Y Moan - những phút bềnh bồng...

Y Moan sinh ngày 6 tháng 9 năm 1957 tại buôn M’Ðrắk (nay là huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) trong một gia đình dân tộc Ê Đê nghèo có 7 anh em. Khi học hết lớp 7, Y Moan theo đoàn văn công vì sự đam mê ca hát.  Năm 1976, anh trúng tuyển vào đội ca nhạc của Đoàn văn công giải phóng Đắc Lắc (nay là Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk), làm quen dần với âm nhạc chính thống và nhanh chóng trở thành một ca sĩ hát chính của đoàn.

Y Moan sinh ngày 6 tháng 9 năm 1957 tại buôn M’Ðrắk (nay là huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) trong một gia đình dân tộc Ê Đê nghèo có 7 anh em. Khi học hết lớp 7, Y Moan theo đoàn văn công vì sự đam mê ca hát.  Năm 1976, anh trúng tuyển vào đội ca nhạc của Đoàn văn công giải phóng Đắc Lắc (nay là Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk), làm quen dần với âm nhạc chính thống và nhanh chóng trở thành một ca sĩ hát chính của đoàn. Năm 1997, Y Moan được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ngày 4 tháng 8 năm 2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng Y Moan danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc.

Mô tả ảnh.
Y Moan trong chương trình cùng nhóm N’step Đà Nẵng tại Đắc Lắc do Công ty Gala Việt Đà Nẵng tổ chức tháng 6-2009.

Anh qua đời ngày 1 tháng 10 năm 2010 tại Buôn Ma Thuột sau một năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng dương 54 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định, Y Moan chính là một trong bốn huyền thoại Tây Nguyên, cùng với huyền thoại về voi, về cồng chiêng và Anh hùng Núp: “Y Moan là một giọng hát độc nhất vô nhị. Không ai vượt qua nổi, kể cả con trai ông”.

Lần đầu tiên tôi được nghe giọng hát cháy bỏng của Y Moan không phải ở một sân khấu lớn, mà lại là tại hội trường nhỏ hẹp của Tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), 25 Lê Hồng Phong, Đà Nẵng. Nguyên cách đây khoảng hơn 15 năm, vào thời điểm Y Moan đang lang bạt cùng nhóm “Du ca đồng nội” của Trần Tiến, trong một lần ghé ngang Đà Nẵng, nhận lời mời của Ban Biên tập Báo QN-ĐN - với một chiếc ghi-ta thùng, không âm-li máy móc, Y Moan vẫn say sưa hát và trò chuyện thân mật với vài chục phóng viên. Cùng đi với Y Moan, có cả Y Zak (được giới thiệu là em họ của Y Moan), nhưng dĩ nhiên, mọi người đều tập trung nhiều hơn về Y Moan - người đang sở hữu giọng ca hoang dã, mở đầu những giai thoại mới về âm nhạc Tây Nguyên.

Hồi ấy, Y Moan là một chàng trai có ngoại hình thanh mảnh và rất lãng tử. Y Zak lại càng trẻ trung và khá rụt rè bên bóng dáng anh trai. Hai anh em thay phiên nhau hát liên tiếp những bài ca của Trần Tiến, Nguyễn  Cường, Y Phôn Ksơr… như:  Giấc mơ Chapi, Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Ơi M’Drak, Ly cà- phê Ban Mê... Càng ấn tượng hơn, khi hai người đàn ông Tây Nguyên ấy vang lên những lời ca ngộ nghĩnh, thú vị của nhạc sĩ Trần Tiến: “Em ơi cho anh một đứa con trai. Em ơi cho anh một thằng đàn ông. Em ơi cho anh một phút bềnh bồng....”.

Mô tả ảnh.
Y Moan trong Ngọn lửa cao nguyên tri ân khán giả Hà Nội đêm 6-8-2010.

Trong câu chuyện kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ về cuộc đời ca hát của mình, Y Moan cho biết: Năm 1979, ra Bắc, nhờ vào  học ở Nhạc viện Hà Nội mà anh đã gặp được người thầy là nhạc sĩ Nguyễn Cường, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời anh. Sau khi tiếp tục được tu nghiệp tại Bungari, Đức, Nga, Hungari, Rumani... trong một lần chuẩn bị tham gia một liên hoan quốc tế, anh phải kiên trì tập luyện suốt mấy tháng liền một bài hát có đoạn âm `vực rộng quá mức. Đến giây phút vượt qua được nốt nhạc khó khăn ấy, từ lồng ngực anh đã phọt ra những giọt máu. Nhưng cũng từ đó, anh mới thực sự trở thành Y Moan... Thế mới biết, song hành với tài năng là sự khổ luyện.

Lần thứ hai, vào tháng 6 năm ngoái, tại  buổi văn nghệ phụ diễn trong phạm vi phục vụ một hội nghị du lịch ở Đắc Lắc do Công ty Gala Việt Đà Nẵng tổ chức, tôi thật bất ngờ khi nhận ra bên cạnh nhóm N’step Đà Nẵng làm chủ lực là gương mặt gạo cội của ca sĩ Y Moan. Giờ đây, Y Moan không còn là chàng trai trẻ quyến rũ ưa nhìn như xưa, nhưng giọng hát của anh vẫn đầy ma lực làm dậy lửa sân khấu. Dù vậy, khi xuất hiện, anh vẫn hết sức khéo léo, thể hiện nhân cách một nghệ sĩ lớn trong những lời phát biểu, để khán giả không quá tập trung về mình.

Sinh thời, Y Moan xem mình là một người nông dân thực thụ của buôn làng Tây Nguyên. Sau những chuyến đi biểu diễn đó đây trở về, hằng ngày anh vẫn lên nương, lên rẫy và dạy cho trẻ em biết đàn, biết hát. Có lần anh bày tỏ: “Cuộc đời tôi vừa được ca hát, vừa trồng cà-phê, vừa được sống giữa núi rừng, sống với thiên nhiên. Người ta vẫn hỏi tôi, tại sao không dời nhà về thành phố, tại sao không đi diễn nhiều, tại sao không làm kinh tế, câu trả lời của tôi rất giản dị, tôi yêu cuộc sống ở cao nguyên, tôi yêu thiên nhiên quê mình, tôi thích cách sống như vậy, và dù không biết đó có phải là lựa chọn đúng hay không, nhưng tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình”.

“Ở Tây Nguyên có những thảo nguyên bao la, có những cánh rừng cà-phê bạt ngàn nắng gió, có hoa pơ-lang nở trắng... Đẹp lắm! Tôi đã hát về Tây Nguyên chỉ vì muốn cả thế giới biết đến Tây Nguyên, tôi muốn ở đâu người ta cũng biết, Tây Nguyên đẹp như thế nào! Tôi yêu lắm! Tôi yêu tha thiết cuộc đời này!. Mai mốt nếu có nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn thấy tự hào vì đã là dân tộc Ê-đê, tự hào đã được hát về dân tộc, về bản làng của mình...”.
                                                                                              Y Moan

TRẦN TRUNG SÁNG

Đọc thêm