34 thuyền viên bị tàu lạ đâm chìm tàu đã cập bờ an toàn

(PLO) - Chiều ngày 5/5, tại cầu cảng Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II) Đà Nẵng, 34 thuyền viên trên tàu QNa 95959 TS đã được cứu nạn và đưa vào bờ an toàn sau 2 ngày bị tàu lạ đâm chìm ngoài biển. Tại lễ bàn giao, chủ tàu QNa 95959 kiêm thuyền trưởng Phạm Phú Thành (50 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ bức xúc với hành động vô nhân đạo của tàu lạ và đề nghị các Cơ quan hữu quan cần vào cuộc tìm hiểu, có biện pháp xử lý để ngư dân yên tâm bám biển. 
Các ngư dân đã cập cảng Trung tâm II Đà Nẵng
Các ngư dân đã cập cảng Trung tâm II Đà Nẵng

Nước mắt người thân

Theo thông tin, dự kiến đến 17h ngày 5/5, 34 ngư dân của tàu cá QNa 95959 mới cập cảng Trung tâm II. Tuy nhiên, hàng trăm người thân của các ngư dân ở Quảng Nam đã kéo ra chật kín khu cầu cảng.

Có mặt tại cầu cảng từ sáng, bà Bùi Thị Luận (51 tuổi, vợ của thuyền trưởng Phạm Phú Thành) liên tục ngất xỉu. Đến chiều ngày 5/5, biết tàu sắp cập cảng, bà Luận được người thân cho uống vài viên canxi để có sức khỏe. Trên chiếc tàu bị chìm này, bà Luận có 7 người thân gồm chồng, con trai, con rể và các cháu ruột tham gia đánh bắt. 24 người còn lại cũng thuộc bà con họ hàng với gia đình bà.

Các thuyền viên vô cùng bức xúc kể lại giây phút bị đâm chìm tàu
Các thuyền viên vô cùng bức xúc kể lại giây phút bị đâm chìm tàu 

Bà Luận cho biết, gia đình mình nhiều năm tham gia đánh bắt nhưng chỉ làm thuê. Đến năm 2011, vợ chồng mới dành dụm được ít tiền, sau đó vay mượn gần 4 tỉ đồng để mua lại chiếc tàu. Gần 5 năm đánh bắt, số tiền vay vẫn còn hơn 1 nửa chưa trả hết. Hôm qua (ngày 4/5), nghe thông tin từ xã báo lại, bà chết lặng. Chưa nói đến tài sản đã nằm lại hoàn toàn dưới biển khơi, tính mạng, sức khỏe của chồng, con, cháu khiến bà mất ăn mất ngủ.

Bắt chuyến xe sớm cùng bà Luận ra Đà Nẵng, cụ bà Nguyễn Thị Tấm (70 tuổi, ngụ Bình Tịnh, Thăng Bình) khóc đến kiệt sức.  Con trai cụ Tấm, anh Nguyễn Văn Thành (30 tuổi) tham gia trong chuyến đi biển lần này. Vợ đang mang bầu, lại chăm 2 con nhỏ nên không thể ra đón Thành, bà đành mặc kệ sức khỏe không cho phép, cốt ra tận nơi để nhìn đứa con được “lành lặn” trở về sau hơn 2 tháng đi biển.

Cụ Tấm tâm sự, gia đình cụ thuộc hộ nghèo, chồng đau ốm thường xuyên, các con phải đi làm thợ đụng để trang trãi cuộc sống. 3 năm nay, 2 người con trai bà theo các tàu câu mực khơi xa, riêng anh Thành đi cùng với tàu của ông Phạm Phú Thành. Mỗi chuyến đi thường 80 ngày, sau khi trừ chi phí, anh Thành được chủ tàu trả 10 triệu đồng. Số tiền trở thành nguồn sống của cả gia đình với 5 miệng ăn.

Tương tự hoàn cảnh bà Tấm, chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi) có chồng là anh Nguyễn Trần Anh (36 tuổi) tham gia đánh bắt trên tàu của ông Thành. Chị Hoa chua chát: “Có chồng đi biển hồn treo cột buồm” đúng mà. Hơn 2 tháng mong ngóng thấp thỏm, giờ lại nhận tin tàu bị đâm chìm. Không biết sức khỏe chồng ra sao, dù có con mọn, nhưng chị vẫn đùm đề đưa ra Trung tâm II ngồi vạ vật, mong sớm nhìn thấy mặt chồng mới yên tâm.

Giây phút hãi hùng bị tàu lạ đâm chìm

Gần 17h, tàu SAR 421 của Trung tâm II báo hiệu cập cảng. Trên bờ, mọi người chen chân nhốn nháo “cho tôi nhìn mặt con tôi xí”, chồng tôi có bị răng không”…Phía dưới tàu, 34 ngư dân lần lượt được các nhân viên tàu SAR dìu bước ra. Dù có biểu hiện mệt mỏi nhưng đa phần đã tỉnh táo để trả lời các câu thăm hỏi của người thân và lực lượng chức năng…

Theo ông Phạm Phú Thành, ngày 3/2, ông và 33 thuyền viên lên tàu ra ngư trường Hoàng Sa để hành nghề câu mực. Chuyến đi dự kiến kéo dài khoảng gần 3 tháng. Vào khoảng 23h  ngày 3/5, tàu neo đậu tại  vị trí cách Đà Nẵng 370 hải lý về hướng Đông Bắc, trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam để ngư dân thả thúng câu mực xung quanh đó. Trên tàu lúc này chỉ còn 3 người gồm: ông, em Phạm Phú Nhuận (16 tuổi, con trai ông Thành) và Phạm Trung 20 tuổi (cháu ông Thành). Đang ngồi quan sát ở cabin, bất ngờ ông nhìn thấy một tàu lạ nước ngoài, không rõ ký hiệu cụ thể, lao tới. Chưa kịp định hình, tàu này liên tục đâm mạnh vào phần hông tàu của ông làm thủng nhiều lỗ lớn. Bản thân ông cũng bị va đập mạnh nhưng chỉ bất tỉnh vài phút.

 Tỉnh lại, ông Thành thấy tàu lạ đã bỏ chạy, còn tàu của mình bắt đầu chìm dần. Ông Thành nhanh chóng phát tín hiệu cấp cứu, đồng thời đi xuống khoang bếp ăn, nơi Trung và Nhuận đang ở, để đưa cả 2 lên trên. Khi xác định con tàu chìm hẳn, cả 3 bám vào can nước và trả trôi trên biển.

 “Nhìn thấy con tàu chìm hẳn, không lấy được thứ tài sản nào, tôi chỉ biết nuốt ngược nước mắt vào trong. Chuyến đi đã câu được hơn 30 tấn mực và toàn bộ tài sản, con tàu trị giá gần 6 tỷ đồng chìm xuống biển”, ông Thành chu chát nói

Dù được cứu hộ cập bờ an toàn nhưng tài sản nhiều tỷ đồng của các ngư dân đã chìm sâu xuống biển
Dù được cứu hộ cập bờ an toàn nhưng tài sản nhiều tỷ đồng của các ngư dân đã chìm sâu xuống biển 

Vẫn chưa hết kinh hãi, em Phạm Phú Nhuận thuật lại, bản thân em và Trung mới đi biển lần đầu, phụ trách công việc hậu cần. Thời điểm trên, cả 2 đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng va đập mạnh. Cả Trung và Nhuận bị văng người lên cao, đập đầu vào thành tàu bất tỉnh, không còn hay biết gì. Đến khi tỉnh lại, Nhuận thấy ba mình vừa ôm em, vừa kéo Trung đu trên nóc thuyền. Được một lúc, tàu chìm hẳn, ông Thành mới  yêu cầu cả 3 bu vào can nước. Do những ngư dân còn lại tham gia đánh bắt ở xa nên phải nhiều tiếng sau mới về đến thuyền, ứng cứu. Trong đêm tối, mấy chục ngư dân chỉ biết bám quanh chiếc thuyền thúng chờ đợi phép nhiệm màu.

Theo em Nhuận, đến sáng ngày 4/5 tàu Qna 94998 TS của ông Phạm Văn Trung (ngụ Thăng Bình, Quảng Nam) đang hoạt động gần khu vực tàu cá của gia đình mình mới tiếp cận và cứu được 28 người. Hơn 2 tiếng nỗ lực thêm, 6 ngư dân còn lại đã được tìm thấy trên thuyền thúng. Do bị dạt trên biển hơn 10 tiếng đồng hồ, tình trạng sức khỏe của mọi người đều suy yếu, tình thần mệt mỏi, hoảng loạn. 

Về phía lực lượng chức năng, khi nhận thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) đã khẩn trương triển khai các hoạt động tìm kiếm; yêu cầu tàu đang hoạt động gần khu vực tàu Qna 95959 bị chìm, tham gia tìm kiếm cứu nạn 34 thuyền viên; đồng thời, đề nghị Trung tâm cứu nạn hàng hải Trung Quốc (China MRCC) phối hợp tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên Việt Nam. Ngoài ra, Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 cùng 19 nhân viên cứu nạn đang thường trực tại cầu cảng Trung tâm II, đi cứu nạn.

Đến khuya ngày 4/5, tàu cứu nạn SAR 412 đã tiếp cận tàu Qna 94998 TS tại vị trí cách đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) khoảng 80 hải lý về hướng đông đông bắc. Lực lượng Trung tâm II nhanh chóng chuyển 34 thuyền viên sang tàu cứu nạn, tiến hành trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe, động viên tình thần thuyền viên bị nạn và đưa vào bờ. Khoảng 17h  ngày 5/5, tàu Sar 412 cùng 34 thuyền viên cập cảng Trung tâm II an toàn, tiếp tục được bàn giao cho phía chính quyền huyện Thăng Bình.

Tại buổi bàn giao, các ngư dân đều lên tiếng phản ánh hành vi vô nhân đạo của tàu lạ và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm chiếc tàu trên để có biện pháp răn đe, đồng thời ngư dân yên tâm bám biển. Phát hiểu cảm nghĩ, thuyền trưởng Phạm Phú Thành bày tỏ: “Dù có bị uy hiếp nhưng chúng tôi quyết tâm đóng mới tàu, không vì tàu nước ngoài đâm va, ngăn cản mà chúng tôi suy sụp tinh thần. Chúng tôi xin hứa sẽ mua sắm các trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển khai thác trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, vừa làm kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền biển đảo mà bao đời ông cha chúng tôi để lại”. 

Đọc thêm