Cắt 4/5 dạ dày
Chúng tôi tìm gặp chị Hiển (quê ở xã Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ, hiện đang làm thuê ở Hà Nội) vào một ngày nắng cháy. Nhìn chị, không ai nghĩ chị là người đã từng mắc hai căn bệnh ung thư quái ác. Càng không biết rằng để có nụ cười vô tư hôm nay chị đã vượt qua những nỗi đau tột cùng mà khi nghe chị kể tôi đã không khỏi ngưỡng mộ và cảm phục.
Chị Hiển kể, năm 1995 vợ chồng chị sinh được bé trai đầu lòng trong sự mong ngóng của gia đình. 4 năm sau, chị có thêm cháu thứ hai nhưng không may mắn bé mặc bệnh tim bẩm sinh. 2 năm ôm con đi chữa trị ở khắp các bệnh viện, chị luôn hy vọng con mình được cứu sống nhưng cháu đã không qua khỏi. Sự mất mát đó khiến bản thân chị và gia đình suy sụp.
Cuối năm 2002, sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau đứa con thứ ba chào đời. Nhưng hạnh phúc chẳng được tày gang khi mới được 17 ngày tuổi đứa con thứ ba cũng bỏ anh chị mà đi do bị sốt xuất huyết não.
Nỗi đau chẳng dừng lại với chị, năm 2003 sức khỏe của chị liên tục giảm sút mà không tìm được nguyên nhân. Tình trạng sức khỏe của chị ngày càng xấu đi đến mức luôn trong tình trạng cấp cứu. Gia đình chuyển chị xuống điều trị tại Bệnh viện 108 (Hà Nội). Điều trị hết 1 năm nhưng sức khỏe của chị không tiến triển. “Thời điểm đó, thuốc làm cho sức khỏe tôi khá lên một chút nhưng cũng giống như quả bóng bay được thổi phồng, khi hết hơi rồi lại xẹp xuống”, chị Hiển nói.
Đầu năm 2004, trong đám tang của bố mình, do quá đau buồn, chị khóc đến độ nôn ra máu. Gia đình tiếp tục đưa chị trở lại Bệnh viện 108, sau khi nội soi dạ dày các bác sĩ thông báo tin “sét đánh” - chị bị ung thư dạ dày. Khi đó căn bệnh ung thư dạ dày của chị Hiển ở vào giai đoạn 3 và phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 3/4 dạ dày.
Sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ làm công tác tư tưởng cho người nhà chị vì nhiều trường hợp sau mổ, bệnh nhân chỉ sống được 3-6 tháng, may mắn thì một vài năm, điều đó phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh. Sau khi điều trị, chị Hiển vẫn đi kiểm tra định kỳ và dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, do cắt 4/5 dạ dày, ăn uống kiêng khem nên cân nặng của chị giảm sút từ 52 kg xuống chỉ còn 40 kg. Phải mất 2-3 năm sau, chị Hiển mới dần hồi phục sức khỏe.
Người ta thường nói “khổ tận cam lai”, cứ ngỡ sau ngần ấy biến cố, chống chọi thì cuộc sống của chị sẽ được bình yên, nhưng căn bệnh ung thư quái ác đó vẫn không ngừng đeo bám chị. Khoảng tháng 3/2006, một lần tắm chị thấy trên ngực mình có một cái hạch rất nhỏ, chỉ bằng hạt đỗ. Khi đi khám bác sĩ kết luận là tắc tuyến sữa. Nhưng sau đó một tháng cơ thể trở nên mệt mỏi và ở nách lại xuất hiện một cái hạch rất to.
“Là người đã mắc ung thư nên tôi một mình bắt xe xuống bệnh viện K để khám. Kết quả khiến tôi chết điếng. Bác sĩ nói tôi bị ung thư vú ác tính, giai đoạn di căn và đây là căn bệnh mới, không liên quan gì đến ung thư dạ dày trước đó. Tôi phải nhập viện điều trị”, chị Hiển ngậm ngùi nhớ lại.
Năm 2007, khi đang truyền hóa chất đợt 4 chị Hiển hay tin chồng mắc bệnh viêm gan cấp tính. Lúc đó, chị quyết định bỏ dở điều trị để tập trung chữa bệnh cho chồng với hy vọng chồng có thể sống thay chị chăm sóc con. Vừa chăm chồng ở bệnh viện chị vừa kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.
Nhưng những cố gắng đó đều đổ sông đổ bể khi chồng chị vĩnh viễn ra đi sau 2 năm chiến đấu với bệnh tật. Lúc này căn bệnh ung thư của chị tái phát và ngày càng lan rộng chuyển sang cấp độ 4. Khi đó, chị nghĩ mình sẽ chết nhưng vì đứa con, vì khoản nợ vay cho chồng chữa bệnh quá lớn chị không cho phép mình buông xuôi.
Chị Hiển vui vẻ bên những người thân |
Sống vì con
Để duy trì cuộc sống của 2 mẹ con và có tiền chữa bệnh, chị Hiển làm bất cứ việc gì có thể. Cho đến một ngày sức đã kiệt, chị ngất trên đường đi làm về nhà. Ngay sau đó, người thân đưa chị đi cấp cứu, nhưng bệnh viện trả về. Cả đêm hôm đó chị Hiển nằm thoi thóp, tưởng như cái chết ở gần bên. Với suy nghĩ “còn nước thì còn tát”, sáng hôm sau gia đình quyết định được chuyển chị xuống Bệnh viện K cơ sở 2 (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Và rồi, chị lại tiếp tục quãng thời gian vừa nằm viện điều trị vừa đi làm thêm. “Lương lúc đấy chỉ có 250.000đồng/tháng, sau dần cũng tăng lên 600.000 đồng/tháng. Dù rẻ mạt nhưng để có tiền mua thuốc tôi vẫn phải làm và hơn cả là tôi nghĩ đến đứa con chịu nhiều thiệt thòi của mình mà cố gắng làm, cố gắng sống”, chị Hiển tâm sự.
Có lẽ, đối với chị Hiển đứa con là chính là động lực sống của chị. Chị nhớ vào năm 2006, khi chị bỏ điều trị, chán nản vì cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh hiểm nghèo thì đọc được bài thơ con làm có đoạn:
“Mẹ tôi làm chẳng kể ngày/ Bao nhiêu công việc ai tày làm cho/ Còn tôi thì mới dò dò/ Nên tôi chưa thể gánh lo được gì/ Đêm về mẹ mệt li bì/ Còn tôi chỉ biết nằm suy nghĩ rằng/ Mẹ ơi mẹ sống bạc đầu/ Để cho con cháu có câu gọi bà”.
Bài thơ của con khiến chị rơi nước mắt và thay đổi suy nghĩ. Chị bảo, thay vì ngồi suy nghĩ về bệnh tật thì chị lao mình vào công việc, tuy có mệt mỏi nhưng niềm vui trong lao động khiến chị có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.
Từ năm 2012 cho đến nay căn bệnh ung thư của chị dần được kiểm soát. Điều này giống như một kỳ tích vậy. Chị Hiển nghẹn ngào: “Đến bây giờ mỗi một năm Tết đến xuân về, tôi lại cảm thấy mình may mắn, thấy mình tích lũy được rất nhiều điều trong cuộc sống, về sự trải nghiệm về những công việc mình đã làm được. Vì thế, tôi nghĩ trong cuộc sống bản thân luôn phải vươn lên, điều đó khiến mình yêu bản thân, khích lệ mình phải là chỗ dựa vững chắc cho con, cho người thân”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chị Hiển nhắc nhiều đến các vị bác sĩ, lương y với tấm lòng biết ơn. Bởi với chị để có được sự sống như ngày hôm nay, ngoài nghị lực sống của bản thân còn là sự chung tay góp sức của rất nhiều người, rất nhiều mối lương duyên.