Mối nguy hiểm của sự xuống cấp về mặt đạo đức
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chỉ ra tình trạng một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa chưa đúng, không trong sáng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. |
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, một người khi bước vào Đảng với động cơ trong sáng thì mới hy vọng cả cuộc đời đi theo Đảng sẽ trong sáng, đúng đắn. “Đảng mong muốn một người bước chân vào Đảng, đi với Đảng suốt đời; một người được Đảng đề bạt, bổ nhiệm làm cán bộ thì phải tiếp tục phát triển, không giữa chừng “gãy cánh” được. Rất tiếc, mình có một bộ phận giữa đường “gãy cánh”, “gãy cánh” nặng chứ không phải nhẹ. Đó là điều rất buồn”, bà Mai nói.
Theo bà Trương Thị Mai, từ năm 2016 đến năm 2020, chúng ta có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (chiếm 0,5% tổng số đảng viên). Số đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống là 15.101 (chiếm 60%); có 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (chiếm 33%)…
Nhìn nhận về thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc này có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan do tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, do hoàn cảnh xô đẩy. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. “Cuối cùng, cái gốc mà chúng ta phải nhìn nhận rõ là sự xuống cấp về mặt đạo đức; sự thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện dẫn đến “bán mình cho quỷ”, đánh mất mình, để rồi không làm được tấm gương sáng mà thành tấm gương mờ”, PGS.TS Lê Văn Cường khẳng định.
Phân tích về chuỗi hành vi đưa - môi giới - nhận hối lộ, ông Lê Văn Cường nhấn mạnh về tầm quan trọng của đạo đức. “Thành thực mà nói, quy định của pháp luật có rồi nhưng vấn đề có giữ được mình hay không lại phải là do đạo đức, đạo đức là gốc”, PGS.TS Lê Văn Cường nêu rõ.
Phẩm chất đạo đức của người đảng viên là yếu tố quyết định
Dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”; “... Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, PGS.TS Lê Văn Cường khẳng định, đạo đức cách mạng “không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất chui lên, mà do rèn luyện hàng ngày mà có”. “Như Bác nói: “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, những vụ việc gần đây nhất như vụ kit test Việt Á hay việc giải cứu đồng bào ở vùng dịch về cho thấy vẫn có câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn có câu chuyện không vượt qua được cám dỗ đồng tiền nên suy thoái, đánh mất mình. Cho nên, tôi đồng tình với nhận định rằng đó là sự xuống cấp về mặt đạo đức”, ông Lê Văn Cường nhấn mạnh.
Chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, ông Cường phân tích, sai phạm của những cán bộ, đảng viên suy thoái là do họ đã nhận thức không đúng hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”. Hiện nay, chúng ta nhận được những thông tin vừa vui, vừa buồn. Vui vì sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, vui khi thấy quyết tâm của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, xuống cấp. Nhưng buồn là đồng chí, đồng đội của chúng ta - trong đó nhiều người có rất nhiều công lao, cống hiến nhưng cuối cùng lại thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức nên suy thoái, sa ngã. Cho nên, biện pháp cuối cùng vẫn là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để xứng đáng với danh xưng là người đảng viên cộng sản.
PGS.TS Lê Văn Cường nói thêm, Đại hội XIII của Đảng có một điểm mới về nội dung, đó là lấy hạnh phúc của người dân làm mục tiêu phấn đấu. “Nghĩa là, mục tiêu đạt được là phải làm quốc phú, dân cường. Muốn như vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải chú ý đến vấn đề nêu gương”, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nói thêm.
Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nhận định, những thành công, thành tích to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được thời gian qua, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là chưa bao giờ chúng ta có vị thế, uy tín như ngày nay, chính là những phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng quyết định.
Bốn phẩm chất có ý nghĩa trường tồn
Theo Đại tá Bùi Đình Bôn, có bốn phẩm chất có ý nghĩa trường tồn và không thay đổi theo thời gian. “Trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất đạo đức hàng đầu của người cách mạng. Xuyên suốt cả quá trình từ khi Đảng làm cách mạng cho đến khi chúng ta xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phẩm chất đó vẫn còn nguyên giá trị, không thay đổi thời gian.
Thứ hai là, tình thương yêu đồng chí, tình yêu con người. Sống với nhau có nghĩa, có tình, thương yêu con người là phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng. Thứ ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là phẩm chất có thể nói là trung tâm của phẩm chất đạo đức cách mạng, trung tâm của người cách mạng. Phẩm chất thứ tư là có tình đoàn kết quốc tế. Đây cũng là phẩm chất có ý nghĩa trường tồn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản với mỗi người đảng viên.
Ngoài ra, đạo đức là sản phẩm thuộc phạm trù lịch sử, nằm trong kiến trúc thượng tầng và bị chi phối, quyết định bởi hạ tầng cơ sở. Do đó, ở mỗi giai đoạn, yêu cầu phẩm chất đạo đức của người cách mạng khác nhau. “Trong thời kỳ mới, chúng ta hội nhập quốc tế, phát triển toàn diện, sâu rộng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân, vì dân thì yêu cầu về phẩm chất đạo đức của người cách mạng sẽ khác với thời kỳ chúng ta xây dựng, phát triển nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp”, PGS.TS Bùi Đình Bôn nhận định.
Bàn về khung tiêu chí chung của đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Lê Văn Cường cho rằng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “cái gốc” của vấn đề là phải rèn luyện đạo đức, chấp hành tốt 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương.
Còn Đại tá Bùi Đình Bôn cho biết, Bác Hồ đã đề cập rất đầy đủ về phẩm chất đạo đức người cách mạng trong những tác phẩm của Người, rõ nhất là trong các tác phẩm Đường Kách mệnh, Sửa đổi lối làm việc. Sau này, khi viết cho các lực lượng, bộ, ngành như Công an, Quân đội, Bác cũng đều nêu những phẩm chất đạo đức cụ thể của ngành đó. “Như vậy, toàn bộ đạo đức Hồ Chí Minh đã bao hàm đầy đủ phẩm chất đạo đức người cách mạng mà chúng ta phải học tập, noi theo”, ông Bùi Đình Bôn nói.
Ngoài ra, Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã nêu ra khung tiêu chí và tiêu chí cụ thể cho từng chức danh cán bộ. Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị cũng đề cập rất cụ thể, xác định khung tiêu chí nói chung và tiêu chí cụ thể về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, về phương pháp, tác phong làm việc và về ý thức tổ chức kỷ luật… của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cũng đề cập rất rõ về vấn đề này.
“Như vậy, chúng ta đã có tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong những bài viết, bài nói, công trình, Bác cũng đã đề cập đến các tiêu chí cụ thể về đạo đức cách mạng cho từng lực lượng. Trong ba văn bản nói trên, Ban Chấp hành Trung ương đã đề cập rất đầy đủ về tiêu chí, đạo đức của người cán bộ cách mạng”, ông Bùi Đình Bôn chỉ rõ những khung tiêu chí về đạo đức cách mạng mà từng đảng viên cần chú trọng thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
“Để tăng năng suất lao động và tăng sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chúng ta chẳng những phải nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết của mình về mọi mặt, mà trước hết phải biết luôn luôn giữ vững và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản. Cuộc chỉnh huấn lần này là một cơ hội tốt để tất cả chúng ta thật thà phê bình và tự phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm chỉnh, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa, thấy rõ ưu điểm để phát huy thêm. Muốn vậy, mỗi người phải thật sự tự giác, tự nguyện. Nhất là các đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành cần phải gương mẫu trong việc tự phê bình và phê bình. Tất cả các đồng chí đều phải đem hết lòng đoàn kết, thương yêu đồng chí và giúp nhau tiến bộ. Những đảng viên nào có khuyết điểm, nếu thật thà tự phê bình, có quyết tâm sửa chữa, vứt bỏ cái ba lô cá nhân chủ nghĩa đi thì sẽ trở nên đảng viên xứng đáng. Đảng ta là một “bà mẹ” rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ. Chúng ta phải làm sao cho sau cuộc chỉnh huấn này, mỗi đồng chí càng nhận rõ trách nhiệm của mình, càng thêm tin tưởng, phấn khởi và hăng hái tiến lên; sự đoàn kết nhất trí trong Đảng càng thêm vững chắc, bảo đảm cho Đảng ta càng trong sạch, càng mạnh mẽ, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta càng giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa,…”.
Trích Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập (22/1/1965)