Yêu cầu của Nhà nước pháp quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền (NNPQ) hiện đại là một giá trị, một thành tựu của nhân loại về phương thức tổ chức và hoạt động của Nhà nước.
Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Điều này không lạ. Với những ai quan tâm, cụm từ này nghe đã thành quen, từ trong văn kiện, diễn đàn, báo chí.

Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của NNPQ về quyền của nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập nước; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Sinh thời Bác Hồ nói về bản chất, mục tiêu của Nhà nước chúng ta: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa xác định:

“Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”.

Quan điểm NNPQ của Đảng, Nhà nước ta được thể hiện trong Cương lĩnh 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011). Các văn kiện của Đảng và Hiến pháp đều khẳng định, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.

Các đặc trưng của NNPQ XHCN Việt Nam xác định nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp và pháp luật có vị trí, hiệu lực cao nhất không chỉ đối với xã hội, mà ngay cả trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, là cơ sở của quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NNPQ XHCN còn rất nhiều bất cập. Thể hiện rõ nhất là hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

Trong bộ máy, công tác phân công, phân cấp, phân quyền còn không ít bất hợp lý, vướng mắc. Việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Bộ máy chính quyền một số nơi còn quan liêu. Cải cách bộ máy nhà nước, nhất là cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn chậm, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước chưa cao, nhất là việc thực thi pháp luật.

Ở đây có sự biện chứng. Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã và đang tạo ra áp lực về việc xây dựng NNPQ; ngược lại có xây dựng được NNPQ mới bảo đảm vững chắc cho xây dựng thành công CNXH. Những vụ án lớn thời gian qua cho thấy đang có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Rất khó xây dựng NNPQ, nếu cán bộ không gương mẫu, không “thượng tôn pháp luật”.

Đọc thêm