Nhiều Nghị định xử phạt… “có vấn đề”

(PLO) - Đồng loạt các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực như: văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; báo chí xuất bản; môi trường, giáo dục; khí tượng, thủy văn, đo đạc, bản đồ; quản lý giá, phí, lệ phí… đã được ban hành thời gian qua. Dù chưa có trường hợp nào bị phạt theo các Nghị định mới này nhưng đã nảy sinh bất cập lớn: thẩm quyền xử phạt quy định chưa chuẩn!
Nhiều Nghị định xử phạt… “có vấn đề”
Bên cạnh một loạt Nghị định quy định nhiều cơ quan cùng được phạt báo chí “vênh” với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông tại Nghị định 159 về xử phạt trong hoạt động báo chí, xuất bản,  một điển hình khác là Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ  30/12/2013) cũng trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Công an nhân dân. 
Nghị định 179 “phân vùng” xử phạt lĩnh vực môi trường cho các lực lượng như tài nguyên môi trường, kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường… nhưng đã “cắt” quyền xử phạt vi phạm hành chính của cảnh sát môi trường vốn đã và đang được Luật Công an nhân dân quy định được quyền xử phạt.
Việc không giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an nhân dân khiến dư luận lo ngại sẽ làm giảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động của lực lượng này trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Chính vì thế, ngay trước khi Nghị định 179 có hiệu lực, Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị chỉ đạo Ban soạn thảo chỉnh lý, hủy bỏ một số quy định không phù hợp. 
Kết quả là, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định - có văn bản trả lời, giải thích rõ các kiến nghị của Bộ Công an trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dư luận đang chờ đợi  Nghị định trái luật này được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất.
Nói về sự cố “tranh chấp” thẩm quyền này, một cán bộ ngành công an cho biết: “Tất cả các ý kiến chúng tôi góp ý trong quá trình dự thảo Nghị định đều được tiếp thu nhưng không hiểu sao sau đó lại bị bỏ ra ngoài”.  Còn Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) sau việc Nghị định quy định nhiều cơ quan cùng xử phạt báo chí cũng thổ lộ:
“Trước đây, Thanh tra Bộ TT-TT cũng từng được một số Bộ, ngành mời tham gia Hội đồng tư vấn, thẩm định các dự thảo văn bản xử phạt trong đó có liên quan đến báo chí. Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị các cơ quan ban hành văn bản không đưa vấn đề xử phạt báo chí vào, vì như vậy là không đúng thẩm quyền. 
Các cơ quan này cũng đã đồng ý và rút các quy định đó ra. Tuy nhiên, do thực tế xây dựng văn bản pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, không phải lúc nào Bộ TT-TT cũng được tham vấn ý kiến nên đã xảy ra nhiều trường hợp văn bản được ban hành rồi thì mới phát hiện ra những chồng chéo, bất hợp lý”.
Không ngần ngại gọi tên sự “bất hợp lý” trong quá trình các Bộ, ngành soạn thảo các văn bản pháp luật đó, GS.TS Thái Vĩnh Thắng nói, đó là “vì lợi ích của ngành mình, lợi ích về vật chất và uy tín” nên tất yếu có những quy định thiếu hợp lý. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần có cơ chế kiểm tra, giám sát trước khi ban hành những quy định gây phản ứng trong dư luận kiểu như trên.