134ha rừng phòng hộ bị 'xóa sổ', nghi nhiều cán bộ 'hưởng lộc' bất chính

(PLO) - Mặc dù chưa được phép của cơ quan chức năng nhưng hợp tác xã (HTX) An Nong 1 (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vẫn cho khai thác 134ha rừng thông phòng hộ. Ngoài ra, dư luận nơi đây còn hoài nghi khi nhiều cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh bất ngờ có tên trong danh sách nhận tiền đền bù đất rừng trong một dự án tái định cư…  
134 ha rừng thông nay đã bị “xóa  sổ”.
134 ha rừng thông nay đã bị “xóa sổ”.

“Tiền trảm, hậu tấu”

Hơn 5 năm qua, người dân ở xã Lộc Bổn liên tục có đơn gửi các cấp từ địa phương đến Trung ương phản ánh cán bộ của HTX An Nong 1 và UBND xã Lộc Bổn đã bán một diện tích lớn rừng thông phòng hộ cho các doanh nghiệp rồi lấy đất trồng keo, tràm; vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý và bảo vệ rừng theo quy định của Nhà nước.

Từ năm 1987 đến năm 1989, An Nong 1 được dự án PAM 2780 đầu tư trồng rừng ở xã Lộc Bổn. Năm 2004, qua rà soát cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định diện tích rừng thông hiện còn do HTX này quản lý là 134ha.

Điều đáng nói, đến đầu tháng 8/2004, UBND huyện Phú Lộc mới ban hành Quyết định số 1223/QĐ-UBND về phê duyệt phương án tỉa thưa rừng thông, nhưng trước đó 2 tháng,  An Nong 1 đã ký hợp đồng kinh tế mua bán rừng thông với một doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, lợi dụng việc tỉa thưa rừng sau khi được huyện Phú Lộc phê duyệt, An Nong 1 tiếp tục bán cây rồi “xóa sổ” toàn bộ diện tích rừng thông phòng hộ.

Sau khi tự ý cho khai thác lượng lớn thông ở rừng phòng hộ thì đến tháng 11/2014, An Nong 1 lại làm tờ trình gửi UBND huyện Phú Lộc về việc lập phương án “giải quyết số phận rừng thông”. HTX này cho rằng vì trải qua các cơn bão năm 2006, 2009, 2013 nên những cây thông đều bị gãy đổ, hư hại. Thế nhưng, thực tế HTX này đã bán rừng thông trên. Hiện tại, theo quan sát của PV, rừng thông không còn một cây nào, thay vào đó là đất để hoang hoặc đất trồng tràm, keo. 

Ông Nguyễn Đắc Phiên (82 tuổi, ngụ thôn Hòa Vang 3, xã Lộc Bổn) kể: “Trước đây, theo chủ trương của chính quyền địa phương, hơn 500 người dân ở xã chúng tôi lên rừng khai hoang, chấp nhận nguy hiểm rình rập. Tôi thuộc tổ máy cày, làm từ sáng đến tối muộn mới về, một ngày được một lon gạo để ăn nhưng vẫn gắng vì dự án hứa sau này khi thu hoạch rừng mình sẽ được hưởng 60%. Thế nhưng 10 năm trở lại đây rừng thông đã được thay thế bằng cây tràm, cây keo.

Chúng tôi được biết, theo quyết định của UBND huyện Phú Lộc thì HTX An Nong 1 không được phá rừng thông để thay thế trồng rừng khác. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì phải có phương án và được cơ quan chức năng phê duyệt. Những điều này khiến người dân hết sức bức xúc”.

Tiếp lời ông Phiên, ông Nguyễn Đức Tường (67 tuổi, ở thôn Hòa Vang 2) cho biết, ông bảo vệ rừng từ năm 1979, khi có dự án PAM 2780 ông vẫn nằm trong đội bảo vệ (59 người). “Thời gian đó, rừng hoang vu bom mìn rất nhiều. Vì trồng thông mà không ít người bỏ mạng, em rể của tôi cũng qua đời vì đào trúng bom.

Ngoài ra, như ông Nguyễn Hữu Hùng 55 tuổi ở Hòa Vang 4 bị cụt cả tay chân. Sốt rét thì hầu như ai cũng bị. Dân chịu bao khó khăn, vất vả là vậy nhưng “bọn họ” đã tự ý bán rừng khiến dân chúng tôi vô cùng bức xúc nên đi khiếu kiện nhiều nơi, ra Hà Nội cũng có rồi. Tôi mong rằng các cấp có thẩm quyền tiếp tục điều tra, đưa sự việc ra ánh sáng”. 

Người vất vả khai hoang thiệt đủ đường

Chưa dừng lại ở vụ việc trên, người dân xã Lộc Bổn còn phản ánh đến cơ quan chức năng sự việc An Nong 1 có liên quan đến việc lập danh sách khống để nhận tiền đền bù của Nhà nước tại dự án khu tái định cư Bến Ván (xã Lộc Bổn). 

Cụ thể, để thực hiện xây dựng công trình hồ chứa nước Tả Trạch, Nhà nước đã tiến hành thu hồi đất để tái định cư. Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành Quyết định số 96/QĐ-UB về phê duyệt giá trị đền bù thiệt hại về đất và tài sản cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Nhiều người dân phải đổ máu xương để trồng rừng thông nhưng không được hưởng gì.
Nhiều người dân phải đổ máu xương để trồng rừng thông nhưng không được hưởng gì. 

Theo Quyết định này sẽ có 74 hộ gia đình được phê duyệt đền bù trong đợt 1, với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi nhiều hộ dân ra sức khai hoang, canh tác rừng ở vùng Bến Ván với thời gian lâu năm lại không có tên trong danh sách đền bù; ngược lại, các cán bộ của HTX An Nong 1, UBND xã Lộc Bổn và một số cán bộ huyện, kiểm lâm huyện, thậm chí là người không có hộ khẩu tại xã Lộc Bổn lại được nhận tiền đền bù. Điều này gây bức xúc cho nhiều người dân địa phương, bởi nhiều trường hợp được đền bù thậm chí còn không biết rừng của mình nằm ở đâu.

Những người bị tố cáo trả lời ra sao trước những phản ánh trên của dân? Về vấn đề “xóa sổ” 134ha rừng, ông Nguyễn Thanh Nhã (Giám đốc HTX An Nong 1) cho rằng “do cây thông không đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân đã tỉa rồi trồng cây keo, tràm. Ngoài ra, do bão nên thông bị gãy”. “Chúng tôi thừa nhận sai sót khi chưa được huyện xét duyệt nhưng đã chuyển đổi rừng thông để trồng cây keo, tràm”, ông Nhã nói.

Về vấn đề danh sách nhận đền bù bất thường, UBND xã Lộc Bổn cũng như HTX An Nong 1 cho rằng, từ năm 1990 - 1995, vùng đất này được thiết kế thực hiện dự án PAM 4304; thời điểm đó HTX giao chỉ tiêu cho các đội sản xuất triển khai nhưng người dân ít đăng ký, chủ yếu là cán bộ đăng ký trồng cho đạt chỉ tiêu và “vì điều này nên cán bộ có tên trong diện được đền bù”.

Công an vào cuộc điều tra

Trước phản ánh của người dân, mới đây UBND huyện Phú Lộc mới đưa ra Kết luận số 1977/KL-UBND về nội dung tố cáo phá hoại rừng thông trên địa bàn xã Lộc Bổn và việc lập danh sách giả để nhận tiền bồi thường dự án hồ Tả Trạch.

Kết luận này có nêu, công tác quản lý, bảo vệ, thống kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng không được HTX An Nong 1 thực hiện nghiêm túc, vi phạm các điều khoản của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. HTX này đã không thành lập ban quản lý, ban giám sát hoạt động tỉa thưa rừng; không có sổ sách ghi chép, theo dõi, công tác nghiệm thu không đúng quy trình.

Ngoài ra, đơn vị này đã ký kết hợp đồng kinh tế mua bán rừng giữa HTX với một doanh nghiệp trước ngày UBND huyện ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tỉa thưa. Đây là nguyên nhân dẫn đến toàn bộ rừng thông do HTX An Nong 1 quản lý bị thất thoát với giá trị ước tính ban đầu hơn 387,3 triệu đồng.

HTX An Nong 1 bị xác định đã gây ra sự việc bê bối.
HTX An Nong 1 bị xác định đã gây ra sự việc bê bối.

Đối với UBND xã Lộc Bổn và Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc có thực hiện việc kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, không thực hiện thường xuyên và không có văn bản để đôn đốc, hướng dẫn. Không kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, UBND huyện Phú Lộc yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan.

Còn đối với việc sai phạm đền bù tại dự án tái định cư Bến Ván, qua công tác thanh tra, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc kết luận trong danh sách nhận tiền đợt 1 theo Quyết định số 96 có tên của 4 cán bộ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, 2 cán bộ ở huyện Phú Lộc, 4 cán bộ xã Lộc Bổn, 14 cán bộ của HTX An Nông 1.

Trong kết luận này còn cho biết, Cơ quan thường trực Ban Giải phóng mặt bằng dự án hồ Tả Trạch (thuộc Phòng NN&PTNT  huyện Phú Lộc) đã làm “thất lạc” một số hồ sơ từ năm 2002 đến nay, phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm.

Cũng tại quyết định còn nêu, dù chưa được thẩm định về quyền sử dụng đất lâm nghiệp và nông nghiệp nhưng các hộ Trần Tiến Hùng, Nguyễn Đức Phiên, Văn Đình Dương, Nguyễn Hữu Lý (Tăng) vẫn có tên trong danh sách nhận tiền đền bù. Do đó, yêu cầu UBND xã Lộc Bổn, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc và các đơn vị liên quan đến các sai phạm tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, hiện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đang thụ lý và điều tra làm rõ những sai phạm của HTX An Nong 1 trong việc gây thất thoát tài nguyên rừng cũng như thông tin việc người dân tố cáo lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù tại dự án tái định cư Bến Ván.

Dù đã có kết luận thanh tra của UBND huyện nhưng người dân nơi đây vẫn mong muốn làm rõ sai phạm từng cá nhân liên quan để sớm công bố trước dư luận. Ngoài ra, các quyền lợi của họ cần được đảm bảo.

Dư luận nơi đây đã đưa vụ việc ra so sánh với 1 vụ việc khác. Theo đó, vào cuối năm 2012, thấy ở khu vực núi Kỳ Nam, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) có một khu đất bị bỏ hoang nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Quyền (SN 1960, ngụ tổ dân phố 8, phường Hương Hồ) đã thuê người khai hoang để trồng rừng kinh tế. Ông cho đốt thực bì làm cháy 13 cây thông và chặt bỏ 60 cây thông khác mọc tự nhiên ở khu đất này. Ngay sau đó, ông bị lực lượng chức năng lập biên bản.

Hơn 7 tháng sau, người đàn ông này bị Công an thị xã Hương Trà khởi tố, bắt tạm giam về tội Trộm cắp tài sản. Sau nhiều lần kêu oan, đến tháng 9/2017, TAND thị xã Hương Trà đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Quyền 9 tháng tù và cho hưởng án treo.

Ông Quyền làm mất 73 cây thông bị 9 tháng tù, vậy 134ha thông cũng “biến mất” liệu bị xử phạt như thế nào. Dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan có thẩm quyền?

Đọc thêm