Vào những ngày tháng 5 trời trong xanh quá này, các cơ quan truyền thông đã có hàng ngàn câu chuyện chân thực, cảm động về đạo đức Bác Hồ. Học tập và làm theo đạo đức của Người là điều tất cả chúng ta đều nghĩ suy sâu sắc và nghiêm túc.
Có không ít người nói học tuy có khó, nhưng còn có thể, nhưng làm theo thật là khó, mỗi thời mỗi khác.
Bác thường để lại đĩa thịt gà và ăn hết mấy quả cà xứ Nghệ. Bác chưa chịu bỏ đi chiếc áo đã vá và quá cũ. Bác nói vui: Áo rách khéo vá hơn lành vụng may, người vá áo đó đã ứa nước mắt... Các đồng chí công tác ở nước ngoài lo cho sức khỏe của Bác đã tìm mua một máy điều hòa nhiệt độ, các đồng chí phục vụ lựa lúc Bác đi vắng lắp đặt máy. Bác về, Người kiên quyết yêu cầu gỡ chiếc máy ấy tặng một trại thương binh. Và chúng ta đều biết Bác không dùng quạt điện. Người quạt bằng một tàu lá cọ hái trong vườn dùng kéo cắt thành một hình tròn, khi quạt rách xòe xước lấy kéo cắt cho gọn lại.
Bác thường soạn chỉ thị, viết báo ở mặt sau của bản tin và Người cắt miếng giấy trắng nhỏ dán lên những chiếc phong bì gửi đến để dùng lại một lần nữa. Bác không cho nhập vào sổ tiết kiệm của Bác (đứng tên một cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch) số tiền được tặng khi đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô. Sổ tiết kiệm ấy chỉ gồm những khoản đích thực là thu nhập của Bác (nhuận bút). Khi có một người thân trong dòng họ Nguyễn Sinh qua đời, Bác cho rút 200 đồng (lương Chủ tịch nước lúc đó khoảng 250 đồng) gửi về quê lo việc tang.
Kể mãi cũng không hết chuyện tiết kiệm của Bác Hồ. Và có thể nhiều người trong chúng ta nghĩ, thực hành tiết kiệm làm theo 100% điều Bác đã làm, e rằng có lẽ không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Chúng ta lớp cha trước lớp con sau, theo Bác chiến đấu hy sinh để giành độc lập tự do, để đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, để tiến tới mọi người, mọi nhà đều có thể được ăn ngon, mặc đẹp. Ăn ngon, mặc đẹp và có đủ những tiện nghi của đời sống là để con người sống khỏe mạnh, thoải mái, có điều kiện làm việc, cống hiến tốt hơn; là tiêu chí của một xã hội phát triển văn minh và cũng là mục tiêu phấn đấu của chúng ta.
Ăn ngon (và phù hợp với khoa học về dinh dưỡng), mặc đẹp, có đầy đủ các tiện nghi của cuộc sống không phải là lãng phí. Nhưng trong cuộc sống hiện đại chạy theo lối sống ăn ngon, mặc đẹp, đầy đủ tiện nghi có thể ẩn chứa những yếu tố của sự lãng phí (và cả những dấu hiệu của sự tha hóa).
Vấn đề là ở chỗ Bác làm như vậy, làm được như vậy, không hề do một tín điều khổ hạnh, khắc kỷ mà rất tự nhiên giản dị - như một lẽ thường tình. Bác luôn nghĩ rằng, nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, sống thế nào, làm thế nào để dân bớt khổ - dù chỉ là một chút - là tâm nguyện thường trực, sâu xa của Bác “Một ngày mà đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. “Ở miền Nam Việt Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi khổ đau riêng và gộp tất cả nỗi khổ đau của mọi người, của mọi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Học tập và làm theo Bác Hồ là học tình cảm sâu nặng với dân của Người, là học ý chí đấu tranh kiên cường cho tự do, hạnh phúc của nhân dân nơi Người, là làm sao trong trái tim mình luôn cháy sáng ngọn lửa tình yêu Tổ quốc và nhân dân.
Có được tình cảm, ý chí ấy, có được ngọn lửa ấy chúng ta sẽ quyết định được cách sống, cách ứng xử trong mọi cảnh ngộ, phù hợp với mọi cảnh ngộ.
Sau khi qua đời, con người có sự hiển linh? Chúng ta tin rằng, điều kỳ diệu ấy có ở Bác. Nếu như vậy, Bác đâu có muốn chúng ta nhất cử nhất động rập khuôn theo những hành vi, những lời nói, sự ứng xử của Người.
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn (Tố Hữu).
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là làm cho chất ngọc Hồ Chí Minh thấm sâu vào máu thịt mình để rồi tự nó sẽ tỏa sáng và lúc ấy thực hiện đạo đức Hồ Chí Minh với chúng ta sẽ hết sức tự nhiên giản dị, sẽ như một lẽ thường tình.
Và như vậy, chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất.
Nguyễn Đình An