Đã bước đầu thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí, làm cơ sở để xác định thực trạng và cải tiến chất lượng bệnh viện, cải cách mạnh mẽ trong việc kiểm tra, đánh giá bệnh viện, làm cơ sở để gắn giá dịch vụ với chất lượng dịch vụ sau này.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT của Bộ Tài chính - Bộ Y tế, đến nay đã có 63/63 tỉnh thực hiện, trong đó 19 tỉnh có điều chỉnh giá theo lộ trình, trong phạm vi khung giá do liên bộ quy định. Đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng để thực hiện lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngành Y tế đã tập trung các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành một số dự án, hạng mục phục vụ công tác giảm tải, kê thêm giường bệnh. Tại nhiều BV, tình trạng quá tải, nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết như tại BV K, BV Nội tiết Trung ương (giảm từ 60-70% số giường phải nằm ghép nay còn 6-7%)…
Hiện tại, Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 được đẩy mạnh thực hiện 14 BV hạt nhân và 45 BV vệ tinh, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và đổi mới việc thực hiện Đề án 1816 chuyển từ hỗ trợ nhân lực sang đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật, thực hiện nghĩa vụ luân phiên theo Quyết định 14 của Thủ tướng... nên nhiều BV tuyến tỉnh đã thực hiện các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, ghép thận, ung thư…
Các BV đã tích cực, triển khai ngay, quyết liệt Quyết định 1313 của Bộ Y tế về quy trình khám bệnh, đầu tư thêm và sử dụng 15% số tiền khám bệnh thu được để cải tạo khu vực khám bệnh, lắp đặt hệ thống phát số tự động, trang bị thêm ghế chờ, bàn khám, các máy móc xét nghiệm, tăng cường nhân lực, kéo dài thời gian làm việc (nhiều BV đón bệnh nhân đến khám từ 5-6 giờ sáng, đặt mục tiêu khám hết bệnh nhân trong ngày mới nghỉ).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phát biểu tại hội nghị sơ kết. |
Bộ trưởng yêu cầu trong thời gian tới, các bệnh viện phải tiến hành thường xuyên, liên tục việc cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung của Quyết định 1313 về quy trình khám bệnh; phấn đấu chậm nhất là đến tháng 6/2015 tất cả các bệnh viện đều phải có hệ thống phát số tự động, bố trí đầy đủ ghế ngồi chờ cho người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện bố trí ngân sách, sử dụng 15% số tiền khám bệnh để đầu tư nâng cấp khu vực khám bệnh, tăng thêm bàn khám, buồng khám, máy móc, trang thiết bị để giảm thời gian khám, thời gian lấy kết quả xét nghiệm, chiếu, chụp của người bệnh, cải tạo, mở rộng, tăng thêm số giường bệnh để giảm nằm ghép.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Phó Thủ tướng cho rằng ngành Y tế có rất nhiều tấm gương y, bác sĩ đang âm thầm hết lòng chăm sóc người bệnh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2014 là nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các tuyến, trong đó đặc biệt lưu ý bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị; hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, thuốc biệt dược, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh. Phó Thủ tướng cho rằng yếu tố công khai, minh bạch, công bằng có vai trò quan trọng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh việc đầu tư xây dựng thêm các bệnh viện mới, ngành Y tế cũng cần sử dụng hiệu quả hơn nữa số giường bệnh, trang thiết bị hiện có, tránh tình trạng có những bệnh viện được đầu tư hiện đại nhưng ít người đến trong khi có bệnh viện lại quá tải nặng nề. Do đó, Bộ Y tế cần xem lại cơ chế, chính sách, chấn chỉnh tình trạng quá tải “ảo”, sử dụng hiệu quả giường bệnh ở cấp xã, huyện từ đó giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Liên quan đến một số sai phạm được báo chí nêu gần đây như việc “rút ruột” quỹ bảo hiểm y tế; tình trạng mua sắm, sử dụng các máy móc xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc, không đúng với chức năng tại một số bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khác cũng phải có trách nhiệm, nghiêm túc rà soát lại tất cả các khâu xem có những hiện tượng tương tự như trên không và báo cáo Bộ Y tế.
Thông tư mới của ngành Y tế quy định về đấu thầu mua thuốc tại Bệnh viện đã kéo giá thuốc trúng thầu giảm tới 35% và với một số loại thuốc cơ bản, thuốc Việt Nam còn rẻ hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, tuy nhiên, mới kéo giảm giá thuốc được một mức. Bên cạnh việc kéo giảm giá thuốc, phải chú ý các khía cạnh như phát triển sản xuất thuốc trong nước và quan trọng nhất là có thuốc điều trị phù hợp với người bệnh.
"Có những loại thuốc có giá 1 đồng 1 lọ, nhưng tiêm 10 lọ, bệnh nhân chưa khỏi, trong khi loại thuốc có giá cao hơn, số lần tiêm ít hơn, người bệnh khỏi nhanh hơn thì phải cân nhắc lựa chọn. Việc lựa chọn thuốc điều trị phải tính đến quyền lợi của người bệnh", Phó Thủ tướng nói.
Về việc xây dựng văn bản, chính sách, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ Y tế cần rà soát lại, khắc phục những điểm chưa sát với thực tế, người dân chưa hài lòng, từ đó, hạn chế các bất cập nảy sinh. Bộ Y tế và các địa phương phải kiểm tra, xem xét nghiêm túc các vụ việc như lạm dụng bảo hiểm y tế, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược trong khám chữa bệnh… qua đó, ban hành những quy định cần thiết để ngăn chặn, hạn chế.
Ngành Y tế phải đứng từ góc nhìn của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm cải thiện, nâng cao công tác khám chữa bệnh để mang lại hiệu quả thực sự, Phó Thủ tướng yêu cầu.