Bị thu hồi đất nhưng 10 năm chưa được tái định cư
Phản ánh đến Báo PLVN, bà Huỳnh Tấn Siếu (SN 1937, ngụ 769/5 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP HCM) cho biết, từ 2012 đến nay, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Xây dựng – Kinh doanh nhà Vạn Thái (nay là Công ty CP Thương mại – Dịch vụ - Xây dựng – Kinh doanh nhà Vạn Thái, trụ sở 232 Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8) vẫn chưa thông báo giá bán, diện tích và bàn giao căn hộ tái định cư cho nhà bà.
|
Bà Siếu năm nay 84 tuổi, chồng chết từ lâu, không con cái, mỗi tháng sống nhờ vào 360 ngàn đồng tiền trợ cấp tuổi già, lang thang 10 năm nay vì bị thu hồi đất mà chưa được bố trí tái định cư. |
Theo hồ sơ, ngày 17/12/2009, UBND TP HCM ra Quyết định 5766/QĐ-UBND giao đất cho Công ty Vạn Thái để đầu tư xây dựng khu chung cư tái định cư tại phường 4 thuộc dự án Khu công viên văn hóa – du lịch – thể thao phía Nam đường Tạ Quang Bửu.
Năm 2011, gia đình bà Siếu bị thu hồi, giải phóng trắng nhà đất diện tích 317m2, trong đó có 77m2 đất ở, 204m2 đất nông nghiệp. Năm 2012, nhà bà Siếu được bồi thường, hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, gia đình bà đủ điều kiện bố trí tái định cư là căn hộ.
Bà Siếu kể: “Năm 2012, sau khi nhận được tiền bồi thường. Dù số tiền rất thấp nhưng vì cái chung của địa phương, gia đình vẫn chấp hành tháo dỡ nhà cửa, tự nguyện bàn giao mặt bằng để Công ty Vạn Thái thi công, xây dựng khu chung cư tái định cư”.
Là nhà đất duy nhất bị giải tỏa, từ năm 2012, gia đình bà Siếu bắt đầu đi thuê nhà để ở. Ngày 14/2/2015, Công ty Vạn Thái lập biên bản về việc mỗi tháng chi trả 4 triệu đồng tiền tạm cư cho nhà bà Siếu, thời hạn 3 tháng chi trả 1 lần. Đồng thời, Công ty Vạn Thái sẽ thông báo giá bán, diện tích căn hộ tái định cư để hai bên tiến hành ký hợp đồng, thanh toán theo hợp đồng.
Bà Ngô Tú Anh (đại diện ủy quyền cho bà Siếu) nói: “Theo quy định pháp luật, việc chi trả tiền tạm cư là trách nhiệm của Công ty Vạn Thái. Nhưng họ không thực hiện, “ngó lơ” đi, khiến mình phải đi kêu như kiểu ăn xin họ. Lúc đầu, họ thực hiện rất đúng, 3 tháng chi trả 1 lần. Nhưng sau đó thì không thực hiện đúng mà đẩy lên thành 6 tháng, sau đó cả năm mới trả 1 lần. Đến 2019, cả năm mà họ không chi trả.
Tôi đi lên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) quận 8 mấy lần, lên Công ty Vạn Thái, rồi gọi điện... Chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lần, gửi đơn cả UBND, HĐND, rồi ý kiến ở cuộc họp cử tri. Chị Siếu già quá, chân đau không đi lại được nên mới ủy quyền cho tôi. Tôi năm nay cũng 70 tuổi rồi, không đi xe máy được. Đi đâu cũng nhờ con cháu hoặc xe ôm. Tiền của mình mà họ làm như mình đi xin”.
Tháng 11/2019 và tháng 2/2020, BBTGPMB quận 8 phải có hai công văn nhắc thì mãi đến tháng 7/2020, Công ty Vạn Thái mới chi trả tiền tạm cư năm 2019 cho gia đình bà Siếu. Đến tháng 5/2021, tức sau 1 năm rưỡi, mới chi trả tiếp số tiền từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021.
“Thử hỏi, có ai cho thuê nhà trọ mà 1 năm hoặc 1 năm rưỡi mới thu tiền hay không?”, bà Tú Anh nói.
|
Nhiều block trong dự án Khu chung cư tái định cư đã được xây dựng hoàn thiện nhưng bà Siếu vẫn chưa được bố trí tái định cư. |
Nguyện ước cuối cùng được chết trong căn nhà của chính mình
Trong căn phòng trọ nhỏ bé nằm sâu trong hẻm, bà Siếu lặng yên trên ghế bố: “Chỗ này là của cháu gái họ cho ở nhờ. Tôi năm nay 84 tuổi, không làm gì ra tiền, thân cô thế cô. Chồng chết từ lâu, không con cái. Mỗi tháng sống nhờ vào 360 ngàn đồng tiền trợ cấp tuổi già của chính quyền và sự chăm sóc của mấy đứa cháu họ. Cứ hai ba hôm, mấy đứa cháu đến dọn nhà, giặt quần áo giúp. Cơm nước hằng ngày thì có em Tú Anh mang đến”.
“Lẽ ra thuê nhà phải trả tiền, nhưng tôi ốm đau suốt, nhập viện tháng mấy lần nên cháu thương, không lấy, để tiền đó cho tôi đi bệnh viện. Vậy mà cả năm Công ty An Thái mới chi tiền tạm cư”.
“Gần 10 năm bị thu hồi đất, tự nguyện bàn giao mặt bằng, tôi phải đi thuê nhà ở khắp nơi. Sau đó, người thân cho ở nhờ phòng trọ. Phòng nhỏ quá, sợ tôi chết không có nơi để quan tài nên đứa cháu họ mới cho mượn nơi ở. Từ người có nhà cửa, có vườn trồng rau nuôi gà, giờ tôi thành người vô gia cư. Bàn thờ cũng phải tạm bợ”, bà Siếu nói.
Hiện bà Siếu nhiều bệnh tật, chân bị giãn tĩnh mạch, bệnh xương khớp, không đi lại được, phải nằm một chỗ, mọi sự sinh hoạt dựa vào các cháu họ. Nguyện ước cuối cùng của bà Siếu là được chết trong căn nhà mình, căn nhà mình đứng tên.
“Tôi chờ đợi 10 năm nay để được nhận nhà tái định cư mà “bặt vô âm tín”. Không lẽ tôi phải làm “ma không nhà”, không có một nơi tử tế để nhang khói? Nếu vậy tôi có chết cũng không cam tâm. Tôi đã nhường đất cho sự phát triển của địa phương, nên chính sách của Nhà nước là bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất, vậy sao tôi lại bị đối xử như vậy?”.
Còn bà Tú Anh nói: “Tôi nhiều lần lên BBTGPMB quận 8, UBND phường 4 để hỏi về nhà tái định cư cho bà Siếu, nhưng họ nói chưa có, còn chờ UBND TP ban hành giá. Tôi dò hỏi thì có thông tin cho rằng họ đã xây 1 tòa chung cư tái định cư phía sau mấy tòa nhà chung cư thương mại. Một số người đã được thông báo giá, thông báo diện tích căn hộ, mà bà Siếu thì không thấy đâu”.
Theo quan sát tại dự án mà Công ty Vạn Thái thực hiện đầu tư xây dựng khu chung cư tái định cư tại phường 4 thuộc dự án Khu công viên văn hóa – du lịch – thể thao tại phía Nam đường Tạ Quang Bửu, có 5 block chung cư đã xây dựng hoàn thiện với tên gọi là Topaz City. Block B1, B2 mặt tiền đường Cao Lỗ đã có người ở và hoạt động thương mại tại tầng trệt. Với block mà bà Tú Anh cho rằng là căn hộ tái định cư, theo quan sát thì có một số nhà đã gắn máy lạnh, bên trong có nội thất.
Bên cạnh 5 block đã hoàn thiện, hiện đang có nhiều block khác đang xây dựng. “Họ phải ưu tiên tái định cư trước chứ, tại sao lại ưu tiên căn hộ thương mại, bán lấy tiền?”, bà Tú Anh nói.
Chiều 2/11, PV đã liên hệ với UBND quận 8, BBTGPMB quận 8. Tuy nhiên, Ban Tiếp công dân quận 8 cho rằng đang dịch bệnh nên không nhận thông tin trực tiếp mà yêu cầu PV gửi qua đường bưu điện. PV gọi điện và nhắn tin cho Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng nhưng ông Tùng không nghe máy, không phản hồi.
Về phía Công ty Vạn Thái, tiếp nhận thông tin và hứa sẽ trả lời. Sáng 4/11, PV liên hệ nhắc việc trả lời nhưng vẫn không nhận được phản hồi.