Ý kiến chính thức về hiện tượng sử dụng biểu tượng Đức Phật để livestream bán hàng

0:00 / 0:00
0:00
Mấy ngày gần đây, một số cá nhân đã lên mạng xã hội sử dụng biểu tượng Đức Phật để livestream bán hàng với nhiều lời lẽ phản cảm, khiến nhiều Phật tử bức xúc. Về việc này, HT Thích Gia Quang, PCT Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ý kiến như sau.

Xuất hiện nhiều hình thức biểu đạt nội dung bằng video có dụng ý bôi nhọ Phật giáo

Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, xuất hiện nhiều hình thức biểu đạt nội dung bằng video có dụng ý bôi nhọ Phật giáo, xúc phạm niềm tin tôn giáo của hàng chục triệu tín đồ Phật tử. Có thể thấy điều này qua sự việc khác nhau như dùng hình tượng Đức Phật livestream bán hàng, chuyện dùng tên Buddha để đặt tên quán bar hoặc có người tự xưng là Ngọc hoàng, là Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống “cứu độ thế gian”, ngay cả trong phát ngôn của một số trí thức cũng thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực đối Phật giáo và chư tăng ni (như vụ việc phát ngôn của một tiến sĩ cách đây vài năm).

HT Thích Gia Quang, PCT Hội đồng Trị sự, Trưởng ban TTTT TW Giáo hội PGVN.

Nhiều vị tôn túc Giáo hội PGVN có đề cập rằng đây có thể là một hình thái tấn công Phật giáo có tổ chức, có kịch bản. Tôi không loại trừ quan điểm này và muốn thêm rằng, ngày nay, chúng ta sống xa Phật pháp, những hiểu biết chưa đầy đủ về Phật giáo của một người với những rơi rớt của 'tam độc' (tham - sân - si) đã và đang gây ra những hệ luỵ lâu dài. Thật đáng tiếc.

Nên nhận thức rõ về quả báo của hành vi bất thiện

Như các bạn đã biết, Đức Phật, hay còn gọi là Buddha, hoặc Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của Phật giáo, tôn giáo lớn nhất nhì trên thế giới hiện nay. Ngài là biểu tượng của Phật giáo, là biểu tượng cho sự giác ngộ, giải thoát, là bậc chánh đẳng giác. Thật ra, giáo lý của Ngài cũng đã nói về việc này, sau khi Ngài nhập diệt, và khi nhân loại bước vào thời kỳ mạt Pháp.

Các việc như ta đã đề cập ở trên đây xúc phạm biểu tượng Phật giáo, phỉ báng niềm tin tôn giáo của hàng chục triệu tín đồ Phật tử. Tôi thấy việc xử lý các hành vi ấy cũng chưa tương xứng, và đó đây còn có lúc này lúc khác xuê xoa, qua chuyện. Theo tôi biết, hành vi tương ứng như vậy đối với các tôn giáo khác có thể gây hậu quả không thể đo đếm. Tuy nhiên, Phật giáo dựa vào triết lý từ bi, lấy nhân quả làm thước đo của sự chứng ngộ của chúng sinh, nên dường như chế tài xử lý đang có phần bị xem nhẹ.

Một chúng sinh mượn biểu tượng Đức Phật để livestream bán hàng, đang gây phẫn nộ trong giới Phật tử.

Có vị tôn túc trong Ban Thông tin Truyền thông TW Giáo hội PGVN đã đề nghị rằng Giáo hội cần lên tiếng cùng nhà chức trách xử lý để giáo dục và răn đe. Nhưng như tôi nói, Phật giáo là đạo của từ bi và trí tuệ, việc xử lý có thể chưa tới nên nhiều chúng sinh vì vậy coi nhờn. Điều thật sự tôi lưu tâm là quả báo của hành vi ấy. Tôi chỉ có thể nói rằng quả báo là thứ mà chúng sinh mang đi khi chết, trôi lăn và đeo bám theo nhiều kiếp sống.

Sử dụng Bát chánh đạo trong đời sống

Là Phật tử, chúng ta có nhiều bài học về Bát chánh đạo. Sự vô minh của nhiều chúng sinh biểu hiện ở việc phỉ báng biểu tượng tôn giáo sẽ thúc đẩy các ác nghiệp, thế giới không còn được bình an. Bệnh tật, chiến tranh, thiên tai đã xảy ra thường xuyên, chắc chắn có liên quan đến các lối sống bạo lực và hận thù của con người. Tương lai nhân loại thật đáng lo ngại như các bạn thấy.

Chúng ta có triết lý về Bát chánh đạo, là phương tiện thiện xảo để ứng phó với các việc này. Là Phật tử, chúng ta hiểu biết, tri kiến về việc này trong hoà bình, thấu hiểu và hãy cảnh báo rằng nhân quả là tiến trình tất yếu và không thể đảo ngược mỗi khi gây ra nhân. Kẻ tạo tác nhân xấu sẽ đối mặt với quả báo bất thiện nghiệp không chỉ cho đời này mà còn nhiều đời sau.

Đọc thêm