Ý chí vươn lên của các nữ CCB

Về lại đời thường, hầu hết cựu chiến binh (CCB) mà đặc biệt là CCB nữ phải đối mặt với bao khó khăn của cuộc sống. Nhiều chị đi qua chiến tranh, gửi lại chiến trường cả một đời xuân sắc, nay về hưu, chuyển ngành, xuất ngũ vẫn đơn độc, không có được hơi ấm hạnh phúc gia đình.

Về lại đời thường, hầu hết cựu chiến binh (CCB) mà đặc biệt là CCB nữ phải đối mặt với bao khó khăn của cuộc sống. Nhiều chị đi qua chiến tranh, gửi lại chiến trường cả một đời xuân sắc, nay về hưu, chuyển ngành, xuất ngũ vẫn đơn độc, không có được hơi ấm hạnh phúc gia đình.

CCB nữ luôn là hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn hóa - văn nghệ của Hội. 

Phần lớn các chị không là thương binh thì bệnh tật, sức khỏe yếu dần theo năm tháng. Nhiều chị may mắn hơn, có được một gia đình yên ấm, vợ chồng, con cái thành đạt, làm ăn khấm khá, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Mỗi chị là mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc đời, mỗi tâm trạng khác nhau...

Tuy nhiên, có một điều chung nhất của 2.400 CCB nữ trong thành phố là sự nỗ lực vượt khó, tất tả ngược xuôi, chăm lo cho gia đình và tham gia tích cực vào các mặt công tác xã hội. Chính ý chí của những người “Bộ đội Cụ Hồ” năm nào cùng với tấm lòng chịu thương, chịu khó, sự giúp đỡ nhau trong nghĩa tình đồng đội đã giúp các chị vươn lên trong cuộc sống, lao động và học tập. Nhiều chị đã trở thành những tấm gương sáng, tiêu biểu trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), chúng tôi thật sự xúc động về mối tình chung thủy, tinh thần vượt khó của vợ chồng anh Ngô Văn Đi và chị Nguyễn Thị Xê. Anh chị đều là thương binh nặng, cả 2 đều cụt một chân. Tiền trợ cấp thương binh quá ít ỏi, anh chị cố gắng mưu sinh thêm bằng nghề may vá. Chị Xê kể: “Học nghề may gần 2 năm đối với chị là cả sự gian nan, vất vả.

Phải mang chân gỗ đến tận bẹn, phải tập dần theo ngày tháng mới đều nhịp, lúc đầu đau đớn không thể chịu nổi”. Dần dà theo năm tháng, sự chăm chỉ, chịu khó đã giúp chị trở thành người thợ may giỏi, được bà con tín nhiệm. Chính chị cũng là người dạy may cho chồng. Để bây giờ, anh chị đủ khả năng hỗ trợ nhau trong công việc may vá hằng ngày. Hạnh phúc lớn lao nữa đối với đôi vợ chồng thương binh nặng này là họ lần lượt sinh 2 đứa con và được nuôi nấng, giáo dục khôn lớn, trưởng thành và hết sức hiếu thảo với cha mẹ, chăm học, chăm làm.

Gương sáng khác của nữ CCB vượt khó là chị Trần Thị Hương, ở phường Xuân Hà (Thanh Khê). Năm 1980, chị chuyển ngành từ quân đội về Cục Dự trữ Quốc gia tại Đà Nẵng, đến năm 1993 chị xin nghỉ chế độ một lần do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Về lại địa phương, chị xoay xở, mưu sinh đủ nghề từ bốc vác vật liệu xây dựng, nấu rượu, nuôi heo đến nuôi chim cút, chế biến thủy sản, nuôi gà công nghiệp. Cực khổ vô vàn đối với người phụ nữ, nhưng chị không kêu ca, luôn vượt khó, vươn lên để chăm lo cho gia đình, con cái và tham gia công tác xã hội.

Năm 1994, bằng ít vốn dành dụm cộng với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, chị bàn với chồng mở trường mẫu giáo. Hơn 15 năm đi vào hoạt động từ quy mô nhỏ, đến nay Trường mầm non Hoa Phượng của chị có diện tích sử dụng gần 1.600 mét vuông, có đủ phòng học, sân chơi, nhà ăn, nhà bếp, đầy đủ các trang thiết bị dạy và học, thu nhận hằng năm khoảng 300 cháu với hơn 30 cô giáo trẻ, yêu nghề. Trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến.

CCB Trần Thị Hương thật sự là tấm gương về ý chí và nghị lực. Không chỉ là hiệu trưởng của trường, CCB Trần Thị Hương còn tham gia cấp ủy rồi bí thư Chi bộ, hội viên CCB. Việc gì chị cũng tích cực, chu đáo, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân luôn tin yêu và đánh giá cao về kết quả đóng góp của chị với địa phương.

Còn biết bao CCB nữ trên địa bàn thành phố thật sự tiêu biểu cho ý chí vượt khó, như vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Điền và chị Nguyễn Thị Anh ở phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn). Ngoài cương vị Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, công việc khá vất vả nhưng hằng ngày chị còn tự nguyện chăm sóc Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Rượi từ miếng ăn, giấc ngủ, đến lúc đau ốm Bà con trên địa bàn dân cư luôn khen chị là phụ nữ 2 giỏi: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Còn ở phường An Hải Tây (Sơn Trà), CCB nữ Cao Thị Kim Oanh, hết lòng với công tác xóa mù chữ cho trẻ em và người lớn. Từ năm 1999 đến nay, riêng chị dạy 10 lớp học bình thường, 3 lớp xóa mù chữ cho hơn 250 người học, góp phần vào việc xóa mù chữ và phổ cập THCS của địa phương.

Riêng ở phường Thanh Bình (Hải Châu), nữ CCB và vợ CCB đã tập họp vào Câu lạc bộ nữ CCB để giúp đỡ nhau trong cuộc sống, động viên, chăm lo lúc đau ốm, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng hạnh phúc gia đình, dạy dỗ con cái, bàn chuyện làm ăn, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ, đọc thơ, nâng cao đời sống tinh thần cho chị em CCB nói riêng và phụ nữ trên địa bàn thành phố nói chung.

Thật khó có thể nói hết được ý chí vượt khó, tấm lòng chịu thương, chịu khó, vươn lên trong cuộc sống của hàng ngàn CCB nữ trên địa bàn thành phố. Họ không chỉ lo cho hạnh phúc gia đình mà còn đóng góp to lớn cho xã hội. Sự hy sinh và ý chí vươn lên của các chị thật đáng khâm phục và trân trọng.

ANH PHÚC

Đọc thêm