Ý nghĩa của việc cài bông hồng trên ngực áo trong lễ Vu Lan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ Vu Lan là khoảng thời gian để chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo với các bậc sinh thành, dưỡng dục mình. Đây là dịp để tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và tổ tiên. Trong dịp này, nghi thức “Bông hồng cài áo” là nghi thức mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt và không thể thiếu.
Nghi thức "Hoa hồng cài áo" trong lễ Vu Lan.
Nghi thức "Hoa hồng cài áo" trong lễ Vu Lan.

Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu Lan (hay Rằm tháng Bảy) từ lâu đã trở thành một ngày trọng đại và không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng.

Nghi thức bông hồng cái áo mới xuất hiện khoảng 60 năm nay. Theo Đại đức Thích An Đạt (chùa Thiên Trúc, quận 7, TP.HCM), nghi thức này được đề xuất bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong chuyến thăm Nhật Bản thập kỷ 1960, thiền sư thấy người Nhật Bản cài hoa cẩm chướng lên ngực trong lễ Vu lan, những người mất mẹ cài hoa màu trắng, người còn mẹ cài hoa đỏ. Khi chuyển hóa hình thức này về Việt Nam, ông chọn hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu lan báo hiếu. Và thế là nghi thức này được phổ biến và duy trì đến nay.

Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương thơm. Chúng ta cài lên ngực bông hoa là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, vào ngày Vu lan, chúng ta thường cài một bông hoa màu hồng lên áo.

Nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan tại các ngôi chùa Việt Nam để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ và màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

Những phật tử còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo thể hiện sự tự hào vì đang còn mẹ. Những ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, dù mẹ đã khuất. Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư.

Đọc thêm