Nợ nần mất bạn
Dự kiến giữa tháng 8/2016 tới đây, TAND TP.Bắc Giang sẽ đưa ra xét xử vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Phát (SN 1955, ngụ xóm Trung, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng) và bị đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1965, ngụ phường Xương Giang, TP Bắc Giang).
Đây là vụ án được cho là “rối rắm” gây nhiều tranh cãi pháp lý với thủ đoạn “trốn” nợ buộc nhiều cơ quan giám định cùng vào cuộc.
|
Hai tờ giấy biên nhận trả nợ được đưa ra giám định. |
Theo đơn khởi kiện ngày 8/9/2014 cũng như tại biên bản lấy lời khai của tòa án TP Bắc Giang, bà Phát nguyên đơn trình bày: Bà quen biết bị đơn từ lúc cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng. Từ ngày 7/7 đến ngày 20/11/2008, vợ chồng bà Hòa vay của bà Phát sáu lần với tổng cộng 390 triệu đồng.
Theo thỏa thuận, những lần nhận tiền, bên vay đều phải viết giấy vay nợ, lãi suất 4%/tháng và không ghi thời hạn trả. Người vay giữ cuốn sổ ghi chép biên nhận trả tiền, mỗi lần trả thì chủ nợ kí tên xác nhận.
“Là chị em cùng cơ quan, quen biết lâu năm nên tôi mới tin tưởng cho vay không thời hạn. Lúc thì bà Hòa nói vay tiền xây nhà, lúc lại mượn để kinh doanh nhà đất. Lần khác bà ấy viện lý do chồng buôn bán thua lỗ cần tiền giải phóng lô hàng mắc kẹt.
Lần khác nữa, bà Hòa chủ động đưa sổ đỏ thế chấp cho tôi. Khoản vay nào cũng vậy, bà ấy trả được tiền lãi vài tháng đầu rồi sau đó xin khất”, bà Phát trình bày. Bà cho biết người vay trả lãi nhiều lần, tổng cộng được 33 triệu đồng.
Sau nhiều năm, bà Phát và bà Hòa đã thành đồng nghiệp cũ, nhưng món nợ vẫn chưa được thanh toán. Thấy vợ chồng “con nợ” không có thiện chí trả nợ, bà Phát ráo riết đòi. Tuy nhiên bà Hòa hẹn hết tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác vẫn không trả.
Năm 2013, bà Phát quyết liệt thu hồi nợ, định gửi đơn đến cơ quan công an. Lúc này, vợ chồng người vay trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin ngay hôm sau trả 1/2 tiền gốc (tương đương 195 triệu đồng) cùng phần lãi số tiền này.
Bà Hòa mong muốn “đòi được đồng nào hay đồng nấy” nên đồng ý. Hai bên viết lại giấy vay nợ 195 triệu đồng. Đây cũng là lý do sau này bà Phát chỉ khởi kiện đòi 195 triệu đồng mà không phải 390 triệu đồng tiền gốc.
Nhưng nhiều ngày sau đó, vợ chồng bà Hòa “mất hút” không đem tiền đến trả như đã hẹn. Tiếp tục chờ đợi nhiều tháng nữa không có kết quả, đầu năm 2014, chủ nợ gửi đơn khởi kiện ra tòa án TP Bắc Giang.
Nguyên đơn cho biết nhiều lần hòa giải sau đó, khi thì “con nợ” vắng mặt, lúc thì đến muộn và không có thiện chí trả tiền.
|
Hai tờ giấy biên nhận trả nợ được đưa ra giám định. |
Tại buổi hòa giải mới nhất hồi tháng 6/2016, bị đơn cùng luật sư đã thừa nhận nợ bà Phát cả gốc lẫn lãi 305 triệu đồng. Nhưng bà này nói rằng chỉ đủ khả năng trả 200 triệu. “Tuy nhiên, hôm sau bà Hòa chỉ đem vào nhà tôi 150 triệu đồng nên tôi không đồng ý, tiếp tục đề nghị tòa án giải quyết”, bà Phát nói.
Thủ đoạn “tăng” tiền trả nợ gấp 40 lần
Tại những buổi hòa giải đầu tiên ở trụ sở tòa án, bị đơn đưa ra nhiều giấy biên nhận trả nợ, khẳng định đã trả nguyên đơn 187 triệu, chỉ còn thiếu nợ 8 triệu đồng. Đáng chú ý trong các giấy biên nhận bị đơn đưa ra có giấy ghi ngày 5/3/2012 trả 33 triệu đồng, giấy ghi ngày 7/11/2012 trả 93 triệu đồng.
Trong khi đó, nguyên đơn trình bày “con nợ” mới trả “nhỏ giọt” 2-3 triệu đồng mỗi lần, nghi ngờ bà Hòa cố tình viết thêm vào giấy biên nhận để trốn nợ. Cụ thể, nguyên đơn cho rằng bà Hòa mới trả 6 triệu nhưng đã viết thêm chữ số để tăng số tiền trả nợ thành 126 triệu đồng.
Còn bị đơn vẫn khăng khăng không có chuyện viết thêm vào biên nhận. Từ đó, nguyên đơn yêu cầu Phòng kĩ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Bắc Giang, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) trưng cầu giám định hai giấy biên nhận trên.
Sau đó TAND TP Bắc Giang đã trưng cầu giám định hai bằng chứng trên. Ngày 8/12/2014, Phòng KTHS Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: số “3” trong dãy số 33 triệu đồng và chữ “ba” trong cụm từ “ba ba triệu đồng” trong giấy trả tiền ngày 5/3/2012 bị viết thêm. Còn số “9” trong dãy số 93 triệu đồng và chữ “chín” trong cụm từ “chín ba triệu đồng” trên giấy biên nhận ngày 7/11/2012 không có cơ sở kết luận.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 18/3/2015, Viện khoa học hình sự có kết luận chữ số “9” và chữ “chín” tại giấy biên nhận trả nợ trên cũng do điền thêm vào.
Không chịu “lép vế”, bị đơn cũng làm đơn trưng cầu giám định hai giấy vay nợ trên và đề nghị Phòng giám định KTHS (Bộ Quốc phòng) vào cuộc. Kết quả ngày 11/5/2015, cơ quan này có kết luận các số “3”, “9” và chữ “ba”, “chín” trong các bút lục tòa án TP Bắc Giang trưng cầu giám định đều do viết thêm vào.
Chưa chịu thua, bị đơn tiếp tục đề nghị Phòng giám định kĩ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) giám định thời điểm viết thêm các số và chữ nêu trên. Tuy nhiên, cơ quan giám định kết luận không xác định được thời điểm viết thêm là trước hay sau so với thời điểm viết các nội dung khác và thời điểm người nhận tiền kí tên.
|
Kết luận của 3 cơ quan giám định. |
Trong quá trình thụ lý vụ án, tòa án TP Bắc Giang nhận thấy có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã gửi toàn bộ hồ sơ sang CQĐT Công an TP Bắc Giang đề nghị làm rõ.
Quá trình điều tra, bà Hòa thừa nhận việc viết thêm số và chữ vào giấy biên nhận trả nợ. Bà này thanh minh do trả nợ nhiều lần cùng ngày nên “tiện thể” viết thêm vào giấy cũ, thay vì viết ra giấy mới. Ngày 24/12/2015, CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự về việc bà Phát tố cáo bà Hòa có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tranh cãi pháp lý
Trao đổi ở khía cạnh pháp lý, luật sư Trịnh Văn Toàn (Trưởng văn phòng luật sư ATK, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi viết thêm vào giấy biên nhận trả nợ của bị đơn có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Luật sư Toàn phân tích: “Theo diễn biến vụ án có trong hồ sơ, trước khi có các kết luận giám định, bà Hòa không thừa nhận việc viết thêm vào giấy trả tiền. Nhưng sau khi có kết luận, CQĐT vào cuộc thì thừa nhận viết thêm. Theo tôi cần làm rõ động cơ của bà Hòa”.
Vẫn theo luật sư, từ khi ra tòa án hòa giải cho đến khi CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, thậm chí khi cơ quan giám định có kết luận về việc viết thêm vào giấy biên nhận trả nợ, bà Hòa cho rằng chỉ còn nợ bà Phát 8 triệu đồng. Tuy nhiên, tại buổi làm việc tháng 6/2016, bà này lại thừa nhận còn nợ bà Phát hơn 300 triệu đồng.
“Nếu bà Hòa giải thích việc viết thêm là do trả nợ nhiều lần cùng ngày thì tại sao bà này lại nhận khoản nợ lớn như vậy, trong khi trước đó chỉ khẳng định thiếu nợ 8 triệu đồng?”, luật sư Toàn đặt câu hỏi.
Về quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT, luật sư Toàn nhận định trong quyết định không nêu rõ căn cứ để không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, nếu CQĐT lấy căn cứ không xác định được thời điểm bà Hòa điền thêm các chữ số, chữ viết trên giấy biên nhận trả nợ thì không khách quan.
|
Cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. |
Bởi theo luật sư Toàn, việc giám định thời điểm viết thêm (còn gọi giám định tuổi mực) trong trường hợp trên là không cần thiết và khó để kết luận. Giám định tuổi mực chỉ áp dụng ở những văn bản lâu năm.