Án mạng giáp Tết
Theo người thân, bà Nguyễn Thị Hường (SN 1950, vợ ông Vận) vốn mắc bệnh tâm thần, thường nói nhảm nhí nhưng chưa từng có hành động gây hại cho người xung quanh.
Do được chồng con đưa đi khám chữa thường xuyên nên bệnh bà có vẻ thuyên giảm. Những lúc “bình thường”, bà có thể giúp đỡ chồng con những việc lặt vặt trong nhà hoặc giao tiếp vui vẻ, thoải mái với người xung quanh.
Tuy nhiên, khoảng hai tháng nay, bà Hường có dấu hiệu bệnh “nặng”, chân thay thường run rẩy, lảm nhảm nhiều hơn. Sức khỏe cũng giảm sút do ăn uống thất thường.
Gia đình dự định ăn Tết xong, sẽ đưa bà Hường đi khám. Nào ngờ án mạng đã xảy ra.
Hôm đó là ngày 15/2/2015 (tức 27 tháng chạp), do ban ngày dọn dẹp nhà cửa mệt mỏi nên sau bữa cơm tối, vợ chồng, con cái ông Vận đều đi nghỉ sớm. Nhà có hai tầng, bình thường vợ chồng mỗi người nằm ngủ một tầng nhưng con về, ông Vận cùng vợ ngủ ở tầng dưới. Ông Vận dọn dẹp nhà mệt nên vừa đặt mình xuống giường đã ngủ.
Khoảng 22h30, người con nằm ở tầng trên bỗng nghe tiếng kêu “ối” rất to của cha rồi im bặt. Vợ chồng người con bật dậy chạy nhanh xuống tầng một. Đập vào mắt là cảnh tượng ông Vận nằm thoi thóp trên giường, khắp người nhiều vết thương.
Bà Hường đứng cạnh đó cầm hung khí là con dao, mặt trắng bệch, không ngừng run rẩy, miệng lắp bắp không nên lời. Người con hoảng quá, vội hô hoán mọi người đưa cha đi cấp cứu song ông Vận không qua khỏi do mất nhiều máu. Sự việc được báo công an.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng thôn Hồng Phong 3 cho biết: Nhà ông đối diện nhà ông Vận, chỉ cách vài bước chân nên sự việc xảy ra, ông là một trong những người có mặt đầu tiên. Tại hiện trường khi ấy, nạn nhân đã có dấu hiệu ngừng thở nhưng gia đình vẫn cố gắng đưa đi cấp cứu với hi vọng sẽ cứu được ông. “Bà Hường ngồi ở ghế tại phòng khách. Chân tay run bần bật. Vẻ mặt hoảng hốt, sợ hãi, mất bình tĩnh. Miệng liên tục lẩm bẩm những điều không ai hiểu. Sợ bà ấy lên cơn sẽ tấn công nên không ai dám lại gần. Sau đó, mấy người con phải nhờ chính quyền địa phương cử người trông chừng, khống chế bà ấy cho tới khi công an tới”.
Liên quan tới sự việc, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó trưởng Công an huyện Lạc Thủy cho biết: Vụ án mạng mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên công an huyện đã báo cáo chuyển lên công an tỉnh thụ lý. Bà Hường đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Tình trạng bệnh tình của bà ra sao, công an sẽ đưa đi giám định để có kết luận về tội trạng chính xác.
Người chồng chịu đựng
Theo gia đình, vợ chồng ông Vận đều là giáo viên nghỉ hưu. Ba người con trai lập gia đình đều ra ở riêng. Lương tháng hai người mỗi tháng “ngót nghét” 9 triệu đồng đủ sống dư giả, thoải mái, không cần dựa dẫm vào con cái. Nhưng không vì thế mà ông bà ngừng làm việc. Ông Vận tận dụng lợi thế nhà mặt đường lớn, nhiều người qua lại đã mở một quán sửa chữa, bán phụ tùng xe máy. Bà Hường ngoài công việc nội trợ đôi lúc phụ giúp chồng trông quán, bán hàng. Cuộc sống của ông bà cứ vậy trôi đi suôn sẻ, tốt đẹp, được hàng xóm đánh giá là có của ăn của để, con cái thành đạt. Tuy vậy, vợ chồng Vận lại sống khá khép kín, ít giao tiếp với bên ngoài.
Năm 2010, bà Hường đột ngột phát bệnh tâm thần. Thời gian đầu, bà lầm lì ít nói, cáu giận thất thường, sau thêm nói năng nhảm nhí, đầu óc ngày một không minh mẫn, hoạt bát như trước. Chồng con đưa bà đi điều trị tại bệnh viện tâm thần ở Hà Nội, được một thời gian thấy thuyên giảm lại đưa về nhà uống thuốc theo chỉ dẫn của bệnh viện.
Người con trai cả (43 tuổi) bần thần trước di ảnh cha. Chốc chốc anh lại thở dài. Vẻ xanh xao, hốc hác khiến gương mặt anh như già hơn. Anh mệt mỏi: “Những lúc không lên cơn, mẹ tôi cũng bình thường như bao người. Nhưng khi lên cơn, bà thường run rẩy cả người, nói liên tục. Tuy nhiên, bà rất hiền, không phá phách hay tấn công ai bao giờ.”, người con phân trần.
Khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện tâm thần, sức khỏe, bệnh tình bà Hường ổn định trở lại, gia đình cứ nghĩ bà đã khỏi nên khấp khởi mừng. Nhưng khoảng gần hai tháng nay, bà lại phát bệnh. Với người thân, bà ít nói hơn nhưng khi có ai tới chơi trò chuyện cùng, bà Hường thường phàn nàn, nói bâng quơ. Nào là bà không có lỗi với chồng con, bà không mắc bệnh… hoặc đôi lúc thấy bà cáu giận, gắt gỏng với ông Vận.
Mỗi lần thấy vợ như vậy, ông Vận chỉ cười trừ hoặc lắc đầu, vẻ mặt buồn rười rượi đầy ngán ngẩm. “Những lúc ấy nhìn bố tôi rất tội. Chúng tôi biết bố đã vất vả, chịu đựng một người bệnh như mẹ tôi. Chỉ trách chúng tôi không thể ở gần để chia sẻ gánh nặng đó với ông”, người con trải lòng.
Anh cũng bộc bạch: “Sự việc xảy ra không ai có thể lường trước được. Nhưng dẫn đến tình cảnh cha mất, mẹ bị bắt giữ một phần cũng do lỗi của chúng tôi đã không quan tâm, chú ý tới bố mẹ. Mẹ tôi bị tâm thần, có giấy chứng nhận, sổ khám bệnh của bệnh viện, giờ chỉ hi vọng cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ để bà được đi chữa bệnh. Tôi cũng hi vọng những gia đình có người mắc bệnh tâm thần sẽ không để xảy ra chuyện đau lòng như gia đình tôi”.