Yêu cầu sĩ quan quản lý phải có bằng cao đẳng, đại học: Tự làm khó mình

Không ít chủ tàu Việt Nam phải thuê thuyền viên nước ngoài với giá cao trong khi nguồn lao động trong nước dôi dư. Một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Inđônêxia, Myanma, Philippin xuất khẩu thuyền viên với số lượng lớn, mỗi năm từ 40.000-350.000 thuyền viên. Việt Nam vẫn trong tình trạng “lo thân không đủ”.

Không ít chủ tàu Việt Nam phải thuê thuyền viên nước ngoài với giá cao trong khi nguồn lao động trong nước dôi dư. Một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Inđônêxia, Myanma, Philippin xuất khẩu thuyền viên với số lượng lớn, mỗi năm từ 40.000-350.000 thuyền viên. Việt Nam vẫn trong tình trạng “lo thân không đủ”. Nguyên nhân do đâu?

Theo dự báo của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2010, Việt Nam thiếu hụt khoảng 600-1000 sĩ quan, chủ yếu là sĩ quan quản lý. Các chức danh khác trên tàu sẽ thiếu gấp nhiều lần như thế. Vì vậy, trên lĩnh vực xuất khẩu thuyền viên đang tồn tại thực trạng cung không đủ cầu. Từ thực tế "khủng hoảng thiếu" trong hầu hết doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cho thấy bản chất của vấn đề chính là ở những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành hàng hải quốc gia.
Tại một cuộc hội thảo về phát triển nhân lực ngành hàng hải tổ chức tại Trường Đại học Hàng hải năm 2009, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (VOSCO) Đặng Thanh Quang cho rằng, thời gian đào tạo 5 năm đối với ngành điều khiển tàu biển, 4-5 năm với ngành khai thác máy tàu biển là quá dài. Ở các nước như Xin-ga-po, Malaixia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mianma, Philippin, chỉ đào tạo 3-4 năm, trong đó có một năm làm việc với chức danh "thực tập sĩ quan" trên tàu huấn luyện hoặc tàu của các hãng vận tải biển. Khi ra trường, họ đảm nhận chức danh sĩ quan vận hành được ngay. Còn ở Việt Nam, sinh viên hàng hải không được đi thực tập hoặc đi với thời gian quá ngắn (trên dưới một tuần) nên sau khi ra trường phải mất 3-4 năm, các kỹ sư boong, máy mới đảm nhận thực sự được chức danh sĩ quan vận hành. Mặt khác việc giảng dạy tiếng Anh trong các trường đại học còn nhiều bất cập. Số giờ học quá ít so với yêu cầu thực tế (khoảng 300 tiết, giảm một nửa so với trước đây), lớp học đông, trang thiết bị không đầy đủ nên không bảo đảm chất lượng.

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Bách Nghệ hướng dẫn sinh viên Khoa tàu biển học trên mô hình.                                                             Ảnh: Hải Ngọc

Theo Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty INLACO Sài Gòn, Trưởng ban thuyền viên Hiệp hội chủ tàu Việt Nam Nguyễn Ngọc Minh, sĩ quan hàng hải (bao gồm cả boong lẫn máy) là một nghề mang tính đặc thù, đó là “nghề đi biển”. Đã coi sĩ quan hàng hải là một “nghề” thì chỉ cần đào tạo nghề, không nhất thiết phải tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. “Nghề” của sĩ quan hàng hải là sử dụng, điều khiển các trang, thiết bị có sẵn theo quy định  của các quốc gia nói riêng và công ước quốc tế. Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) là cơ quan quyền lực cao nhất về lĩnh vực hàng hải đã nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn đào tạo, cấp bằng chung để thế giới thực hiện. Tiêu chuẩn đào tạo này rất cụ thể, rõ ràng, chỉ cần áp dụng là có thể đào tạo được đội ngũ sĩ quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện  trên toàn thế giới chỉ có Việt Nam là bắt buộc sĩ quan quản lý (cấp không hạn chế) phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Trong khi nhiều lao động vùng sâu, vùng xa, không có việc làm, gia đình không đủ điều kiện cho con em học đại học, nhiều chiến sĩ hải quân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã được đào tạo, rèn luyện, có ý thức tổ chức kỷ luật, quen sống và làm việc trên biển cả, có nguyện vọng làm việc trên các con tàu viễn dương nhưng rất khó kiếm được việc làm vì không có bằng đại học. Thế giới không yêu cầu, IMO không bắt buộc, chủ tàu không đòi hỏi, nhưng ta lại tự khoá tay mình lại, đưa ra những tiêu chuẩn làm hạn chế hàng nghìn lao động nghèo, muốn có việc làm ổn định. Nếu khắc phục được những bất cập  trên trong khâu đào tạo, không những có đủ sĩ quan, thuyền viên cho đội tàu quốc gia mà còn cung cấp nguồn cho xuất khẩu để cùng các ngành kinh tế mũi nhọn khác đem về cho quốc gia lượng ngoại tệ đáng kể.

                                                                                                                                              

    Thanh Giang

 

Đọc thêm