20 hộ dân “mắc kẹt” ở Dự án xử lý nước thải Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vì vướng 20 hộ dân chưa thể giải tỏa đền bù mà Dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu (Đà Nẵng) trễ hẹn suốt 5 năm. Điều này cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp chưa thể giải quyết. Đặc biệt cuộc sống của hơn 20 hộ dân cũng chịu cảnh “đi không được, ở không xong”, ngày nắng hôi hám, chưa mưa đã ngập…
Dự án diện tích 100.000m2 trải dài tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).
Dự án diện tích 100.000m2 trải dài tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

“Đi không được, ở không xong”

Dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu và các công trình phụ trợ có công suất 20.000m3/ngày đêm, diện tích 100.000m2 trên một phần đất tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) do BQL các Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, diện tích xây dựng công trình chiếm 21,7%, diện tích dự trữ cho giai đoạn sau 2030 là 78,3%. Chi phí xây dựng vận hành dự toán gần 232,3 tỷ đồng (vận hành và bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm), dự kiến khởi công tháng 6/2017, hoàn thành tháng 12/2018. Việc triển khai dự án không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp mà còn đưa người dân khu vực thoát khỏi cảnh mưa ngập.

Tuy nhiên, đến nay dự án đã kéo dài tới 5 năm, nhưng chỉ mới cơ bản hoàn thành khối nhà điều hành, do còn vướng mắc 20 hộ dân nằm trong quy hoạch chưa thể giải tỏa để có mặt bằng. Vì không đồng tình với phương án không bố trí đất tái định cư với một số hộ dân nằm trong dự án, nên thời gian qua cũng đã xảy ra khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Vì nằm trong quy hoạch, dự án hiện đã được phê duyệt, triển khai; nên với các hộ dân, dù nhà cửa xuống cấp, có thể sập, đổ bất cứ lúc nào nhưng cũng không thể sửa chữa, xây mới.

Bà Lê Thị Ái Hoa (SN 1969) cho biết, gia đình vẫn phải sinh hoạt trong ngôi nhà đã xuống cấp. Sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” nhiều năm nay người dân trong khu quy hoạch dự án khổ sở với môi trường ô nhiễm. Cả khu vực 20 hộ nằm lọt thỏm giữa bốn bề các công trình đang triển khai, chỉ cần có mưa là ngập, nhà cửa, đồ dùng ngâm trong nước. Còn khi nắng nóng, nước thải sinh hoạt từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đổ ra đen ngòm, bốc mùi hôi hám.

Cảnh sống tạm bợ của các hộ dân “mắc kẹt” trong dự án.

Cảnh sống tạm bợ của các hộ dân “mắc kẹt” trong dự án.

Các hộ dân lý giải nguyên nhân “bám trụ” do TP chỉ chấp nhận đền bù theo giá đất nông nghiệp và cho rằng “điều này không hợp lý với thực tế”. “Chúng tôi sống ở đây từ rất lâu, đất đai, nhà cửa không tranh chấp nên phải được giải quyết theo diện có sổ đỏ. Áp theo giá đất nông nghiệp, số tiền đền bù không đủ để mua đất chứ đừng nói đến chuyện xây dựng nhà cửa. Chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nếu được đền bù thỏa đáng, ổn định cuộc sống”, bà Trần Thị Gái, đại diện các hộ dân, nêu ý kiến.

Mới đây nhất, sau trận mưa lũ lịch sử tháng 10/2022 tại Đà Nẵng, nhiều tài sản của người dân bị nhấn chìm, hư hỏng, thiệt hại lớn. Do đó, người dân mong mỏi TP quan tâm, hỗ trợ để sớm chuyển đến nơi ở mới.

Gặp khó vì luật chưa quy định

Theo tìm hiểu của PLVN, từ 2017, với công tác giải phóng mặt bằng dự án, có 372 hồ sơ, trong đó xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) 195 hồ sơ, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) 177 hồ sơ. Đoạn qua xã Hòa Liên đã kiểm định và phê duyệt, nhận tiền và bàn giao mặt bằng 175/195 hồ sơ. Đoạn qua phường Hòa Khánh Bắc đã kiểm định và họp xét tính pháp lý, có 124 hồ sơ nhận tiền (trong đó 23 hồ sơ bàn giao mặt bằng, 101 hồ sơ nhận 80% tiền đền bù đất).

Hiện còn 20 hộ dân chưa di dời vì không được bố trí tái định cư.

Hiện còn 20 hộ dân chưa di dời vì không được bố trí tái định cư.

Trao đổi với PV, đại diện UBND quận Liên Chiểu thông tin, hiện còn 20 hồ sơ đền bù giải tỏa thuộc dự án chưa giải quyết xong vì người dân không thống nhất phương án đền bù. Nguyên nhân dù người dân xây nhà, sinh sống tại đây từ lâu nhưng không có sổ đỏ. Vì vậy, khi áp dụng giá đền bù giải tỏa, áp theo giá đất nông nghiệp, các hộ dân không đồng ý.

Cũng theo lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu, đến thời điểm này, UBND quận đã có báo cáo gửi UBND TP, các sở, ngành tìm phương án giải quyết; nhưng căn cứ các quy định pháp luật về đất đai hiện hành, không có cơ sở để giải quyết theo yêu cầu của người dân (theo quy định, khi giải tỏa, đền bù đất nông nghiệp người dân sẽ không được bố trí đất tái định cư - NV).

Trước sự việc trên, một ý kiến cho hay: “Thực tế lâu nay người dân phải sống trong cảnh khổ sở tạm bợ ở vùng quy hoạch dự án, trong khi dự án cũng bị ảnh hưởng, phải kéo dài vì vướng mắc mặt bằng từ các hộ dân này. Chính quyền và ngành chức năng TP cần sớm xem xét, có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý vấn đề; để làm sao người dân sớm ổn định cuộc sống và dự án cũng sớm được triển khai hoàn thiện đi vào hoạt động”.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa cho 202 dự án trên địa bàn TP trong năm 2023.

Quyết định này đã chia 202 dự án thành ba nhóm. Trong đó, nhóm I/2018 gồm 6 dự án đã cam kết hoàn thành đền bù giải tỏa (ĐBGT) vào 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong kế hoạch mới nhất, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh yêu cầu tiến độ ĐBGT phải hoàn thành trước 30/4/2023 để phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hạ tầng. Cả 6 dự án trên đều nằm ở địa bàn quận Liên Chiểu, gồm: Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, Dự án Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly, Dự án Khu số 1 trung tâm đô thị mới Tây Bắc, Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2), Khu tái định cư Hòa Hiệp mở rộng phía Nam nhà máy nước.

Theo tìm hiểu, quận Liên Chiểu là địa bàn “nóng” về việc ĐBGT và hiện có tổng cộng 49 dự án cần mặt bằng. Tuy nhiên, công tác ĐBGT vô cùng khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian bởi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Đọc thêm