Yêu cầu hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng dịch COVID-19

(PLVN) - Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm rà soát số sinh viên đang gặp khó khăn khi thuê trọ ngoài khu nội trú để tư vấn, hỗ trợ, đặc biệt đối với các trường hợp thuộc diện F0, F1, F2.
Hình minh hoạ.

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 và chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.

Không để học sinh, sinh viên bị bỏ lại phía sau

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường kiểm tra, rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ, tuyệt đối không để có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời, ký kết quy chế/Chương trình phối hợp giữa cơ sở giáo dục với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có phương tiện tối thiểu đáp ứng việc học tập trực tuyến trong thời gian chưa thể tới trường vì dịch bệnh.

Các đơn vị ở vùng có điều kiện thuận lợi, chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 chủ động quan tâm chia sẻ nguồn lực, trang thiết bị tham gia công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, các đơn vị cần tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh khi học sinh đến trường, thực hiện nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế; đồng thời có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp đối với các nhà trường, các học sinh đang gặp khó khăn.

Đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, Bộ GD&ĐT yêu cầu chủ động rà soát, thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu gồm: Sinh viên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch; sinh viên (gồm cả sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế) đang ở nội trú tại ký túc xá nhà trường hoặc đang thuê trọ ở bên ngoài... để lên phương án thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời, cụ thể (cấp nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính, miễn giảm học phí...) phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi nhà trường.

Các trường thường xuyên giữ mối liên hệ với các em sinh viên hiện đang gặp khó khăn khi thuê trọ ngoài khu nội trú để tư vấn, hỗ trợ các biện pháp phòng chống COVID-19. Các trường cần cập nhật và giải quyết kịp thời những khó khăn phát sinh trong điều kiện sinh viên xa gia đình; đặc biệt đối với các trường hợp thuộc các diện F0, F1, F2.

Cần chủ động tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Công đoàn của nhà trường), các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ sinh viên khó khăn về bảo đảm cho sinh viên được học tập an toàn, hiệu quả.

Quan tâm động viên, hỗ trợ và áp dụng chế độ phù hợp đối với các sinh viên tình nguyện, cán bộ giáo viên tham gia công tác phòng, chống dịch.

Hỗ trợ, tư vấn tâm lý kịp thời cho học sinh

Phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là các em đang ở các địa phương khác do dịch bệnh COVID-19 chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập khi các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần hỗ trợ, giúp đỡ.

Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên, học sinh ghi các video clip chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong việc dạy và học ở điều kiện phòng chống dịch; các kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt nạt qua mạng… Lựa chọn và đăng tải nội dung tốt lên các website, các fanpage, các ứng dụng trực tuyến, hệ thống tin nhắn của nhà trường để tuyên truyền và lan toả.

Tăng cường kết nối, trao đổi giữa các giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học, cán bộ Đoàn, Giáo viên - Tổng phụ trách Đội… trong quá trình học sinh học trực tuyến để chia sẻ, hỗ trợ liên thông giữa nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh.