12 tháng, 7 vụ cướp ngân hàng: Lỗ hổng an ninh các điểm giao dịch ngân hàng

(PLO) - Từ 1/9 năm ngoái đến đầu tháng 9 năm nay, cả nước đã xảy ra 7 vụ cướp ngân hàng. Đáng nói, phần lớn các vụ cướp đều xảy ra tại các Phòng Giao dịch (PGD). Thực tế trên khiến dư luận đặt câu hỏi: Các ngân hàng thương mại đã thực sự quan tâm đến an ninh tại các địa điểm giao dịch? 
Hình ảnh tên cướp (góc phải) cầm súng khống chế mọi người trong vụ cướp ngân hàng tại Khánh Hòa
Hình ảnh tên cướp (góc phải) cầm súng khống chế mọi người trong vụ cướp ngân hàng tại Khánh Hòa

PGD toàn nữ, bảo vệ “lơ tơ mơ” 

Dù thông tin các vụ cướp ngân hàng luôn được báo chí cảnh báo mỗi khi xảy ra, nhưng chỉ trong 4 tháng cuối năm 2017, trên cả nước vẫn xảy ra tới… 5 vụ. Trong 5 vụ này có 2 vụ các nhân viên ngân hàng kịp thời ngăn chặn khi bấm chuông báo động, đồng thời bảo vệ và khách hàng nhanh trí chốt cửa ngoài, chờ lực lượng chức năng đến xử lý. Ba vụ còn lại đều gây ra tổn thất khi các đối tượng sử dụng vũ khí tự chế như mìn tự nổ, súng, dao… để khống chế toàn bộ nhân viên PGD và khách hàng có mặt rồi cướp đi số tiền lên đến vài trăm triệu. 

Trong đó, đáng kể là vụ cướp xảy ra tại PGD Vietinbank Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vào ngày 27/9/2018. Trong vụ này, thủ phạm đã dùng súng khống chế 9 người gồm bảo vệ, nhân viên và khách hàng đang có mặt tại đây để cướp đi số tiền 207 triệu đồng.

Điều đáng nói, trong số 5 vụ cướp xảy ra vào hồi cuối năm 2017, các “ông lớn” trong lĩnh vực tín dụng như Vietinbank cũng “dính” 2 vụ, ở PGD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và TP HCM; Agribank - một trong 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước - “dính” 1 vụ ở Đắk Lắk. Hai vụ còn lại đều xảy ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân có “tên tuổi” là Ngân hàng TMCP Bưu điện (Lienviet Post Bank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank). 

Đầu năm 2018 đến nay, cả nước lại tiếp tục xảy ra 4 vụ cướp ngân hàng. Dù  số lượng vụ việc xảy ra không dồn dập như cuối năm 2017 nhưng hành vi gây án manh động và táo tợn hơn. Trong số đó, đáng kể là 2 vụ án xảy ra tại PGD Agribank Dĩnh Kế, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (tháng 1/2018) và vụ mới đây nhất, xảy ra tại một PGD của Vietcombank ở thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà vào ngày 5/9/2018. Trong 2 vụ cướp kể trên, các đối tượng đều đã lên kế hoạch rất rõ ràng, nhằm vào các PGD có vị trí thuận lợi để hành động. 

Theo quan sát của PLVN, các vụ cướp xảy ra trong vòng 1 năm qua cũng như các năm trước, hầu hết đều ở các PGD - đơn vị giao dịch nhỏ nhất trong cơ cấu ngân hàng; và thường nằm xa hội sở chính của các ngân hàng thương mại các tại các tỉnh, thành phố. 

Thông thường các PGD đều được gắn camera chất lượng cao để quan sát, nhưng số lượng bảo vệ theo đúng nghĩa hơi “mỏng” cộng với một số PGD chỉ bố trí toàn nhân viên nữ… nên đó chính là điểm yếu để tội phạm lợi dụng tấn công. Chưa kể các giao dịch viên ngân hàng không có gì để tự bảo vệ ngoài chuông bấm báo động, nhưng nó chỉ thường vang lên khi kẻ cướp đã lên xe tẩu thoát. 

Làm gì để cướp “chùn tay”?

Tất nhiên “chạy trời không khỏi nắng”, thủ phạm các vụ cướp ngân hàng đều không thể lọt lưới pháp luật; tất cả các vụ cướp đều bị công an phát giác, nhưng phải làm sao để không xảy ra các vụ cướp thì vẫn hơn.

Trao đổi với PLVN ngay sau khi xảy ra vụ cướp tại PGD Vietcombank ở thị xã Ninh Hòa hôm 5/9, Đại tá Đặng Đức Luân - Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho hay: "Từ trước đến nay, không có quy chế phối hợp nào giữa các ngân hàng trên địa bàn với lực lượng công an thị xã. Các ngân hàng thương mại thường hợp đồng với các công ty bảo vệ hoặc trực tiếp thuê bảo vệ. Lực lượng công an trên địa bàn chỉ đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương chứ không có nhiệm vụ bảo vệ ngân hàng".

Đại tá Luân cũng cho biết thêm, đây là vụ cướp  có vũ trang đầu tiên xảy ra trên địa bàn này, và thực tế còn cho thấy, các đối tượng đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng trước nhiều tháng, đồng thời lựa chọn PGD có địa hình trống trải, dễ tẩu thoát... để ra tay. 

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế thì thông tin, sau khi xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng, đặc biệt là vụ tấn công vào PGD Thành Nội - BIDV Thừa Thiên Huế gây chấn động dư luận, Ngân hàng Nhà nước  tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án phòng chống khủng bố, cướp giật và tổ chức cho nhân viên bảo vệ tập huấn về công tác bảo vệ do cơ quan do Công an tỉnh này hướng dẫn. Sau khoá tập huấn, các bảo vệ đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận. 

Để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, đội ngũ nhân viên bảo vệ ngân hàng được trang bị các loại công cụ hỗ trợ phục vụ công việc. “Đa số lực lượng bảo vệ của ngân hàng thuộc biên chế của cơ quan, không thuê người ngoài. Hàng năm, Agribank cũng phối hợp với Công an các phường và Công an thành phố… tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các kỹ năng đối phó khi có tình huống xảy ra”, lời ông Bình. 

Đa số các ngân hàng thương mại vẫn trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của hệ thống các camera an ninh và còi báo động tại các PGD để phát tín hiệu khẩn cấp.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận, trong bối cảnh các loại tội phạm có liên quan đến tài chính, tiền tệ có chiều hướng ngày một gia tăng thì công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung và sự phối hợp liên ngành Công an - Ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. 

Đặc biệt, sau khi xảy ra vụ cướp tại PGD Thành Nội, BIDV Thừa Thiên Huế và Công an tỉnh này dường như đã có sự phối hợp sát sao hơn để ngăn ngừa tội phạm. Theo đó, lực lượng công an tỉnh này thường xuyên kiểm tra công tác trực bảo vệ tại các ngân hàng nhất là dịp lễ, Tết. “Chúng tôi quan tâm đến công tác vận chuyển tiền, hướng dẫn các ngân hàng thực hiện đúng quy trình vận chuyển, không để xảy ra sai sót. Ngoài ra, Công an cũng thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ, nghiệp vụ cơ bản của các nhân viên bảo vệ. Khi phát hiện nhân viên bảo vệ ngân hàng nào chưa qua đào tạo buộc phải đi đào tạo ngay”, Đại tá Tuấn nói.

Đọc thêm