Yên Bái: Những đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

(PLO) - Thành quả ấn tượng bước đầu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã và đang hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cùng sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, đã mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái.
Yên Bái:  Những đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Đề án hợp lòng dân

Từ năm 2015, Yên Bái thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” nhằm khai thác triệt để lợi thế điều kiện tự nhiên, phát huy sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp theo định hướng của cơ chế thị trường. Điểm đặc biệt, Đề án được xây dựng với sự tham gia đông đảo, tích cực từ phía các doanh nghiệp và người dân của từng địa phương, cùng quá trình khảo sát thực tế kỹ lưỡng đến từng cây, từng con, từng mô hình sản xuất nông nghiệp cụ thể trên địa bàn toàn tỉnh. 

Nhớ lại quá trình tham mưu xây dựng đề án cho tỉnh, lãnh đạo sở Nông nghiệp &PTNT Yên Bái chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng Đề án từ người dân và đến nay được coi là đề án hợp lòng dân, vì chính người dân và doanh nghiệp mới biết rõ nhất tại mỗi tiểu vùng, mỗi mảnh đất nên phát triển loại nông sản nào mà thị trường đang cần.

Sau nữa, cũng chính doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm gắn kết giữa người nông dân với nhà khoa học và chỉ có doanh nghiệp mới có điều kiện đầu tư công nghệ chế biến hiện đại nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, đồng thời tổ chức bao tiêu khối lượng lớn nông sản cho người nông dân, mối quan hệ tương hỗ này bền vững vì nó đem lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó chính quyền đóng vai trò định hướng và kiến tạo”.

Kết quả, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chia làm 8 đề án thành phần được lựa chọn, tính toán kỹ càng, gồm: chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; cây ăn quả có múi; chè vùng cao; ngô đông trên đất 2 vụ lúa; cây quế; cây măng tre bát độ; cây sơn tra. Qua gần hai năm triển khai trên thực tiễn, tất cả mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, bước đầu tạo nên diện mạo mới cho ngành Nông nghiệp vốn đang loay hoay tìm hướng đi.

Những “nút thắt” từng bước được tháo gỡ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao được xây dựng, ngày càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao xúc tiến đầu tư vào tỉnh, thương hiệu nông sản Yên Bái từng bước được khẳng định, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân. 

Không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống người dân, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Yên Bái còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển của các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, ông Nguyễn Bá Thể - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất - xuất nhập khẩu Đạt Thành tại huyện Văn Yên cho biết: “Đề án đã tạo cho doanh nghiệp chúng tôi niềm tin và động lực tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, thực tế cho thấy Đề án đã hài hòa lợi ích một cách vững chắc giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Hiện tại, nhà máy chế biến tinh dầu quế được vận hành từ năm 2016 của tôi đang bao tiêu sản lượng 25-30 tấn nguyên liệu/ngày, kết quả đó cũng là nhờ phần lớn chính sách khuyến khích từ Đề án này ”.

Cơ sở chế biến chè đặc sản Shan Tuyết tại Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Cơ sở chế biến chè đặc sản Shan Tuyết tại Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Khai thác triệt để lợi thế từng vùng đất

Là một tỉnh miền núi khó khăn nằm sâu trong nội địa, diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 85% diện tích đất tự nhiên, Yên Bái được chia làm nhiều tiểu vùng khí hậu gắn với điều kiện thổ nhưỡng tương đối khác biệt. Cùng với đó, trình độ canh tác của người dân tại các vùng miền còn có sự chênh lệch lớn. 

Ngay từ ngày đầu, bằng việc làm cụ thể khi bắt tay thực hiện Đề án, Mù Cang Chải đã triển khai trồng thử nghiệm mô hình lúa mỳ, lúa chất lượng cao, cải dầu và khoai tây theo kỹ thuật canh tác mới, với diện tích tập trung. Các mô hình này đã nhanh chóng được khẳng định vì hiệu quả kinh tế cao, vụ Đông Xuân 2016 - 2017, toàn huyện  đã mở rộng diện tích gieo trồng trên 2000ha ngô, lúa chất lượng cao hai vụ, 500ha cải dầu, 15ha khoai tây và 20ha lúa mỳ. Mô hình này đã góp phần nâng bình quân lương thực đầu người trong huyện năm 2016 đạt 400kg. Ngoài ra, mô hình trồng cây sơn tra tiếp tục được khẳng định, chỉ tính riêng năm 2016 tăng gần 1000ha cây Sơn tra. 

Điển hình trong xây dựng mô hình chuyên canh tập trung quy mô lớn, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất là huyện Văn Yên, Văn Trấn, Lục Yên, Trạm Tấu. Đến nay, riêng huyện Văn Yên đã hình thành vùng chuyên canh lúa hơn 1.000ha, vùng chuyên canh sắn công nghiệp trên 7.000ha, vùng quế 40.000ha, vùng chè 700ha. Toàn huyện đã hình thành 3 cụm công nghiệp (Bắc Văn Yên, Tây cầu Mậu A và  Đông An) phục vụ cho 34 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, mà thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu. 

Tái cơ cấu nông nghiệp cận đô thị, tạo sản phẩm tươi sống an toàn phục vụ đô thị tại chỗ là một hướng đi rất mới cho TP Yên Bái và huyện Yên Bình. Chỉ từ năm 2015 trở lại đây, mô hình sản xuất rau an toàn tại thành phố Yên Bái hiện đã có 3 doanh nghiệp đầu tư, thu hút 106 hộ tham gia canh tác trên khu vực quy hoạch hơn 70ha. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường trong tỉnh hàng chục tấn rau quả tươi an toàn, lần đầu tiên nhiều loại rau quả đặc sản Yên Bái có mặt tại các siêu thị ở các thành phố lớn, hứa hẹn một vùng rau quả đặc sản đầy tiềm năng phục vụ đô thị. 

Chia sẻ hướng phát triển mô hình này, ông Hoàng Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết:“Thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm, làm điểm cho các địa phương khác trong tỉnh Yên Bái. Từ các tổ hợp tác như hiện nay sẽ nhân rộng nhiều hợp tác xã sản xuất rau an toàn với đầy đủ tư cách pháp nhân, quy mô sản xuất lớn để cung ứng rau an toàn số lượng lớn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời mở ra hướng phát triển của một nền nông nghiệp sạch và bền vững”.

Từ thành công bước đầu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian tới, Yên Bái tiếp tục phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao; bổ sung và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đọc thêm