2 bị cáo liên quan vụ sập cầu Ghềnh được tại ngoại

(PLO) - Sáng 29/3, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án sập cầu Ghềnh, đồng thời quyết định cho tại ngoại hai bị cáo trong vụ án.
Các bị cáo đang được Luật sư giúp đỡ làm thủ tục tại ngoại.
Các bị cáo đang được Luật sư giúp đỡ làm thủ tục tại ngoại.

Chánh án TAND TP Biên Hòa quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho phép hai bị cáo Phan Thế Thượng (63 tuổi) và Trần Văn Giang (36 tuổi) được tại ngoại, giao chính quyền địa phương quản lý.

Trước đó, chiều (28-3), sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định hội ý kéo dài để làm rõ hai vấn đề: Thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo và định giá trong TTHS.

Tại phiên toà hôm nay, HĐXX đã quyết định quay lại phần xét hỏi để làm rõ việc xin bảo lãnh của gia đình các bị cáo. Cha mẹ của bị cáo Giang có đơn xin bảo lãnh vào ngày 26-2-2018. Vợ và con bị cáo Thượng có đơn xin bảo lãnh ngày 28-3-2018.

Tại toà, người thân của hai bị cáo đều xác nhận chưa có tiền án tiền sự xin bảo lãnh cho bị cáo và sẽ tuân thủ theo giấy triệu tập của toà án.

Đây là lần thứ ba Hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung liên quan đến chứng cứ đánh giá tài sản thiệt hại của vụ án sập cần Gềnh.

Theo cáo trạng, Thượng giao cho Giang lái tàu kéo sà lan chở cát từ Trà Vinh lên Đồng Nai. Trưa 20/3/2016, tàu đi trên sông Đồng Nai thì bị tắt máy, sà lan trôi tự do sau đó đâm sập mố cầu Ghềnh khiến hai nhịp cầu sập xuống sông. Vụ tai nạn khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt hơn 3 tháng, thiệt hại về kinh tế được đánh giá rất nghiêm trọng. Hai tài công sau đó bị bắt giữ. 

Tại phiên tòa lần này, HĐXX chủ yếu làm rõ phần định giá tài sản thiệt hại của vụ án. Hội đồng định giá tài sản thiệt hại và điều tra viên được mời đến tòa nhưng nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên phiên xử phải tạm dừng.

Cầu Ghềnh là một chiếc cầu sắt bắc qua sông Đồng Nai, nối phường Bửu Hòa và xã Hiệp Hòa tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phục vụ cho tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc khu gian Biên Hòa - Dĩ An tại lý trình 1699+860. Đây là cây cầu do người Pháp xây dựng từ năm 1901 và khánh thành vào tháng 1 năm 1904 để dành đi chung cho giao thông đường bộ và đường sắt với hai phần bên hông dành cho xe hai bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô.

Sau ba tháng bị sà lan đâm sập, cầu mới 300 tỷ đồng được xây trên vị trí cũ.

Đọc thêm