Sự kiện kéo dài từ ngày 23 đến 29/6.
Phiên họp Ban Tư Vấn Khoa Học và Kỹ Thuật – STAP, họp Hội đồng tổ chức xã hội dân sự và họp nhóm cử tri GEF đã bắt đầu từ sáng 23/6.
Các cuộc họp trong khuôn khổ GEF 6 sẽ tiếp tục trong những ngày tới, bao gồm họp Hội đồng GEF lần thứ 54 (24 -26/6), cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24 và Diễn đàn Xã hội dân sự (26/6).
|
Các đại biểu tham dự sự kiện |
Các phiên khai mạc toàn thể của GEF 6 diễn ra vào ngày 27/6 đề cập thực trạng môi trường toàn cầu, tham vọng cần thiết để cải tổ các hệ thống hỗ trợ cách thức sinh hoạt, ăn uống, đi lại, sản xuất tiêu dùng của con người và vai trò của GEF-7 đối với sự thay đổi hệ thống cần thiết. Chương trình tham quan các dự án GEF ở TP. Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày 29/6.
Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng với Lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và Lãnh đạo doanh nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.
Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc chính thức Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 lần này vào ngày 27/6 tới.
Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (05/12/1994), kỳ họp Đại hội đồng GEF6 còn truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.