14 năm một hộ dân bị chiếm đất không được chính quyền giải quyết dứt điểm

(PLO) - Bị người khác xây dựng công trình trên đất của gia đình, gần 14 năm qua ông Phạm Văn Hào (trú tại thôn Đình, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” vì UBND huyện Vĩnh Tường không giải quyết dứt điểm. 
Ngôi nhà (bán điện thoại di động) do ông Minh xây dựng trái phép trên đất của gia đình ông Hòa

Phản ánh tới Báo PLVN, ông Hào cho biết: Ngày 8/5/2004, vợ ông là Nguyễn Thị Minh làm đơn yêu cầu UBND xã Vân Xuân giải quyết việc ông Nguyễn Văn Minh (trú  cùng xã) tự ý chiếm diện tích 39m2 đất thổ cư của gia đình ông đã được UBND huyện Vĩnh Tường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số 01097 ngày 2/12/2003. 

Quá trình giải quyết tranh chấp ông Minh vẫn tiến hành xây dựng, ngày 8/6/2004 UBND xã Vân Xuân đã có Biên bản số 01/KL-UB chỉ rõ ông Minh xây dựng trên đất lấn chiếm và yêu cầu ông Minh phải đình chỉ ngay việc xây dựng, ông Minh không chấp hành. Ngày 1/7/2004, UBND xã Vân Xuân đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ông Minh xây dựng trên đất lấn chiếm 91m2 (52m2 đất chuyên dùng của UBND xã Vân Xuân đang quản lý) tại thửa đất số 324 và 327 tờ bản đồ số 4 và 39m2 đất thổ cư của bà Nguyễn Thị Minh. Hành vi vi phạm khoản 2 Điều 2 Nghị định 04/CP ngày 10/10/1997 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. 

Ngày 7/7/2004, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1001/2004/QĐ-XPVPHC phạt tiền 10 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình xây dựng trên đất lấn chiếm đối với ông Minh. 

Ông Minh khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì ngày 30/9/2004 Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường ban hành Quyết định số 1369/2004/QĐ-CT trả lời đơn khiếu nại của ông Minh. Theo đó, giữ nguyên quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Minh. Ngày 21/10/2004, ông Minh khởi kiện ra TAND huyện Vĩnh Tường. 

TAND huyện Vĩnh Tường và TAND tỉnh Vĩnh Phúc đều bác đơn khởi kiện của ông Minh, giữ nguyên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1001/QĐ-CT ngày 7/7/2004 của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường. 

Sau khi Bản án của TAND tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu lực, UBND huyện Vĩnh Tường đã triển khai thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Minh, tuy nhiên công trình xây dựng trên mảnh đất lại không được tháo dỡ.

Trước sự việc đó, ông Hào tiếp tục có đơn đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu ông Minh trả lại 39m2 đất thổ cư và phá dỡ công trình vi phạm trên. Sau đó, UBND huyện Vĩnh Tường đã nhiều lần chủ trì cuộc họp để hai bên hòa giải và thương lượng, nhưng kết quả không thành.  

Ngày 8/8/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có Văn bản chỉ đạo số 3369/UBND-TD5 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường hoàn thiện thủ tục hồ sơ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Sau đó, UBND huyện Vĩnh Tường tiếp tục chủ trì hai bên hòa giải, thương lượng về việc ông Minh mua lại quyền sử dụng 39m2 đất của ông Hào hoặc ông Hào mua lại công trình xây dựng của ông Minh. Tuy vậy, kết quả hòa giải, thương lượng vẫn không thành. 

“Ngày 28/12/2016, UBND huyện Vĩnh Tường kiện toàn Ban Chỉ đạo và Kế hoạch số 2554/KH-BCĐ về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Minh. Tiếp đó, ngày 24/3/2017 UBND huyện Vĩnh Tường có Thông báo số 66/TB-UBND kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại hội nghị thống nhất một số nội dung giải quyết vụ tranh chấp đất đai giữa hộ ông Minh với gia đình tôi, nêu rõ: “Đảng ủy, UBND xã Vân Xuân xây dựng ngay kế hoạch để xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm trước cổng UBND xã…”. Thế nhưng không hiểu lý do nào đến nay công trình vẫn chưa được cưỡng chế”, ông Hào cho biết. 

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Văn Đăng Hà - Chánh Thanh tra huyện Vĩnh Tường cho biết: “Việc ông Hào tố cáo ông Minh xây dựng trái phép là đúng. Tuy nhiên, việc cưỡng chế còn có những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công trình vi phạm là ngôi nhà 3 tầng kiên cố, nằm liền kề với các hộ xung quanh trong khu vực dân cư, gần chợ và sát đường giao thông liên huyện, khi tổ chức cưỡng chế dễ ảnh hưởng đến các công trình lân cận và trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, số lượng tài sản nhiều và là nơi kinh doanh các mặt hàng điện thoại di động, hàng tạp hóa nên việc kiểm kê di chuyển tài sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ tháo dỡ công trình sai phạm. Mặt khác số tiền để thực hiện việc cưỡng chế dự toán lên khoảng 600 triệu đồng…Với phương châm giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng đảm bảo an toàn, tiết kiệm nên chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức việc hòa giải, thương lượng giữa hai bên”.

Ông Hào bức xúc: “Quá trình tôi làm đơn kiện, UBND huyện Vĩnh Tường cũng đã có thông báo cưỡng chế công trình sai phạm, tuy nhiên ít lâu sau chính cơ quan này lại ra thông báo dừng cưỡng chế khiến tôi vô cùng nghi vấn. Điều khó khăn nhất của tôi hiện nay là cả hai vợ chồng công tác trong quân đội, nay đã nghỉ hưu về quê nhưng không có đất làm nhà ở. Vụ việc đã kéo dài 14 năm, UBND huyện vẫn không giải quyết dứt điểm cho gia đình tôi. Trong khi đó, vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu mà vẫn phải lang thang suốt bao nhiêu năm nay. Nếu cứ tiếp tục hòa giải không thành như vậy thì thân già như chúng tôi bao giờ mới có nhà ở”.

Đọc thêm