2 nhà khoa học Việt Nam ghi danh trong giải thưởng của FAO và IAEA

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam vừa cho biết, có 2 nhà khoa học của Việt Nam sẽ được FAO và IAEA trao giải thưởng nhờ những công trình trong chọn tạo giống thực vật đột biến. 
TS Võ Thị Minh Tuyển - Trưởng bộ môn Đột biến & ưu thế lai thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, một trong hai nhà khoa học Việt Nam được nhận giải thưởng.
TS Võ Thị Minh Tuyển - Trưởng bộ môn Đột biến & ưu thế lai thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, một trong hai nhà khoa học Việt Nam được nhận giải thưởng.

Theo thông tin từ Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam, trong khuôn khổ sự kiện Đại hội đồng lần thứ 65 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), FAO và IAEA đã ghi nhận những đóng góp trong công tác chọn tạo giống thực vật đột biến của 28 nhà khoa học và nhóm nghiên cứu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ để trao giải thưởng dành cho những thành tựu xuất sắc mà họ đã đạt được.

Trong đó có 11 giải thưởng cho hạng mục “Thành tựu xuất sắc”, 10 giải thưởng cho hạng mục “Phụ nữ tham gia nghiên cứu, tạo giống thực vật đột biến” và 7 giải thưởng cho hạng mục “Nhà khoa học trẻ cho những nỗ lực to lớn trong thành tựu phát triển các giống đột biến mới bằng kỹ thuật chiếu xạ 10 năm qua”.

Ở lần trao giải này, có 2 nhà khoa học Việt Nam đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách nhận giải thưởng của FAO và IAEA, gồm: TS. Võ Thị Minh Tuyển (giải thưởng “Phụ nữ trong tạo giống thực vật đột biến) và Th.s. Nguyễn Văn Mạnh (giải thưởng “Nhà khoa học trẻ”). Cả hai chuyên gia hiện đang công tác tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.

FAO cũng cho biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa IAEA và FAO, các chuyên gia trên toàn thế giới đang nhận được những trợ giúp về sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, trong đó có chiếu xạ hạt giống hoặc vật liệu thực vật khác, nhằm phát triển các giống cây trồng có các đặc tính như khả năng chịu hạn hán hoặc cao sản.

Ngoài ra, các chuyên gia trong khu vực cũng chia sẻ các biện pháp thực hành tốt nhất thông qua Mạng lưới chọn tạo giống đột biến thực vật khu vực châu Á và Thái Bình Dương, do Trung tâm Liên hiệp FAO - IAEA thiết lập gần đây, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dựa trên nhu cầu của mỗi quốc gia.

Đọc thêm