Qua gần 20 năm thực hiện, trong số 125.083 thôn, làng được rà soát, có 109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%); có 6.694 bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt; 3.260 bản hương ước, quy ước đang xây dựng. Hương ước, quy ước đã góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn một số tồn tại, hạn chế, làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư.
Nguyên nhân của hạn chế trên chủ yếu là do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã ban hành từ lâu; chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đáng chú ý là Chỉ thị số 24 đặt ra các vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện chủ trương, quan điểm mà thiếu các quy phạm pháp luật cụ thể. Chỉ thị số 24 cũng chưa phân định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các bộ liên quan.
Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo hướng đây là công việc của cộng đồng, do người dân thực hiện dựa trên nhu cầu, tinh thần tự nguyện, không áp đặt; không nhất thiết thôn, làng nào cũng phải có hương ước, quy ước. Với quan điểm không hành chính hóa công việc này, Dự thảo Quyết định chỉ quy định mang tính định hướng 10 nhóm lĩnh vực của đời sống cộng đồng dân cư để các địa phương lựa chọn toàn bộ hoặc một số nội dung đưa vào hương ước, quy ước; quy định những nội dung không được quy định trong hương ước, quy ước.
Các lĩnh vực đời sống cụ thể gồm các biện pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý xã hội, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân; các biện pháp giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, khuyến học, khuyến nghề, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại; các biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; các biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, không thể thiếu là các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái, quy tắc đạo đức trong gia đình... Hương ước, quy ước cũng có thể quy định các biện pháp khen thưởng, xử lý vi phạm để bảo đảm thực hiện hương ước, quy ước; khuyến khích áp dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, tự nguyện... Đặc biệt, sau nhiều ý kiến góp ý, Dự thảo Quyết định nêu rõ: Nội dung của hương ước, quy ước không được trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân; đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.