|
Đội chèo xã Yên Xá (Ý Yên) biểu diễn trong lễ hội truyền thống của xã. |
Ý Yên là vùng đất cổ với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân vũ phong phú, đa dạng. Ở loại hình diễn xướng dân gian, Ý Yên là một trong những "cái nôi" của nghệ thuật chầu văn với các làn điệu độc đáo như: điệu cờn, điệu xá, điệu chèo đò mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Tiêu biểu là Nghệ nhân Đào Thị Sại, xã Yên Đồng là một trong 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Dân gian" loại hình nghệ thuật chầu văn. Bên cạnh các điệu dân ca, nghệ thuật ca trù, xẩm, Ý Yên cũng nổi tiếng với các làng chèo cổ. Từ đầu thế kỷ 19, nghệ thuật hát chèo ở Ý Yên phát triển từ một thể loại nghệ thuật dân gian truyền thống đến một kịch chủng với các mô hình: chiếu chèo, gánh chèo, đội chèo, làng chèo. Trong đó, tại các xã Yên Nhân, Yên Cường, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Phong, những đội chèo, gánh chèo do các gia đình hoặc dòng tộc thành lập đã vượt qua "cổng làng" để biểu diễn phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ với những thế hệ kép, đào nổi danh như: Đỗ Văn Điềm, Trịnh Văn Biểng, Trịnh Văn Cán, Đỗ Văn Tuyệt, Trần Văn Tiu, Trịnh Văn Đạm. Trong nghệ thuật hát chèo ở Ý Yên, theo thống kê, hiện có gần 50 làn điệu chèo cổ. Theo thông lệ, vào các dịp lễ hội mùa xuân, mùa thu, các gánh chèo mở hội thi tài với ý nghĩa tưởng nhớ các vị tổ nghề, thần thành hoàng làng, các vị danh nhân, anh hùng dân tộc có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống xâm lược. Đây là nét sinh hoạt văn hoá tinh thần cao đẹp của cộng đồng cư dân nơi đây từ bao đời nay.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các địa phương trong huyện đều thành lập các đội văn nghệ quần chúng, trong đó, nghệ thuật chèo và các nghệ nhân, diễn viên từ các gánh chèo là hạt nhân mang lời ca tiếng hát động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ông Bùi Ngọc Trân, nguyên là diễn viên đội văn nghệ quần chúng xã Yên Nhân thời kỳ chống Mỹ cho biết: Từ năm 1965 đến năm 1974, xã có đội văn nghệ lực lượng nòng cốt của 3 làng An Lại Hạ, Thụ Ích và Thanh Khê với trên 40 diễn viên, nhạc công luôn xung kích với tinh thần "Tiếng hát át tiếng bom" phục vụ bộ đội, dân quân, phục vụ nhân dân trong lao động sản xuất. Ngoài các trích đoạn chèo từ các tích cổ, đội văn nghệ của các xã tự biên kịch và dàn dựng các vở kịch có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, truyền thống anh hùng dân tộc, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động giỏi. Các vở diễn do đội văn nghệ quần chúng xã Yên Nhân tự biên, tự diễn được các chiến sỹ và nhân dân trong vùng yêu thích, trân trọng. Do nhiều nguyên nhân, nghệ thuật hát chèo ở Ý Yên bị chững lại, nhiều đội chèo giải thể, mai một. Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự "vào cuộc" của các cấp, các ngành, các đội chèo ở Ý Yên từng bước được khôi phục và phát triển. Hiện nay, cả huyện có trên 40 tốp, đội văn nghệ quần chúng phát triển ở 35 xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với các hoạt động thiết thực như: tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo, cổ vũ, phổ biến các đội chèo, các tiết mục chèo đặc sắc trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở, nhiều đội chèo ở Ý Yên được khôi phục, phát triển. CLB nghệ thuật truyền thống huyện Ý Yên là một điển hình. CLB là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật chèo, ca trù với hơn 30 nghệ sỹ đồng quê là hạt nhân trong các đội văn nghệ quần chúng cơ sở. Bằng tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống, họ tự viết kịch bản "tự biên, tự diễn" phục vụ nhân dân địa phương thông qua các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và địa phương. Đồng thời tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực. Từ nhiều năm nay, ngành Văn hoá Thông tin huyện phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các xã, thị trấn. Tại các đất chèo cổ như Yên Phong, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Chính, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy chèo cho con em trong làng và các vùng lân cận. Không ít "đội chèo gia đình", "đội chèo họ tộc" ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, hoạt động của các đội chèo còn được duy trì, phát triển bằng cách lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các CLB ở thôn, xóm như: CLB không sinh con thứ 3, CLB gia đình hạnh phúc, CLB tiền hôn nhân, CLB văn hoá nghệ thuật. Với các tiểu phẩm ngắn gọn, các đội chèo ở Ý Yên đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng