Đây là một trong những nội dung được nêu trong Kết luận thanh tra (KLTT) 757/KL-TTCP mà TTCP vừa công bố liên quan công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai... việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM.
Quá trình “sang tên” gần 2.000 m2 “đất vàng”
Theo TTCP, diện tích gần 1.954m2 tại địa chỉ 187A - 187H - 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 do Cty Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư có nguồn gốc là đất công, được Kiến trúc sư trưởng TP cấp phép xây dựng cho Liên hiệp dịch vụ - sản xuất - thương mại (thuộc TCty TM Sài Gòn) làm Khách sạn Vạn Xuân.
Ngày 21/7/1986, Giám đốc Sở nhà đất có Quyết định (QĐ) tạm giao khu đất cho Cty Dịch vụ Tổng hợp TP sử dụng để làm Trung tâm Dịch vụ TP. Đến 30/7/1994, UBND TP có QĐ chuyển giao tài sản cố định gồm khu đất trên cho Cty Dịch vụ Thương mại TP (Cty DV-TM) và đến ngày 24/12/1999, có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Cty DV-TM và Cty Vạn Thịnh Phát.
Theo đó, TP cho phép Cty DV-TM được chuyển nhượng phần góp vốn trong Khách sạn Vạn Xuân cho Cty Vạn Thịnh Phát, với mức chuyển nhượng như định giá của Hội đồng định giá tài sản liên danh tại biên bản ngày 2/11/1991 (không kể giá trị sử dụng đất) là 587.332 USD, nhằm tạo điều kiện để Cty DV-TM thu hồi bảo toàn được vốn. Đồng thời, cho phép Cty Vạn Thịnh Phát tiếp tục đầu tư thêm vốn, bổ sung thêm một số chức năng theo quy định luật pháp và tiếp tục hợp đồng thuê đất với cơ quan quản lý đất của TP.
Ngày 22/2/2000, UBND TP có văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển nhượng phần hùn vốn Khách sạn Vạn Xuân, trong đó nêu: Các ngành chức năng có liên quan và doanh nghiệp thực hiện theo Văn bản số 1227/CV-TU ngày 04/01/2000 của Thường trực Thành ủy về chuyển nhượng phần hùn vốn tại Khách sạn Vạn Xuân cho Cty Vạn Thịnh Phát. Công ty DV-TM thu hồi khoản vốn chuyển nhượng hùn vốn Khách sạn Vạn Xuân là hơn 8,2 tỷ đồng, nộp ngân sách TP, các khoản lỗ từ kinh doanh Khách sạn Vạn Xuân do Cty Vạn Thịnh Phát giải quyết.
Đáng chú ý, ngày 26/2/2004, trong văn bản giải quyết khiếu nại của Cty Vạn Thịnh Phát, UBND TP có ý kiến chỉ đạo: Thường trực UBND TP nhất trí công nhận hợp đồng chuyển nhượng phần hùn vốn giữa Cty DV-TM và Cty Vạn Thịnh Phát đã được ký kết và thực hiện một cách hợp pháp. Điểm lưu ý các đơn vị khi triển khai thực hiện thủ tục pháp lý về chuyển nhượng phần hùn vốn theo hợp đồng là trong giá chuyển nhượng không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nơi Khách sạn Vạn Xuân tọa lạc.
Đến ngày 11/62004, Cty Vạn Thịnh Phát hoàn tất việc chuyển khoản chuyển nhượng phần hùn vốn Khách sạn Vạn Xuân nộp ngân sách nhà nước và nộp tiền thuê đất từ 1996 đến 2003. Ngày 6/2/2006, UBND TP có QĐ cho Cty Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại 187A, 187H, 193-203 Trần Hưng Đạo. Trong đó, diện tích thuê là 1.985m2, mục đích cho thuê là để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đất hết năm 2020.
Gây thất thoát tài sản nhà nước?
Liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính, KLTT cho biết: Ngày 7/12/2012, Cty CP Tư vấn dịch vụ về tài chính bất động sản DATC, có chứng thư thẩm định giá trị quyền sử dụng đất tại 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo là hơn 204 tỷ đồng.
Ngày 21/1/2013, Sở Tài chính cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng có biên bản họp thẩm định giá. Ngày 1/2/2013, Sở Tài chính có tờ trình về việc thẩm định giá theo cơ chế thị trường để Cty Vạn Thịnh Phát thực hiện nghĩa vụ tài chính, khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “thuê đất” sang “giao đất có thu tiền sử dụng đất” để làm văn phòng cho thuê và trụ sở văn phòng (đất chuyên dùng). Tổng giá trị quyền sử dụng đất là hơn 204 tỷ đồng.
Ngày 17/4/2012, UBND TP HCM có QĐ về việc duyệt giá trị quyền sử dụng đất là 204.281.789.000 đồng và đến ngày 17/4/2015, Cty Vạn Thịnh Phát đã nộp đủ số tiền trên.
TTCP kết luận, UBND TP đã không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị quyền sử dụng đất. TP cũng áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng, dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất.
Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của Cty, văn phòng cho thuê. TTCP nhận thấy vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt.
“Đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của Nhà nước”, TTCP kiến nghị.
Lời hứa “20 triệu USD”
Liên quan khu đất diện tích 11.158m2 (trong đó có 2.815m2 là đất do Nhà nước quản lý và 8.342m2 đất đứng tên tư nhân) thuộc Dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1), mà liên doanh Cty Vạn Thịnh Phát và Cty Larkhall Holdings limited từng cam kết hỗ trợ ngân sách TP 20 triệu USD nếu được lựa chọn là nhà đầu tư; KLTT cho biết, đến nay khu đất trên chưa được cơ quan có thẩm quyền hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chưa lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.
TTCP đề nghị UBND TP xem xét, căn cứ vào quy hoạch đã được duyệt (nhất là quy hoạch khu trung tâm TP 930ha…) để phê duyệt dự án đầu tư phù hợp. Trên cơ sở đó, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Đối với diện tích 2.815,03m2 đất thuộc sở hữu nhà nước, UBND TP thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.