Xem ra câu nói truyền miệng của nhiều người dân “Qua cửa bảo vệ còn khó hơn đi gặp lãnh đạo” không hề vô căn cứ, khi nhiều bác gác cổng cứ cố tình làm khó làm dễ cho những ai có công việc phải tới các cơ quan, công sở.
Không dưới chục lần tôi bị các bác bảo vệ hạnh họe khi mới lò dò vào cổng các cơ quan. Nhiều bữa trời trưa nắng chang, tôi vừa lò mặt tới cổng, bảo vệ đã hằm hè: “Tháo khẩu trang ra! Đi đâu?”. Lần khác, bảo vệ cứ đứng từ xa nhìn, đợi tôi ì ạch dắt xe vào sâu trong sân rồi mới khoát tay: “Dắt ra, để ngoài cổng ấy!”.
Việc “Xuống xe, tắt máy, dắt bộ” là một quy định cần thiết, giúp cho trật tự của các công sở được bảo đảm. Nhưng khổ nỗi, nhiều cơ quan “chơi ác”, xây một cái gờ cao cao ở ngay cổng, làm ai đi vào cũng è cổ mà đẩy xe. Trong khi đó, các nhân viên của cơ quan cứ mặc nhiên rồ máy chạy thẳng vào mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Chuyện bảo vệ cơ quan hỏi giấy tờ, tên tuổi, mục đích của người đến liên hệ công tác cũng không hề sai. Ở một góc khác, bảo vệ chính là bộ mặt của cơ quan đó, vì ai muốn vào đều gặp bảo vệ trước tiên. Chính vì vậy, thái độ và cách cư xử của bảo vệ cũng phải được điều chỉnh thích hợp, thể hiện sự lịch sự, tôn trọng khi “khách đến chơi nhà”. Mà nếu không bàn đến chuyện lịch sự, thì việc hỏi han, đối đãi với người khác bằng những lời ân cần, nhẹ nhàng đâu phải là quá khó? Tại sao cứ phải nặng nề, lên gân để cả hai bên cùng khó chịu? Mà biết đâu, sau khi bị hạnh họe, khách sẽ đánh giá cả một cơ quan là “bất lịch sự”!
Chính vì e ngại thái độ của các bác bảo vệ, nhiều người rỉ tai nhau: “Không cần biết bạn vào các cơ quan làm gì, gặp ai, nhưng bạn phải thật nhún nhường với bảo vệ”. Trước kia, nhiều thầy cô đã “vẽ” cho chúng tôi vài cách để qua cửa bảo vệ trót lọt, êm thấm. Tuy nhiên, những cách ấy khi áp dụng vào thực tế đôi khi không phù hợp. Nghĩa là, mỗi người đều phải tùy cơ ứng biến mà lựa chọn cho mình một phương cách để đối phó với bộ mặt “ngầu” của bảo vệ.
Nghị Văn