Y phục cổ - “bài toán khó nhằn” cho các nhà làm phim Việt

(PLVN) - Để làm phim cổ trang, có lẽ lựa chọn trang phục cổ chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với những nhà làm phim. Điện ảnh Việt Nam rất “non” về làm phim cổ trang cũng như chưa có nhiều tư liệu nghiên cứu về y phục qua các thời kỳ lịch sử. Việc nhiều “sạn” về phục trang khiến dòng phim cổ trang bị thụt lùi với dòng chảy điện ảnh Việt.
Một cảnh trong phim Phượng Khấu

Cứ có phim cổ trang là có “sạn” y phục?

Còn nhớ, bộ phim “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” là bộ phim có kinh phí khổng lồ, lại được làm với mục đích kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, bộ phim này đã bị hủy chiếu bởi từ cảnh quay, võ thuật, diễn viên quần chúng… và đặc biệt là trang phục nhân vật đều quá giống phim Tàu với Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Thái Tổ trông như... Đường Tam Tạng và Lý Thế Dân (Đường Thái Tông). Vậy là bộ phim hàng trăm tỷ đồng “tan thành mây khói”.

Tương tự “Thiên mệnh anh hùng” cũng bị cho là tương đối giống với Trung Quốc. Trong đó, phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh bị đem ra so sánh nhiều nhất vì màu sắc, thiết kế không khác nhiều với trang phục của Võ Tắc Thiên (phim Võ Tắc Thiên), Phượng “Ớt” (phim Hồng Lâu Mộng). 

“Mỹ nhân” - một bộ phim dựa trên một sự kiện có thật và diễn ra trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam từ sự phân tranh quyền lực giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn, ở giây 42 đã xuất hiện một vị quan (do Châu Thế Tâm đóng) mặc quan phục với hình ảnh Lion King (Vua Sư tử) trên ngực áo. 

Phim “Tây Sơn hào kiệt” trang phục của các nhân vật bị chê tơi bời vì luộm thuộm, rối mắt như cải lương…  

Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trịnh Bách chia sẻ: “Việc trang phục, đặc biệt là của tầng lớp quan lại người Việt xưa chịu ảnh hưởng từ các triều đại bên Trung Quốc. Thế nhưng các chi tiết rất khác nhau. Vì lâu nay, từ phim ảnh, truyện tranh, trang phục của các đoàn nghệ thuật truyền thống… đều không chuẩn nên lâu dần, người dân hiểu sai, hiểu không đúng về trang phục của cha ông”.

Họa sỹ Cù Minh Khôi đánh giá: “Nhiều phim, trang phục nhìn giống hệt trang phục Trung Quốc. Một số phim thì lại cách tân quá đà. Vì thế, vai trò của đội ngũ tư vấn trang phục là rất quan trọng. Tôi cho rằng cần phải chuẩn hóa lại các họa tiết, hoa văn, trang phục, bối cảnh... của nước ta xưa. Khi mọi người đều biết cái nào là của Việt Nam, cái nào là của Trung Quốc thì tranh cãi sẽ giảm”.

Bỏ tiền tỷ vẫn dễ “xơi gạch đá”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Cổ phục Việt Nam - Từ đời sống đến điện ảnh” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định, trang phục vừa là hình ảnh vừa là biểu tượng, kết tinh của một thời đại. Khi làm phim lịch sử, trang phục đóng vai trò quan trọng và cũng là khâu dễ nhận “gạch đá” của dư luận với những câu hỏi đặt ra như trang phục như vậy đã đúng chưa, dù là phóng tác nhưng có thể chấp nhận được không.

Còn với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim lịch sử, ông biết mình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mà khó khăn lớn nhất chính là trang phục của diễn viên sao cho trúng và đúng với thời đại mà bộ phim đề cập. 

Anh Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Cty Ỷ Vân Hiên (doanh nghiệp chế tác trang phục) chia sẻ, kinh phí vẫn là một trong những vấn đề nan giải với phim lịch sử. Đưa một bộ cổ phục ra trước công chúng đặc biệt là trong các bộ phim, những người thực hiện không dám nói đó là phục chế, phục dựng.

Bởi nếu làm chuẩn chỉ thì một bộ cổ phục đúng với lịch sử có giá cả vài trăm triệu đến cả tỷ đồng với kỹ thuật dệt, chất liệu, thêu... đều 100% “made in Vietnam”. Nguồn cứ liệu để  phục dựng trang phục cổ được lấy trên thư tịch, tranh ảnh và hiện vật gốc. Khi dựa vào 3 nguồn này, mọi tranh cãi sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, khi đưa vào điện ảnh lại khác, để giảm giá thành, chất liệu được sử dụng đa dạng hơn. Hơn nữa, vì hình ảnh khán giả xem phim đều thông qua ống kính nên những kỹ xảo điện ảnh sẽ được sử dụng.

Chỉ cận cảnh, các bộ trang phục mới sử dụng thêu tay để thể hiện tinh hoa trong trang phục truyền thống. Ngoài ra, có những đại cảnh lớn nhìn từ xa, đoàn làm phim sẽ sử dụng trang phục được in hoặc thêu máy. 

Hầu hết các bộ phim cổ trang đều vấp phải tranh luận trái chiều về trang phục. Thiết kế các trang phục cổ luôn là bài toán “khó nhằn” cho các nhà thiết kế. Dù vậy, họ đều mong muốn lắng nghe và hoàn thiện. Stylist Hoàng Anh (của phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể) khẳng định: “Dù vấp phải ý kiến trái chiều hay đồng thuận, chúng tôi vẫn chấp nhận và mong muốn được phát triển và khám phá, sáng tạo trong thế giới nghệ thuật”.

Đồng tình với quan điểm ấy, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (của phim Phượng Khấu) chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã phải bỏ nhiều mẫu khi phát hiện làm chưa được đúng với cổ vật nguyên gốc. Nếu ai đó có nguồn tư liệu chuẩn và nói rằng trang phục chúng tôi làm chưa đúng, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu vì đây là lĩnh vực vô cùng khó khăn. Chúng tôi mong khán giả mở lòng đón nhận”. 

Đọc thêm