Tổng cục Môi trường và CITES Việt Nam đều đã lên tiếng
Liên quan đến vụ việc gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (tại Cồn Tàu Voi, thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) hiện đang nuôi nhốt 11 cá thể hổ (đã hết hạn giấy chứng nhận trại nuôi từ ngày 22/05/2017), trong Công văn số 1809/TCMT-BTĐD ngày 06/07/2018 gửi Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa vừa qua, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã đề nghị cơ quan này đánh giá thực trạng, nghiên cứu phương án chuyển giao số cá thể hổ tại trang trại của Nguyễn Mậu Chiến đến các cơ sở đủ điều kiện nuôi theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 18/07/2017 tổ chức tại Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) và Cơ quan Quản lý Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES Việt Nam) cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa không cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cho cơ sở của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến để tiếp tục “nuôi bảo tồn hổ”, bởi hoạt động của cơ sở này trong suốt 10 năm qua không có bất kỳ đóng góp nào cho công tác bảo tồn loài ĐVHD nguy cấp.
Tuy nhiên, trong Công văn số 2534/SNN&PTNT-CCKL ngày 03/08/2018 của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa gửi Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) – là một tổ chức chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã và đang theo sát vấn đề này – Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết chưa có biện pháp xử lý nào khác ngoài việc “vận động, tuyên truyền” chủ cơ sở tự nguyện chuyển giao hổ.
Cũng vì vậy, việc chuyển giao hổ sẽ chỉ được thực hiện sau khi “đạt được thỏa thuận, thống nhất giữa chủ trại nuôi và bên tiếp nhận”. Như vậy, vấn đề vướng mắc ở đây là bên tiếp nhận, nhưng được biết, qua nội dung Công văn số 1344/SNN&PTNT-CCKL Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa gửi đến Bộ NN&PTNN và Bộ TN&MT ngày 14/05/2018 cho thấy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã liên hệ các trung tâm cứu hộ và có trung tâm cứu hộ đã xác nhận sẽ “xem xét tiếp nhận với điều kiện tự nguyện hiến tặng, giao nộp và không có bồi hoàn, hỗ trợ”.
|
Một cá thể hổ đang bị nuôi nhất trái phép tại trang trại của đối tượng Chiến |
Những căn cứ pháp lý xác đáng
Như vậy, vấn đề tiếp nhận đã được giải quyết, bên cạnh đó ở góc độ pháp luật, theo nhiều chuyên gia pháp lý chuyên về lĩnh vực bảo tồn ĐVHD, thì UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có căn cứ pháp lý để ra quyết định thu hồi những cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến mà không cần “thỏa thuận, thống nhất” với gia đình ông này. Lý do sau khi phát hiện hành vi nuôi nhốt hổ trái phép của ông Chiến, ngày 03/08/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2320/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ gia đình ông Chiến, đồng thời giao cho gia đình ông tiếp tục nuôi nhốt các cá thể hổ trong trang trại của mình.
Tuy nhiên, Quyết định này hoàn toàn không chuyển quyền sở hữu những cá thể hổ này cho ông Chiến. Điều 164 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu”. Trong khi đó, Quyết định số 2320/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND Thanh Hóa chỉ chuyển giao cho ông Chiến quyền chiếm hữu đối với các cá thể hổ, ông Chiến hoàn toàn không có quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản này. Chính vì thế, trong Bản cam kết ngày 10/07/2007 ông Chiến đã khẳng định “sẵn sàng nộp cho Nhà nước số cá thể hổ đang nuôi nhốt khi có yêu cầu của Nhà nước”. Điều này một lần nữa cho thấy ông Nguyễn Mậu Chiến chưa bao giờ có quyền sở hữu hợp pháp đối với những cá thể hổ trong trang trại của ông.
Thứ hai, ông Nguyễn Mậu Chiến có trách nhiệm chuyển giao các cá thể hổ trong trại nuôi của mình cho cơ quan nhà nước mà không có quyền yêu cầu bất kì một khoản bồi hoàn hay chi phí phát sinh nào khác. Những cá thể hổ trong trang trại của ông Chiến là tài sản của Nhà nước giao cho ông quản lý khi gia đình ông có đầy đủ điều kiện nuôi nhốt và có nguyện vọng nuôi nhốt “vì mục đích bảo tồn”. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc những cá thể hổ này là do ông Chiến tự nguyện tiếp nhận, không hề bị đe dọa, ép buộc. Ý chí của ông được thể hiện trong Bản cam kết ông viết ngày 10/7/2007. Giữa ông Chiến và UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn không có thỏa thuận liên quan tới việc UBND tỉnh Thanh Hóa phải chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình nuôi nhốt các cá thể hổ. Trong thời gian nuôi nhốt hổ, ông cũng chưa bao giờ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc. Điều này cho thấy ông đồng tình với việc nuôi hổ không có kinh phí hỗ trợ để phục vụ mục đích “bảo tồn loài động vật này” mà UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu. Đến nay, khi mục đích bảo tồn không thực hiện được, Nhà nước có quyền yêu cầu và ông Chiến có trách nhiệm phải trả lại tài sản của Nhà nước.
|
Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến bị kết án 13 tháng tù vì tội Buôn bán ĐVHD hồi tháng 3 vừa qua |
Thứ ba, Nguyễn Mậu Chiến và vợ là Lê Thị Hồng đã bị kết tội về hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng cấm (trong đó có 02 cá thể hổ đông lạnh tại số 16 BT7, khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Theo lời khai của Nguyễn Mậu Chiến tại phiên tòa xét xử đối tượng này và đồng bọn ngày 20/3/2018, 2 cá thể hổ có nguồn gốc từ trang trại của đối tượng tại Thanh Hóa. Sau khi cá thể hổ chết, đối tượng không khai báo mà vận chuyển trái phép ra Hà Nội. Vừa qua, VKSND TP Hà Nội hiện cũng đã kháng nghị Bản án sơ thẩm của TAND quận Hà Đông theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Mậu Chiến để tương xứng với mức độ và tính chất nghiêm trọng trong hành vi phạm tội của đối tượng này.