Đẩy mạnh chuyển đổi số y tế
Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số vừa là xu hướng phổ biển, vừa là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Xác định, đây là “bệ đỡ” giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta vạch rõ chuyển đổi số là một chủ trương lớn, đột phá quan trọng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Là một trong các lĩnh vực có tác động lớn đến xã hội, liên quan hằng ngày tới cuộc sống người dân, quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính ưu tiên, tất yếu, đồng thời là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành Y tế trong thời kỳ mới. Do đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành Y tế, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học công nghệ.
Nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về chuyển đổi số, ngày 3/2/2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ “Về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực tế cho thấy, kể từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, ngành Y tế đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số, từ hoàn thiện chính sách, quy định cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; an toàn thông tin cho đến phát triển kinh tế số và xã hội số.
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động chuyển đổi số y tế tập trung vào việc gia tăng lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả...
Áp dụng khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại trong khám, chữa bệnh người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN). |
Đơn cử, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), khám, chữa bệnh từ xa, đến nay đã kết nối liên thông 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Từ ngày 1/7/2024, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám cũng bắt đầu được thí điểm tích hợp lên Cổng tiếp nhận thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Trên ứng dụng VNeID, thẻ BHYT, thông tin BHXH đã được tích hợp cùng các loại giấy tờ, dịch vụ khác. Theo báo cáo của cơ quan BHXH Việt Nam, tỷ lệ đồng bộ giữa Số Căn cước công dân và Số định danh cá nhân với Số thẻ BHYT đạt tỷ lệ 94%. Trong tương lai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng BHXH Việt Nam và Bộ Công an để tích hợp giấy chuyển tuyến điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử lên VNeID.
Đây là tiền đề quan trọng cho việc tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân từ các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau dựa trên Số định danh cá nhân và Số căn cước công dân hình thành Sổ sức khỏe điện tử toàn dân, mở ra một chương mới cho kỷ nguyên chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Bên cạnh đó, 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hầu hết bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim; hệ thống Telehealth đã kết nối tới tất cả cơ sở y tế tuyến huyện. Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), giải pháp Kiosk y tế thông minh, dịch vụ thanh toán quét mã QR không dùng tiền mặt, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê khai đơn thuốc điện tử… đều được triển khai tại các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Y tế Việt Nam còn áp dụng khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực, bước đầu làm chủ nhiều công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như: Máy laser, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa, chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19.
Sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã và đang giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khỏe, trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm và thiết bị y tế.
Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi
Có thể thấy, trong hành trình chuyển đổi số ngành Y tế, sự đổi mới và tân tiến mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nói cách khác chuyển đổi số đại diện cho thế hệ y tế thời kỳ mới, thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong việc giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế theo hướng cải thiện và cá nhân hoá. Sự thay đổi này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, nhất là người cao tuổi.
Tư vấn sức khỏe từ xa xóa bỏ “nút thắt” giao tiếp vật lý và khó khăn di chuyển của người cao tuổi. (Hình minh họa - Nguồn: Sức khỏe+). |
Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với dự đoán số người cao tuổi đạt 16,8 triệu vào năm 2039 và 25,2 triệu vào năm 2069, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nhằm tháo gỡ thách thức trên, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học công nghệ.
Một trong những vấn đề nổi trội trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là việc nhiều người gặp khó khăn trong việc đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để thăm khám. Một phần vì “tuổi cao, sức yếu”, một phần vì khoảng cách địa lý, nhất là với đối tượng người cao tuổi tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Khắc phục khó khăn này, dịch vụ Telehealth hay Telemedicine (tư vấn sức khỏe từ xa) đã được triển khai tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế. Dịch vụ này cho phép người cao tuổi tiếp cận gần hơn với các hệ thống y tế, đội ngũ y bác sĩ trong việc tư vấn, thăm khám và chữa bệnh từ xa, từ đó xoá bỏ “nút thắt” giao tiếp vật lý và khó khăn di chuyển.
Đối với dịch vụ thăm khám trực tiếp, lợi ích rõ rệt nhất mà chuyển đổi số y tế mang lại cho người cao tuổi là sự thuận tiện trong quá trình khám, chữa bệnh. Nhiều người cao tuổi thường ám ảnh trước tình trạng xếp hàng chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp gây phiền hà. Tuy nhiên, với mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, người cao tuổi có thể thực hiện các thủ tục nhanh chóng và dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian khám bệnh một cách đáng kể.
Quan trọng hơn cả, các bệnh viện và cơ sở y tế hiện nay đã áp dụng công nghệ thông tin để lưu trữ toàn bộ dữ liệu và bệnh án của bệnh nhân trên hệ thống trực tuyến, nhằm cải thiện quá trình thăm khám và chữa bệnh. Nhờ đó, người bệnh và gia đình có thể dễ dàng quản lý và theo dõi thông tin y tế xuyên suốt. Tất cả thông tin liên quan đến người cao tuổi, bao gồm thông tin cá nhân, số lần khám, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và đơn thuốc điện tử, đều được số hóa và lưu trữ một cách khoa học theo cấp độ bảo mật cao, được quản lý theo mã số riêng biệt.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người cao tuổi, nhiều ứng dụng chăm sóc sức khỏe đã được ra mắt. Các ứng dụng cho phép người cao tuổi và gia đình theo dõi tình trạng sức khỏe một cách dễ dàng và hiệu quả. Bao gồm các tính năng như theo dõi các chỉ số sức khỏe hàng ngày, theo dõi huyết áp hay lượng đường trong máu, nhắc nhở uống thuốc và cung cấp thông tin về các bệnh thường gặp, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thông qua video và hình ảnh.
Ứng dụng còn kết nối với các chuyên gia y tế, giúp người cao tuổi nhận được tư vấn kịp thời cũng như có nút SOS khi cần hỗ trợ khẩn cấp. Có thể thấy, những ứng dụng này không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe chung mà còn đặc biệt hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong bối cảnh công nghệ số 4.0.