2 đời lãnh đạo công ty hầu tòa sau món tiền 'không cánh mà bay'

(PLO) - Cuối tuần qua, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ án sai phạm kinh tế xảy ra tại Cty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cty Cofidec). Vụ án này kéo dài từ năm 2012 đến nay, với hai đời giám đốc nối nhau vi phạm.
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Hơn 2,4 triệu USD “bốc hơi”

Trước đó, vào ngày 5/9/2012, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Xuân (nguyên quyền Giám đốc Cty, SN 1963) 9 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Võ Huệ Trân (nguyên giám đốc từ năm 1987 đến năm 2006, SN 1949) 4 năm tù; Đặng Hữu Thịnh (nguyên trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, SN 1970) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và Ngô Ngọc Sơn (nguyên phó phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, SN 1966) 2 năm 5 tháng 3 ngày tù, bằng thời gian tạm giam và được trả tự do tại tòa. Các bị cáo Trân, Thịnh và Sơn cùng tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau bản án sơ thẩm, VKSND TP HCM có kháng nghị tăng án nguyên giám đốc Nguyễn Thanh Xuân. Theo VKS, bản án của TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Xuân là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo gây ra cho Nhà nước. Từ đó VKS đề nghị Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP HCM) xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Xuân. Với 3 bị cáo còn lại, VKS không kháng nghị.

Ngày 6/3/2013, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM đã xử phúc thẩm. Do một số vi phạm trong tố tụng và còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, Tòa tuyên hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu. Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP HCM tiếp nhận và thụ lý lại hồ sơ vụ án, sau thời gian điều tra đã hoàn tất và chuyển VKS truy tố các bị can ra tòa.

Theo cáo trạng của VKS công bố tại phiên tòa cuối tuần qua, từ năm 2004, Võ Huệ Trân và Nguyễn Thanh Xuân (lúc đó là Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Cofidec rồi thành quyền Giám đốc) chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài giả tạo để mở tờ khai hải quan, đưa một số lượng lớn tôm đông lạnh sang Mỹ tiêu thụ. Trân và Xuân chỉ đạo Đặng Hữu Thịnh và Ngô Ngọc Sơn lập hợp đồng mua bán giả với các đối tác nước ngoài, giả chữ ký, mạo danh khách hàng, làm giả hồ sơ hải quan... Tổng cộng các bị can đã xuất khẩu một lượng lớn hàng thủy, hải sản đông lạnh sang Mỹ, gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 2,4 triệu USD (tương đương gần 39 tỷ đồng), không còn khả năng thu hồi.

Cuối năm 2004, Cty TNHH Thủy sản Bạc Liêu (là Cty của gia đình Xuân) ký hợp đồng ủy thác cho Cty Cofidec nhập khẩu hệ thống máy sấy thăng hoa. Lợi dụng chức vụ là quyền Giám đốc, Xuân chỉ đạo Cty Cofidec thanh toán phần đi lại cho chuyên gia lắp máy, thuê cẩu máy trong khi hợp đồng ủy thác nhập khẩu máy không quy định. Qua đó, làm lợi cho Cty của gia đình Xuân, nhưng gây thiệt hại cho Cty Cofidec số tiền 73 triệu đồng.

Làm giả hợp đồng xuất khẩu tôm

Sau khi làm việc với Võ Huệ Trân, Cơ quan CSĐT cho rằng, việc Trân cho rằng không biết việc Hải quan chỉ cho thông quan với hợp đồng kinh tế có tính chất mua bán đứt đọan là không có cơ sở, vì quá trình xuất khẩu tôm trong một thời gian rất dài. Còn việc Trân chỉ thừa nhận trong bộ hồ sơ xuất khẩu tôm đông lạnh ra nước ngoài chỉ ký trực tiếp tờ khai hải quan và hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Căn cứ trên các thông tin tự khai của doanh nghiệp trên các tờ khai hải quan và hóa đơn GTGT đều thể hiện doanh số bán và lô hàng được xuất đi thuộc hợp đồng kinh tế nào. Vì vậy, Trân cho rằng hoàn toàn không biết về các hợp đồng kinh tế là không có căn cứ và chối bỏ trách nhiệm. Hơn nữa, Trân là giám đốc một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, phải chịu trách nhiệm toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh của công ty.

Tại Cơ quan CSĐT, bị cáo Thịnh khai nhận, Thịnh có báo cáo cho Xuân biết là hợp đồng ký gửi không được thông quan, phải làm hợp đồng mua bán thì hải quan mới cho thông quan lô hàng. Nhưng với lý do là khách hàng ở xa, không kịp thời gian xuất hàng nên Thịnh đã xin ý kiến và được Xuân đồng ý cho làm giả hợp đồng mua bán với 3 Cty Ocean Reserve, KTT Enterprise và Pacific King. Sau đó, các hợp đồng giả này được trình cho Trân ký để làm thủ tục xuất khẩu.

Bị cáo Sơn thì khai, khi Phòng Kế hoạch tổng hợp thông báo có lô hàng phải xuất ra nước ngoài cho 3 công ty trên thì Thịnh hoặc một Phó trưởng phòng khác báo giá cho Sơn biết các loại mặt hàng tôm xuất khẩu trong các container đó, giá từng loại tôm và từng kích cỡ, số lượng từng loại tôm… Sau khi có các thông số cần thiết, Sơn mới đánh số liệu, chủng loại tôm, size… vào các hợp đồng kinh tế với 3 Cty trên. Dự thảo xong hợp đồng kinh tế, Sơn làm giả chữ ký khách hàng. Các chữ ký giả là do Sơn tự nghĩ ra rồi trình Trân ký để làm thủ tục thông quan. Ngoài ra, Sơn còn thừa nhận là đã làm giả các thông tin phía trên hợp đồng, giống như là hợp đồng đã được ký qua fax, mục đích là để trình hải quan cho lô hàng được thông quan.

Tại phiên tòa, qua phần xét hỏi, đại diện VKS tại phiên tòa đã nêu quan điểm. Cho rằng đủ cơ sở kết tội các bị cáo, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án tương xứng với hành vi, tính chất phạm tội mà các bị cáo gây ra. Trong đó, VKS đề nghị tuyên phạt 13-15 năm tù về hai tội danh với nguyên quyền Giám đốc Nguyễn Thanh Xuân.

Ngày mai (14/3), Tòa tuyên án.

Đọc thêm