Những hành động này cho thấy hai cơ quan trên chưa thực hiện đúng chức năng giám sát pháp luật, dung dưỡng cho việc không chấp hành bản án đã có hiệu lực, gây lãng phí thời gian công sức của công dân và cơ quan chức năng, gây bức xúc dư luận. Thậm chí, khi gặp phóng viên, vị Chủ tịch HĐND tỉnh còn tuyên bố “sẽ làm văn bản đề nghị không thi hành bản án”.
Dù Sở Xây dựng khẳng định phần đất dưới ban công lấn chiếm là của ông Ẻm, một số cơ quan chức năng Cà Mau vẫn “làm khó” ông Ẻm |
Những chuyện “rà soát” bất thường
Năm 2005, khi vụ tranh chấp 2,8m2 không gian được tòa tỉnh Cà Mau tuyên ông Ẻm thắng kiện, UBND tỉnh này thành lập Đoàn giám sát do Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn thực hiện đo vẽ diện tích và đặt ra hàng loạt vấn đề để Sở Xây dựng trả lời, đồng thời “kháng nghị” bản án của tòa tỉnh.
Tháng 1/2006, Sở Xây dựng có trả lời Đoàn giám sát. Sở này khẳng định khi giao nhà 58 (trừ phần mua thêm nhà số 20) cho ông Ẻm, diện tích căn nhà bao gồm nền nhà chính, nền nhà vệ sinh, nền nhà bằng gỗ ván phía sau. Phần không gian tranh chấp nằm trên nền nhà vệ sinh ông Ẻm được giao. Sở Xây dựng cũng khẳng định trước khi bán hoá giá, nhà ông Lâm không hề có cửa hậu trổ ra phần ban công tranh chấp mà sau này ông Lâm đã tự ý trổ cửa.
Đoàn Giám sát tiến hành đo vẽ và xác định khuôn viên nhà 58 của ông Ẻm (trừ phần mua thêm nhà số 20) có diện tích 144,3m2. Diện tích này Trưởng đoàn giám sát công nhận là đất mà Sở Xây dựng đã ghi trong hợp đồng mua bán nhà 58. Còn phần chênh lệch ông Ẻm mua thêm nhà số 20 không liên quan đến vụ tranh chấp.
Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau thừa nhận cơ quan này đã hai lần gửi kiến nghị đến TAND Tối cao xem xét lại bản án. Ông Ca nói rằng: “Việc kiến nghị vẫn nằm trong phạm vi giám đốc thẩm. TAND Cấp cao đã bác thì chúng tôi kiến nghị TAND Tối cao xem việc bác đơn của TAND Cấp cao có đúng hay không? Đồng thời, cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới”.
“Chứng cứ, tài liệu mới” mà theo ông Ca là vào năm 2008, UBND tỉnh có ra Quyết định 130 về việc thu hồi sổ đỏ của ông Ẻm. Nhưng không rõ vì sao 10 năm sau, vào ngày 7/9/2018, UBND tỉnh mới ra quyết định thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện quyết định trên.
“Ngày 20/9/2018, Tổ kiểm tra báo cáo có những cái sai, có cái đúng nhưng đến nay chưa xử lý. Tổ kiểm tra đo đạc nhà của ông Em, tổng diện tích là 199,5 m2, chênh lệch tăng so với hồ sơ giao đất, hợp đồng và sổ đỏ. Đến nay tổ kiểm tra chưa xác định được diện tích 23,8 m2 nằm ở vị trí nào”, ông Ca nói. Trong khi đó ông Ẻm cho hay diện tích nhà ông nếu có chênh so với hồ sơ thì chênh ở góc khác (do căn nhà ông hiện nay là mua hai căn nhà gộp làm một – NV), chứ không phải chênh lệch ở khu vực tiếp giáp với nhà ông Lâm.
Ông Ẻm: “Tại sao lại hành hạ tôi như vậy?” |
“Kiến nghị là huỷ án”
Tại sao Ban pháp chế HĐND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau kiến nghị dù TAND Cấp cao đã bác đề nghị giám đốc thẩm của ông Lâm? Ông Ca nói: “Các lần giám đốc thẩm trước đây có kiến nghị của Ban Pháp chế. Kiến nghị là huỷ án…”.
“Sau khi có bản án phúc thẩm lần thứ 4, ông Lâm không gửi đơn cho HĐND mà lại gửi thẳng cho TAND Cấp cao tại TP HCM. TAND Cấp cao trả lời không có cơ sở để giám đốc thẩm, ông mới tá hoả quay lại HĐND. Lúc đó Ban Pháp chế mới rà soát nghiên cứu vào kiến nghị như đã nêu”, ông Ca nói. Trước câu hỏi nếu đất ông Ẻm dư thì từ trước đến nay ai là người quản lý, sử dụng, ông Ca cho rằng: “Đất trống, bỏ hoang, ông Ẻm chiếm sử dụng”.
Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) phản bác quan điểm trên của ông Ca. Theo LS Hiệp: “Vấn đề rất rõ ràng, ông Ẻm là người sử dụng toàn bộ khu đất được Nhà nước giao từ năm 1990 đến nay. Nếu diện tích đất có dư so với sổ đỏ thì cũng là của ông Ẻm.
Thứ hai, đất của ông Lâm không thiếu. Như vậy không thể nói phần đất dưới ban công là của ông Lâm. Ông Lâm vừa không sử dụng, quản lý, lại không hề được Nhà nước giao phần đất này thì không có cơ sở nào để Ban Pháp chế kiến nghị xem xét bản án.
Thứ ba, đất ông Ẻm không thay đổi so với khi được giao. Vậy không có cơ sở nào để Ban Pháp chế nói ông Ẻm dư đất. Có chăng như Sở Xây dựng thừa nhận rằng do thời điểm giao đất, cán bộ yếu nghiệp vụ, dụng cụ đo vẽ không chính xác nên chỉ xác định tương đối. Còn việc xác định ranh đất là rất chính xác và hiện nay còn tồn tại”.
Ông Ca thừa nhận, Ban Pháp chế đã gửi hai lần kiến nghị nhưng chưa thấy TAND Tối cao có phản hồi về những kiến nghị đó.
Còn phía UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau trả lời rằng đã hai lần có kiến nghị gửi cho TAND Tối cao xem xét bản án vì phát hiện những vấn đề chưa rõ trong bản án và có tính phức tạp. Và TAND Tối cao chỉ mới xác nhận có nhận đơn và chuyển đến bộ phận có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Văn bản của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau gửi Báo PLVN cho rằng: “Không hề dùng từ kháng nghị bản án có hiệu lực của TAND tỉnh Cà Mau”.
“Bản án phải được thi hành”
Đánh giá về sự việc, LS Hiệp nói không có cơ sở để dừng thi hành án sự việc này: “Không có bất kỳ ai hoặc cơ quan nào có quyền ngăn cản việc thi hành án hay can thiệp vào nghiệp vụ chấp hành viên”.
“Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Thi hành án Dân sự quy định bản án phải được thi hành. Trường hợp bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan kháng nghị sẽ có văn bản đề nghị tạm hoãn thi hành án trong vòng ba tháng. Sau đó, nếu án không bị huỷ bởi giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án vẫn phải tiếp tục thi hành, không thể dừng được. Có bốn người được phép kháng nghị bản án là Viện trưởng VKSND Cấp cao, Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao và Tối cao. Còn lại, những cơ quan, cá nhân khác có đề nghị thì cũng không ảnh hưởng đến việc thi hành án”.
LS Hiệp giải thích, không có quy định nào cho thấy UBMTTQ tỉnh và Ban pháp chế HĐND tỉnh có quyền đề nghị không thi hành bản án hoặc tạm dừng thi hành án. “Việc có kiến nghị xem xét thì đó là quyền của họ, nhưng kiến nghị này không ảnh hưởng đến việc thi hành án”, LS Hiệp nói.
Ngoài ra, TAND Cấp cao đã bác đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Lâm. Theo LS Hiệp, thủ tục giám đốc thẩm đã chấm dứt, vì vậy dù là TAND Tối cao cũng không thể xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm nữa. Bản án chỉ còn có thể xem xét ở thủ tục tái thẩm. Muốn tái thẩm thì phải có đơn đề nghị. Đến nay, chưa thấy có cơ quan, cá nhân nào đề nghị.
“Nói tóm lại, đến thời điểm này, bản án của ông Ẻm phải được thi hành. Việc chậm trễ là trách nhiệm của cơ quan thi hành án. Còn cơ quan cá nhân nào ngăn cản hoặc có chỉ đạo làm cản trở việc thi hành án đều bị xử lý, thậm chí là xử lý hình sự”, LS Hiệp nói.
Ông Ẻm thì bức xúc: “Tôi nhận đất của nhà nước giao, nguyên hiện trạng, không hề lấn chiếm của ai. Tại sao lại hành hạ tôi như vậy?”.