Y tế Việt Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ ngành Y tế, những năm qua công tác cải cách hành chính đã được triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều nội dung quan trọng. Nhờ đó đã có những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Hướng tới sứ mệnh lấy người bệnh làm trung tâm, công tác cải cách hành chính được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. (Ảnh: Tiên Giang)
Hướng tới sứ mệnh lấy người bệnh làm trung tâm, công tác cải cách hành chính được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. (Ảnh: Tiên Giang)

Chú trọng cải cách hành chính

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân cả nước đạt kết quả đáng tự hào cùng các thành tựu quan trọng trong công tác y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, trang thiết bị y tế… Các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt, tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Song song với thành công trên, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế đã đạt được kết quả khá toàn diện và nổi bật, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ ngành Y tế. Những năm qua, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao.

Theo Báo cáo số 1579/BC-BYT ngày 20/12/2023 của Bộ Y tế, năm 2023 là điểm sáng về cải cách hành chính trong toàn ngành. Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính trong nhiệm vụ công tác... là một trong những nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả nổi bật.

Đáng chú ý, Bộ Y tế đã hoàn thành tốt công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số. Tính từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế xếp thứ 1 trong số 18 Bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, nhờ đó đã tạo thuận lợi trong công tác khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe của người dân.

Trong năm 2023, Bộ Y tế ban hành 16 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính; công bố mới 17 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 127 thủ tục; bãi bỏ 45 thủ tục. Số thủ tục hành chính thuộc phạm, vi quản lý của Bộ đã ban hành và công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. 100% tổ chức, cá nhân đều hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị của Bộ Y tế.

Tính đến 30/11/2023, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện 23/163 phương án đã được Chính phủ phê duyệt (đạt 14,1%). Hiện các đơn vị của Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế theo quy định.

Từ số liệu thực tế, mỗi năm Bộ Y tế nhận và giải quyết hơn 166.000 hồ sơ thủ tục trong khi công tác khám, chữa bệnh ngày càng tăng cao. Là một trong những khâu có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ ngành Y tế, công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho bộ máy y tế nói chung và đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế nói riêng mà còn tạo sự hài lòng cho người dân.

Bên cạnh đó, với việc cắt giảm, đơn giản hoá quy định thủ tục hành chính và quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp dược, trang thiết bị y tế tiết kiệm được hơn 570 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2023. Đây là thông tin được đưa ra trong buổi Tọa đàm lấy ý kiến về thủ tục hành chính của Bộ Y tế.

Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe cho phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Thủ tục cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe; Khám sức khỏe định kỳ của người lái xe ô tô; Cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; Khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên làm trên tàu biển Việt Nam... là những thủ tục trong danh mục thủ tục hành chính bị Bộ Y tế bãi bỏ theo Quyết định mới nhất của Bộ.

Đẩy mạnh bằng chuyển đổi số

Chuyển đổi số đem lại kết quả quan trọng trong công tác cải cách hành chính. (Ảnh: TTXVN)

Chuyển đổi số đem lại kết quả quan trọng trong công tác cải cách hành chính. (Ảnh: TTXVN)

Về cơ bản, đến thời điểm hiện tại công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế đã có những tiến bộ khi hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ giao trong các Nghị quyết, song, vẫn còn chưa đáp ứng thỏa đáng được yêu cầu của các Sở Y tế, các doanh nghiệp và người dân do còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Y tế cần tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả thực tế cải cách hành chính.

Một trong những giải pháp quan trọng giải quyết được “bài toán” trên phải nhắc đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Trong thời đại 4.0, hiện đại hóa hành chính là xu hướng không thể phủ nhận trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động hành chính nhà nước nói chung, quản lý nhà nước về y tế nói riêng không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức hướng tới một môi trường hành chính hiện đại, cải cách.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong công tác khám, chữa bệnh, trong thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số, xã hội số vào các hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh một cách toàn diện, nhờ đó đã có những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Dễ dàng nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng cho người dân. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin dễ thấy nhất ở các khâu tiếp đón, thanh toán viện phí, bởi nó giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi thủ tục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho các khâu nói trên thuận lợi, nhanh, chính xác và đặc biệt minh bạch. Khi cắt giảm các thủ tục rườm rà về tài chính, các bác sĩ, nhân viên y tế chỉ tập trung cho khám, chữa bệnh, từ đó chất lượng khám, chữa bệnh sẽ tốt hơn, người bệnh sẽ hài lòng hơn.

Tiếp đó, tập trung rà soát tổng thể nhiệm vụ xây dựng, kết nối liên thông dịch vụ cổng thông tin của Bộ Y tế với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện. Cụ thể như đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; số hóa kết quả thủ tục hành chính để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí...

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và là yếu tố quyết định góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu y tế; bảo đảm thực hiện lấy người bệnh làm trung tâm và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh. Do đó, ngành Y tế cần tiếp tục đánh giá các tác động đối với quá trình cải cách hành chính, triển khai thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đem lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác cải cách hành chính của ngành trong thời gian tới.

Đọc thêm