đầu tư là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội đầu tư”. Rõ ràng trong chừng mực nào đó, định nghĩa thứ hai này vẫn đúng bởi nó xuất phát từ cơ sở ngôn ngữ, căn cứ pháp lý và nhất là bản chất công việc.

Từ khi Luật Đầu tư 2005 ra đời, đa số các phòng xúc tiến đầu tư trực thuộc sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh đều được “lên chức” thành trung tâm (TT) trực thuộc UBND tỉnh với các tên gọi như TT xúc tiến - đầu tư - thương mại - du lịch TP. A, TT xúc tiến thương mại - đầu tư tỉnh B… (sau đây gọi là TTXT).

Lúc đầu, người ta cứ nghĩ khi trở thành một đơn vị sự nghiệp độc lập như thế, có lẽ các TT này ngoài vai trò tham mưu, tổ chức cho tỉnh nhà về việc “tìm kiếm” cơ hội đầu tư, nó còn làm cả vai trò dìu dắt, giúp đỡ các nhà đầu tư để sớm triển khai dự án, tức là làm cả việc “thúc đẩy” sau khi có giấy phép.

“Tìm kiếm” thì dễ, “thúc đẩy” thì rất khó

Thực tế các TTXT chủ yếu thực hiện chức năng “tìm kiếm” chứ chưa thể “thúc đẩy”. Bởi lẽ, việc “tìm kiếm” cơ hội đầu tư thì sở, ngành nào cũng muốn (thương mại, du lịch, giao thông, tài nguyên môi trường… đều đã lập sẵn danh mục các dự án mời gọi đầu tư của riêng mình).

Do vậy, công việc “tìm kiếm” của các TTXT thường được các cơ quan này khuyến khích và hỗ trợ hết mình. Đến khi “tìm kiếm” được nhà đầu tư vào đến tỉnh, thì sở, ngành nào cũng đòi tự đứng ra “thúc đẩy” việc triển khai dự án.

Đến lúc này thì có vẻ như vai trò của TTXT đã bị mờ nhạt, có chăng họ chỉ là người trung gian giới thiệu “khách” cho “chủ nhà” tiếp đón cho đến lúc giữa “khách” và “chủ nhà” ký kết xong một “hợp đồng” (giấy đăng ký đầu tư dự án và cam kết để lại dự án).

Thế là vai trò của “vị mai mối” TTXT gần như chấm dứt. Nhưng bản chất của công tác xúc tiến đầu tư đâu chỉ dừng lại ở đó. Đáng lẽ nó phải tiếp tục dìu dắt các vị khách này (tư vấn thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án…).

Nguyên nhân do đâu? Có một cuộc tranh luận hơi tai tiếng tại hội thảo về “cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư” do Văn phòng hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam (văn phòng phía Nam) tổ chức. Khi bàn đến vấn đề có nên giao cho TTXT làm dịch vụ tư vấn đầu tư để các nhà đầu tư thuận tiện hơn trong việc triển khai dự án hay không, thì có ba đại biểu phản đối:

(1) “Chẳng lẽ dự án được lập bởi chúng tôi mà để cơ quan khác tư vấn triển khai hay sao?”; (2) “Nền hành chính của Việt Nam mang tính phục vụ chứ không mang tính dịch vụ”; (3) “Năng lực, kiến thức của cán bộ TTXT có hạn, không thể có đủ kiến thức để tư vấn cho các nhà đầu tư”. Ba ý kiến này được xem là rào cản trong các nỗ lực thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư đi vào nề nếp.

Trong ba ý kiến nêu trên, ý kiến thứ nhất là không thể chấp nhận được bởi nó biểu hiện bệnh thành thích. Ý kiến thứ hai lý luận rằng “nền hành chính Việt Nam mang tính phục vụ chứ không mang tính dịch vụ”, do đó không thể chấp nhận cho một đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ tư vấn đầu tư thì có vẻ chưa hợp lý. Khi có người hỏi (ngoài hành lang hội thảo) tại sao tách họ ra thành đơn vị sự nghiệp có tên “xúc tiến đầu tư”?

Và tại sao một số lĩnh vực như công chứng, nhà đất, xây dựng, bưu chính, điện, nước… cũng được làm dịch vụ thì những người này không có những lý giải thuyết phục. Thực tế từ những ngành này cho thấy, đơn vị sự nghiệp nhà nước làm dịch vụ công không có nghĩa là mất hẳn “tính chất phục vụ” của nền hành chính nhà nước nếu như pháp luật có quy định rõ phạm vi dịch vụ.

Còn đổ thừa cho năng lực của cán bộ TTXT không đủ thì hoàn toàn không có cơ sở. “Thúc đẩy” đầu tư không có nghĩa là can thiệp vào chuyên môn của các ngành mà họ chỉ giữ vai trò trung gian liên hệ với các sở, ngành liên quan để thúc đẩy các dự án về mặt thủ tục.

Trong quá trình đó, nếu họ gặp rắc rối về chuyên môn thì các sở, ngành này phải có trách nhiệm giúp đỡ. Đó là một bộ máy tốt(!)

Hơn nữa, thực tế các TTXT không phải là thiếu người đủ năng lực vì nhiều cán bộ ở đó cũng từ các sở, ngành chuyển qua. Giả sử năng lực họ còn yếu thì nên mạnh dạn tạo điều kiện cho họ thực hành mới là một phương pháp đào tạo cán bộ tiên tiến và hiệu quả.

Giải pháp nào?

Theo tôi, nên mạnh dạn cho phép các TTXT làm cả dịch vụ tư vấn đầu tư (cho đúng chức năng “thúc đẩy”). Tuy nhiên, cần quy định rõ phạm vi tư vấn gồm: viết dự án đầu tư (do nhà đầu tư cung cấp phương án kinh doanh), thực hiện bộ hồ sơ đăng ký đầu tư (do sở kế hoạch và đầu tư hướng dẫn), làm thủ tục thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (do sở tài nguyên môi trường và các sở, ngành liên quan hỗ trợ)…

Điều đó có nghĩa là TTXT đóng vai trò trung gian (duy nhất) làm tất cả các việc liên quan đến thủ tục để nhà đầu tư không phải tự “chạy đôn chạy đáo” mà chỉ việc nộp một khoản phí tư vấn (dĩ nhiên mức phí phải theo quy định) và họ chỉ cần liên hệ một đầu mối.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn làm việc này. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài không tin tưởng họ. Bởi đó là dịch vụ công, phụ thuộc nhiều vào các cơ quan nhà nước nên nhà đầu tư chỉ tin vào Nhà nước.

Trong khi đó chưa có đơn vị Nhà nước nào làm việc này nên rất dễ phát sinh tiêu cực: nhà đầu tư bị hách dịch, phiền hà rồi họ lén lút “nhờ” cán bộ nhà nước tư vấn (bên ngoài cơ quan), đến một lúc nào đó họ cảm thấy ngán ngẩm và chán nản dẫn đến dự án bị “treo” hoặc giải ngân được một ít rồi để đó… Đó cũng là nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực triếp (FDI) rất thấp.

Như vậy, theo tôi cần phải đưa khái niệm “xúc tiến đầu tư” vào trong luật; quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các TTXT theo hướng tăng cường công tác “thúc đẩy” đầu tư; kiện toàn bộ máy TTXT; cho phép họ làm dịch vụ tư vấn đầu tư.

Đừng để cơ quan này hoạt động như một người đưa đò miễn phí mà đến khi đưa “khách” đến “nhà” sở, ngành thì bỏ mặc cho khách bơ vơ không ai hướng dẫn, còn “chủ nhà” thì chỉ có chức năng quản lý nhà nước - một công cụ vốn rất dễ phiền hà.

Hiện nay đã có một tín hiệu đèn xanh đáng mừng cho ngành xúc tiến đầu tư, đó là Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 7/4/2009 của Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhưng văn bản này chỉ mở rộng phạm vi “tìm kiếm” chứ chưa có quy định mở đường cho các TTXT thực hiện chức năng “thúc đẩy”. Hy vọng các văn bản hướng dẫn thi hành sắp tới sẽ bổ sung khoảng trống này.

Theo Danh Quốc Cường

Vietnamnet

Đọc thêm