Sau phiên tòa, gia đình bị cáo cho rằng bản án sơ thẩm chưa khách quan, có dấu hiệu vi phạm tố tụng và có sai lầm nghiêm trọng trong việc viện dẫn, áp dụng điều luật.
Vi phạm tố tụng, viện dẫn sai điều luật?
Ngày 24/7/2017, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lường Thị San về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo Cáo trạng số 53/KSDT của VKSND TP Hòa Bình, vào khoảng 9h10’ ngày 29/8/2016, bà San dùng xẻng để gia cố hàng rào sắt giữa nhà mình và nhà bà Tươm. Trong khi làm việc, bà San có vứt một số gạch vỡ sang phía vỉa hè nhà bà Tươm. Bà Tươm cho rằng bà San lấn sang đất nhà mình nên hai bên có lời qua tiếng lại. Sau khi được hàng xóm can ngan, bà San ra về. Sau đó, bà Tươm bê 2 tảng gạch vỡ ra lề đường. Bà San liền chạy về nhà lấy con dao (dài 46cm, loại dao rèn, bản dao chỗ rộng nhất 6,5cm, cán gỗ) để đánh bà Tươm 4 phát (dùng bản dao và sống dao)”.
Bào chữa cho bà San, Luật sư (LS) Bùi Thế Vinh và LS Nguyễn Hữu Phương (Văn phòng LS Thái Minh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đã có dấu hiệu cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm khoản 2 Điều 103 BLTTHS: Vụ việc xảy ra ngày 29/8/2016, cơ quan công an đã lập Biên bản và lấy lời khai các bên liên quan. Đến ngày 23/11/2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình mới ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự (số 136). Như vậy, thời hạn xác minh đã kéo dài 2 tháng 24 ngày, đồng nghĩa với việc Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 136 đã vi phạm quy định về thời hạn trong tố tụng hình sự?
Lý giải về việc các CQĐT kéo dài thời hạn xác minh, Bản án hình sự sơ thẩm số 67/2017 của TAND TP Hòa Bình đã đưa ra lập luận và viện dẫn điều luật như sau: “ Việc khởi tố vẫn trong thời hiệu khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự (BLHS)”.Theo LS Bùi Thế Vinh: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn khởi tố vụ án hình sự là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Điều 23 BLHS quy định về “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”, chứ không phải quy định về “thời hiệu” khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp này, HĐXX sơ thẩm đã viện dẫn và áp dụng sai điều luật”.
Việc phân tích, đánh giá chứng cứ đã khách quan?
Kết luận Giám định pháp y khẳng định thương tích trên người bà Tươm là do vật tày tác động nhưng CQĐT lại xác định hung khí của vụ án là con dao bằng kim loại. HĐXX sơ thẩm lập luận “Bị cáo dùng bản dao và sống dao đánh 4 phát vào người bị hại”.
LS cho rằng, nhận định trên của HĐXX là không khách quan và cố ý suy diễn, áp đặt theo hướng buộc tội bị cáo. Bởi lẽ, trong lúc bị cáo và bà Tươm xô xát, nếu bị cáo dùng con dao là hung khí để tấn công bà Tươm thì bị cáo không thể và cũng không có thời gian để lựa chọn chỉ dùng bản dao và sống dao đánh (4 cái) vào người bà Tươm. Giả sử, trong lúc hai bên xô xát và bị cáo là người có “thiện tâm” khi chỉ lựa sống dao và bản dao để đánh bà Tươm thì sống dao và bản dao đều có góc cạnh. Thương tích mà sống dao và bản dao gây ra cũng không thể là “do vật tày” như Kết luận giám định pháp y đã xác định. Từ những tình tiết trên, LS Vinh cho rằng: “Con dao mà cảnh sát 113 đã thu giữ tại đống sắt trước sân nhà bị cáo không thể là hung khí của vụ án”.
Đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị cáo San thừa nhận là thu được tổng cộng 40 ngàn đồng của những người ngồi bán hàng trước cửa nhà của bị cáo. Ngay tại phiên tòa, người bị hại đã có đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Một số bị hại từ chối nhận lại số tiền đã bị chiếm đoạt vì cho rằng giá trị không lớn. Phía gia đình bị cáo cũng đã bồi thường, khắc phục hậu quả. HĐXX xét xử sơ thẩm cũng đã ghi nhận bị cáo được hưởng 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b và điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS và một số tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS.
Trao đổi với phóng viên LS Vinh cho rằng: “Căn cứ vào hồ sơ vụ án, hành vi “cố ý gây thương tích” không đủ điều kiện để xử lý hình sự. Hành vi “cưỡng đoạt tài sản” tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng cần phải xét trong bối cảnh cụ thể, với những lý do cụ thể, có tính đến giá trị chiếm đoạt, hậu quả thiệt hại đã xảy ra và các tình tiết giảm nhẹ để có mức hình phạt công bằng cho bị cáo. Trong trường hợp này, HĐXX sơ thẩm hoàn toàn có thể áp dụng Điều 47 BLHS để tuyên bị cáo mức án dưới khung hình phạt và cũng áp dụng Điều 60 BLHS để cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy vậy, HĐXX sơ thẩm đã không áp dụng những điều khoản có lợi trên cho bị cáo”.
Tới đây, vụ án sẽ được xét xử theo trình tự phúc thẩm tại TAND tỉnh Hòa Bình. Phía LS bào chữa và gia đình bị cáo đều trông chờ HĐXX phúc thẩm sẽ công tâm để tuyên một bản án thực sự khách quan, công bằng, tránh những oan sai và những thiệt thòi không đáng có cho bị cáo.