Ý KIẾN TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) tập trung đánh giá tổng kết nhiệm kỳ, đề ra phương hướng, mục tiêu và giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm tới.

LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) tập trung đánh giá tổng kết nhiệm kỳ, đề ra phương hướng, mục tiêu và giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm tới. Đại hội sẽ thảo luận, xây dựng và quyết sách nhiều chủ trương lớn có tính chiến lược. Sau đây là ý kiến phát biểu của đại diện một số ngành trên lĩnh vực kinh tế, thể hiện quyết tâm và niềm tin mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Phát triển công nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực phục vụ có hiệu quả CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn

Trần Lê Đoài
Giám đốc Sở Công Thương Nam Định
Một góc CCN An Xá (TP Nam Định).
Ảnh: Dương Đức

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2005-2010), giá trị sản xuất công nghiệp ở tỉnh ta tăng trung bình 20,5%/năm, trong đó công nghiệp Trung ương tăng 4,7%, công nghiệp địa phương tăng 23,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 41,7%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng dần; năm 2010 đạt 36,5%… Đạt được kết quả trên, Sở Công Thương đã tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các ngành, các cấp cùng với doanh nghiệp xây dựng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả từ cơ sở Chương trình phát triển CN-TTCN, làng nghề (giai đoạn 2006-2010) của BCH Đảng bộ tỉnh. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, dệt may, chế biến thực phẩm đồ uống, hoá dược, VLXD… Từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, CCN. Đã có 4/12 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng thu hút 113 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 11127,7 tỷ đồng, 143 triệu USD. Các ngành, các cấp đã quan tâm khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, làng nghề mới…, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Công tác khuyến công trong 5 năm đã triển khai trên 400 chương trình, dự án đào tạo nghề, truyền nghề, trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí 22,3 tỷ đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.

Sửa chữa, đóng mới tàu vận tải thuỷ tại Cty TNHH vận tải và thương mại Trường An, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).
Ảnh: Đức Hoa

Trong nhiệm kỳ tới (2010-2015) dự báo kinh tế thế giới và khu vực sẽ có chuyển biến tích cực, nước ta tiếp tục chủ động và tích cực đẩy mạnh lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư; tập trung cho đầu tư hạ tầng các khu, CCN để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu phát triển công nghiệp tăng bình quân 22-23%/năm giai đoạn 2010-2015, đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP của tỉnh đạt 39,5% vào năm 2015, ngành Công Thương sẽ chủ động và phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, điện lực đến năm 2020; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tập trung GPMB và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, CCN. Sở Công Thương phối hợp với các ngành xây dựng "Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư" nhất là các dự án khuyến khích, ưu đãi đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển các ngành sản xuất chủ yếu, các sản phẩm mũi nhọn như công nghiệp cơ khí, điện, điện tử; công nghiệp dệt may; công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản; sản xuất thuốc chữa bệnh, sản xuất VLXD… Ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị tăng cao. Phát triển các doanh nghiệp tại các làng nghề truyền thống làm nòng cốt đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, gia công đặt hàng các làng nghề trong tỉnh. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các loại hình kinh doanh mới: Thương mại điện tử, bán hàng theo chuỗi. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp cơ khí, dệt may, chế biến thực phẩm… Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất cho các dự án; chỉ đạo và phối hợp với ngành điện ưu tiên cung cấp điện cho sản xuất tại các khu, CCN, các doanh nghiệp lớn… trong điều kiện nguồn điện còn gặp khó khăn./.

Đọc thêm