Bộ Y tế vô can trong vụ "thiết bị y tế quá đát"?

(PLO) - Trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến công tác chẩn đoán, điều trị và tính mạng bệnh nhân. Nhưng liên quan tới 2 lô hàng thiết bị y tế mà Tổng cục Hải quan vừa bắt giữ cho thấy, còn rất nhiều kẽ hở để các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng để trục lợi nếu như những cơ quan quản lý nhà nước vì lý do nào đó buông lỏng quản lý. 
Bộ Y tế vô can trong vụ "thiết bị y tế quá đát"?
Bộ Y tế không có trách nhiệm?
Theo Nghị định 59 ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì trang thiết bị y tế là loại hàng hóa thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện nhưng không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Vì thế, bất cứ doanh nghiệp nào nếu muốn nhập loại hàng hóa này về Việt Nam thì bắt buộc phải qua “cửa” Bộ Y tế. 
Thẩm quyền này quy định rất rõ trong Thông tư số 24 ban hành ngày 21/6/2011 của chính Bộ này khi quy định các doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu, ngoài các tài liệu như hồ sơ về kỹ thuật, các chứng chỉ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, lưu hành thiết bị… thì doanh nghiệp đó phải nộp giấy chứng nhận kinh doanh (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) và phải có cam kết đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất. 
Thế nhưng trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cũng phải thừa nhận rằng, khi doanh nghiệp mở tờ khai hải quan, nếu có khác so với những nội dung mà họ từng thẩm định hoặc có gian dối trong việc buôn bán thì chính cơ quan giúp việc của Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép nhập khẩu cũng “bó tay” vì cơ sở để cấp phép cũng chỉ dựa duy nhất là trên những “giấy tờ mà doanh nghiệp gửi tới”. Điều đó có nghĩa là cơ quan thẩm định tính chính xác của những máy móc y tế đưa vào các cơ sở y tế của Việt Nam có đảm bảo chất lượng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của các đối tượng. 
Khi 2 vụ buôn lậu thiết bị quá đát bị phát hiện và bắt giữ, lúc chính những người bệnh phẫn nộ muốn hay biết trách nhiệm này thuộc về ai thì ông Vụ trưởng của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã thốt lên một điều rằng: “Khi tham dự sân chơi thương mại quốc tế có nhiều vấn đề mình vẫn đang phải học hỏi để thay đổi. Việc hãng này chuyển cho hãng kia, máy này  sản xuất năm nay rồi quay trở lại sản xuất, chúng tôi cần phải có thời gian tranh cãi. Còn khi cấp máy mới 100% mà khi về phát hiện máy cũ, có thế này, có thế kia thì vấn đề này là các cơ quan phải phối hợp với nhau, chứ không riêng gì trách nhiệm của Bộ Y tế”.
“Vô cảm”
Phải chăng thái độ hay né tránh trách nhiệm đã thể hiện ít nhất trong một số văn bản mà Bộ Y tế gửi tới nhiều cơ quan như Tổng cục Hải quan, UBND các tỉnh, thành và thậm chí trong chính văn bản Bộ này gửi tới Thủ tướng Chính phủ khi “cấp trên” có yêu cầu báo cáo về việc hàng loạt vụ buôn lậu thiết bị y tế cũ nát bị phát lộ?.
“Việc hai công ty (bị Cục Điều tra chống buôn lậu bắt giữ- PV) mở tờ khai hải quan xin nhập khẩu thiết bị y tế mới 100% nhưng thực tế lại nhập thiết bị đã qua sử dụng là hành vi gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi và có tính chất nghiêm trọng do sẽ ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân”- nội dung văn bản Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình vụ việc. 
Cần phải lưu ý, đối với những lô hàng được Bộ Y tế cấp phép nhập thì việc thông quan rất dễ dàng vì không phải qua kiểm tra. Nguy hại hơn, nếu số máy quá đát chui được vào các cơ sở y tế công thì thiệt hại đó là Nhà nước và người bệnh phải gánh chịu. Vì thế, giải thích của Bộ Y tế cho rằng nếu quy trách nhiệm là trách nhiệm chung khi nhiều vụ buôn lậu bị cơ quan chức năng phát giác là cách giải thích đối với rất nhiều người bệnh là rất khó chấp nhận. 
Điều thậm chí còn đáng buồn hơn khi Tổng cục Hải quan phát giác sự việc, các cơ quan ngôn luận phản ánh sự việc, thì Bộ Y tế lại có “nỗi lo” không đáng có là sợ bị dư luận hiểu nhầm.
“Bên cạnh việc rà soát hồ sơ quản lý thiết bị y tế, Bộ Y tế đã khẩn trương làm việc với Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cũng như các cơ quan thông tin đại chúng để giải trình làm rõ, đồng thời cung cấp các thông tin để tránh sự hiểu lầm không đúng về nội dung cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác nhau có thẩm quyền liên quan đến công tác quản lý xuất nhập khẩu thiết bị y tế, không để cơ quan ngôn luận và độc giả hiểu lầm về việc có đường dây cấp phép cho hàng đã qua sử dụng cũng như chỉ có trách nhiệm của Bộ Y tế”, nội dung trong một văn bản mà Bộ Y tế phát ra sau vụ bắt giữ 2 lô hàng thiết bị y tế quá "đát" bị bắt giữ. 
Cần phải nhấn mạnh mặt hàng trang thiết bị là loại hàng hóa đặc biệt có liên quan đến công tác chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, liên quan sát sườn tới sức khỏe của công dân. Để các thiết bị này trà trộn vào các cơ sở y tế rồi khám sức khỏe cho người bệnh là một điều rất nguy hiểm với những hậu quả hết sức khôn lường. Và cơ quan thẩm định, cấp phép cho các thương vụ này rõ ràng là không thể vô can?.

Đọc thêm