Nhưng đây vẫn là một trong những vấn đề lớn của Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS - sửa đổi) còn có ý kiến chưa thống nhất vì “nhận thức, chưa hiểu đầy đủ, chính xác về quyền im lặng của người bị buộc tội” như nhận định của VKSNDTC khi Ủy ban Tư pháp thẩm tra Dự thảo này hôm qua - 30/3.
Im lặng, không bị tăng nặng trách nhiệm hình sự
Hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Song, theo nhiều ý kiến, qui định của BLTTHS 2003 “chưa bao quát đầy đủ nội dung của “quyền im lặng” - một trong các quyền căn bản của người bị buộc tội”.
Vì vậy, sửa đổi BLTTHS lần này, qui định về quyền của người bị buộc tội trong việc trình bày lời khai, đưa ra chứng cứ nhằm làm sáng tỏ sự thật của vụ án được bổ sung theo hướng “xác định rõ việc trình bày lời khai, đưa ra chứng cứ hay không là quyền của người bị buộc tội. Nên nếu họ không trình bày lời khai, không đưa ra chứng cứ bất lợi cho họ hoặc không nhận là mình có tội không được coi là một tình tiết tăng nặng khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ” - VKSNDTC cho biết.
Với mục tiêu trên, hai phương án đã được đề xuất trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Hoặc BLTTHS qui định theo hướng trình bày lời khai, đưa ra ý kiến hoặc chứng minh sự vô tội là quyền mà không phải là nghĩa vụ của người bị buộc tội.
Do đó, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này. Còn các cơ quan và người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm, không được áp dụng bất kỳ biện pháp nào để buộc người bị buộc tội cung cấp lời khai trái với sự tự nguyện của họ.
Phương án này được đánh giá là phù hợp mới mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, xét hỏi ở nước ta, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng giải quyết vụ án, là cơ hội để người bị buộc tội có thể thực hiện quyền tự bào chữa của mình, giảm thiểu chi phí, thời gian tố tụng và bảo đảm phù hợp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Triệt để hơn “quyền im lặng” để chống bức cung, nhục hình
Theo quan điểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trình bày lời khai là quyền của người bị buộc tội. Nếu họ không trình bày lời khai về các tình tiết không có lợi cho họ thì cũng đồng nghĩa với việc không đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình. Nhưng Bộ Tư pháp cho rằng, qui định như Dự thảo là “qui định gián tiếp, dễ gây cách hiểu không thống nhất, chưa thể hiện rõ quyền được từ chối khai báo hoặc quyền được im lặng, cũng như chưa bảo đảm được nguyên tắc suy đoán vô tội”.
Để tăng cường tính minh bạch của BLTTHS và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, Bộ Tư pháp cho rằng phải qui định rõ người bị buộc tội có quyền “trình bày ý kiến, từ chối trình bày ý kiến, không đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình”.
Thậm chí, Luật sư Lê Thúc Anh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ý kiến chỉ cần qui định trực tiếp là “người bị buộc tội có quyền không khai báo hoặc đưa ra ý kiến bất lợi cho bản thân”. Song, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương lại “băn khoăn lắm về quyền im lặng vì nếu đưa vào luật thì không ai làm gì. Trước hành vi phạm tội phải bảo vệ quyền của người bị hại nên phải cân nhắc kỹ về qui định này để không làm khó cho cơ quan tố tụng”.
Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, nghiên cứu về Dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng cần qui định rõ quyền của người bị buộc tội “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội” để tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình.
Đánh giá tác động của Dự thảo cho thấy, nếu qui định rõ trong BLTTHS “người bị buộc tội có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội” sẽ thể hiện triệt để hơn “quyền im lặng” của người bị buộc tội.
Tuy nhiên, lại có thể sẽ gây khó khăn, cản trở cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc nhanh chóng giải quyết vụ án, làm mất cơ hội thực hiện quyền tự bào chữa của người bị buộc tội, làm tăng chi phí tố tụng vì cơ quan tiến hành tố tụng phải tự mình xác minh, thu nhập tất cả các chứng cứ của vụ án, cả gỡ tội và buộc tội, mà không có sự phối hợp của người bị buộc tội...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: “Dự thảo cần bỏ qui định về giấy chứng nhận người bào chữa (GCN NBC), thay vào đó bằng thủ tục đăng ký người bào chữa, bổ sung quyền của bị can, bị cáo, người bào chữa được trưng cầu giám định, thiết kế vị trí bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội tại phiên tòa theo hướng có vị trí ngang bằng giữa người bào chữa và cơ quan công tố để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng…”.
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, để tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa” của cơ quan tiến hành tố tụng thì cần thay qui định “cấp GCN NBC” bằng qui định “cấp giấy đăng ký bào chữa” và đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký cho NBC. Có ý kiến đề nghị cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót, tồn tại trong thực tiễn cấp GCN NBC ở giai đoạn điều tra.