“Một lần, có người ở Bình Thuận vào thuê người. Tôi lên công an phường xin giấy tờ rồi đi theo. Công việc tận trên núi, cực khổ lắm. Một hôm công an truy bắt những người khai thác gỗ. Tôi sợ họ kiểm tra, không có giấy tờ thì khổ nên bỏ chạy. Sáng hôm sau, ra được đường lớn và cuốc bộ từ Bình Thuận về Sài Gòn. Đi bộ đúng 2 ngày, 2 đêm. Đói thì xin ăn, mệt nằm ven đường mà ngủ”.
Tự dưng vướng án
Đó là câu chuyện buồn của ông Dương Văn Thắng (SN 1963, ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) trong suốt 26 năm qua. Năm 1991, ông Thắng bị CQĐT công an TP HCM khởi tố, bị bắt tạm giam vì là nghi can vụ án giết người cướp tài sản chấn động động tại quận Gò Vấp.
Bị giam 46 ngày, ông Thắng được thả vì không liên quan đến vụ án. Hung thủ vụ án được bắt giữ là một người khác. Tuy nhiên, bị kịch lại đến với ông Thắng dù là một người dính oan án, một người tự do.
Ông Thắng kể: “Lúc chưa bị bắt, tôi là dân quân tự vệ của phường. Vào thời gian đầu tháng 9/1991, ở địa phương, cách nhà tôi chừng 3km có xảy ra vụ án mạng. Hai mẹ con người nọ bị giết và cướp tài sản. Đêm ngày 8/9/1991, đang đi làm nhưng thấy trong người mệt nên tôi xin nghỉ sớm.
Về gần tới nhà, ghé quán mua gói thuốc, vừa về đến nhà thì nghe mấy anh em trong đội dân quân tự vệ chạy tới gọi lên trụ sở. Họ nói cần tôi lên sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho ngày mai làm tiệc tùng gì đó. Dù mệt, nhưng thấy công việc ở phường không né tránh được, tôi thay đồ, đi theo”.
Tuy nhiên, khi ông Thắng vừa ra khỏi nhà thì bị công an ập đến, khóa tay, tra còng. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình, ông Thắng la thất thanh thì nghe ai đó nói: “Mày giết người cướp vàng còn la lối gì”. Ông Thắng kêu oan, nói mình không hề liên quan nhưng không hề được quan tâm và vẫn bị áp tải lên công an quận. Ông Thắng tiếp tục bị tạm giam ở Chí Hòa.
“Tôi không thể tưởng tượng được. Mỗi lần nhắc đến lúc mới bị bắt, tôi lại nổi hết da gà. Họ đánh tôi, ép tôi nhận tội giết người. Họ nói tôi cầm dao vào tận nhà người khác chém cả gia đình nhưng chỉ chết 2 người là người mẹ và đứa con. Tôi còn chặt tay người mẹ mang ra bụi chuối để lấy một chỉ vàng đeo ở ngón tay. Họ bảo có người nhìn thấy và chỉ đích danh tôi là hung thủ. Tôi càng kêu oan thì càng bị đánh, bị ăn đòn”, ông Thắng kể.
Lệnh tạm giam của ông Thắng kéo dài 3 tháng. Tuy nhiên, đến ngày thứ 46, ông Thắng bất ngờ nhận được quyết định đình chỉ bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn vì không liên quan đến vụ án giết người nói trên. Sau này tìm hiểu, ông Thắng mới biết kẻ thủ án là hàng xóm của nạn nhân. Kẻ thủ ác thường xuyên qua lại với gia đình nạn nhân, biết người mẹ có chỉ vàng nên ra tay sát hại để cướp.
“Căn nhà” của ông Thắng ở góc nghĩa địa |
Được tự do, lại mất quyền công dân
Đi ra khỏi trại giam nhưng loay hoay mãi ông Thắng không tìm được lối ra cổng. Trại giam Chí Hòa theo đúng biệt danh “trận đồ bát quái” khiến ông Thắng từ 9h sáng đến 15h chiều mới tìm được cổng ra đường lộ.
“Vừa mới ra khỏi cổng trại Chí Hòa, tôi gặp một người xe ôm. Về đến nhà, tôi mới biết ông ta là xe ôm chứ vừa mới gặp tôi không biết ai. Ông ta đeo kiếng đen, ăn mặc khá bặm trợn. Thời điểm trên, công an vẫn là nỗi ám ảnh lớn nên gặp ai tôi cũng sợ” ông Thắng nói.
Vừa gặp, người xe ôm quát: “Mới ra hả. Đi đâu. Đưa tao xem giấy tờ”. Ông Thắng đưa giấy tờ ra và nói chở về Gò Vấp. Lên xe, đi được nửa đường, đến đoạn ngã tư Phú Nhuận, ông Thắng chỉ đường thì người xe ôm dừng lại, quát tháo, thúc cho hai cái cùi chỏ vào người. Nén đau, ông Thắng tiếp tục lên xe về nhà. Vì không biết chữ, ông Thắng không rõ trong giấy tờ công an đưa cho mình viết gì. Nhưng người xe ôm lại nói: “Giấy tờ bảo mày về tạm biệt vợ con lần cuối rồi mai lên dựa cột (tức ra pháp trường)”.
Về đến nhà, ông Thắng quá lo sợ bị “dựa cột” nên ngồi khóc. Nhưng có người cô ra trả tiền, nói chuyện với người xe ôm mới hay ông Thắng bị oan. “Ngày mai mổ bò ăn mừng đi. Trăm thằng vào Chí Hòa, mày là thằng đầu tiên ra khỏi đó vì bị bắt oan đó. Nãy giờ tao đùa”, người xe ôm vừa nói, vừa cười rồi bỏ đi.
Về nhà nhưng chứng minh nhân dân của ông Thắng lúc bắt giữ bị công an làm thất lạc, không trả lại. “Mừng vui chưa được bao lâu, một tháng sau ngày trở về từ trại giam, mẹ tôi mất. Nhà bán chia cho 10 anh em. Những anh em khác tứ tán đi mỗi người mỗi nơi. Tôi phận nghèo, không dám gặp ai vì sợ anh em tưởng tôi đến xin tiền. Đến nay, tôi hoàn toàn không liên lạc với anh em, nghe đâu họ đang ở Tây Ninh”, ông Thắng kể.
Sổ hộ khẩu thì các anh chị em khác giữ. Bi kịch hơn, lúc ông bị bắt, hai đứa con lớn nhất mới có 3 tuổi, lúc ông về, không hiểu tại sao vợ ông bắt đầu thay đổi tính nết, bỏ đi với người đàn ông khác. Ông Thắng gửi hai đứa con cho mấy người bà con rồi bắt đầu những ngày lang thang kiếm sống, kiếm việc làm.
Để có thể xin được việc, ông Thắng lên công an phường, công an quận xin cấp lại chứng minh nhân dân nhưng cả hai nơi đều từ chối. Thậm chí, có nơi bị cho là còn bảo ông Thắng theo kiểu thách đố “tự tìm được cái người bắt ông mà đòi giấy tờ”. Rất thất vọng, sau nhiều lần năn nỉ, xin xỏ, ông Thắng được công an phường cấp cho một tờ giấy xác nhận thất lạc giấy tờ có dán hình, đóng dấu đỏ.
Không còn nhà, không có giấy tờ tùy thân, bản thân lại bị mọi người hiểu lầm trong chuyện bị công an bắt vì giết người, dù bị oan nhưng không mấy ai biết. Ông Thắng tìm nơi trú ngụ cho mình thật kín đáo, ít người tiếp xúc với những người xung quanh. Ông chọn một nghĩa địa nhỏ sát chùa Phổ Chiếu nằm trên đường Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp để tá túc.
Quyết định đình chỉ bị can và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn vì ông Thắng không liên quan đến vụ giết người |
Sống nương nhờ người chết
“Vào ở chung với người chết, không phải đơn giản. Tôi phải thắp nhang, khấn vái, xin họ thông cảm với hoàn cảnh mà cho tá túc. Vậy là ban ngày lang thang khắp nơi nhưng đêm đến tôi lại ngủ chung với người chết. Nơi ngủ của tôi là nền gạch giữa hai ngôi mộ hoang lạnh. Đêm nào trời mưa, tôi lại chui vào cái chòi của một người dân gần đó mà ngủ. Vậy mà đã được 26 năm rồi. Người chết, họ cũng hiểu được nên chẳng có ai phá tôi cả. Đêm nào tôi cũng ngủ ngon giấc”, ông Thắng kể.
Thương hai con còn nhỏ nhưng lại bị mẹ bỏ rơi, phải xa cha, ông Thắng buộc phải đi kiếm việc làm. Ông xin khắp nơi, hễ ai mướn gì, ông đều nhận mong kiếm đôi ba đồng. Dành dụm ít ngày, ông lại gửi cho người quen đang chăm sóc hai con.
Ông Thắng kể: “Một lần, có người ở Bình Thuận vào thuê người. Tôi lên công an phường xin giấy tờ rồi đi theo. Công việc tận trên núi, cực khổ lắm. Giấy tờ bị mưa ướt, chữ lem luốc khó đọc. Một hôm công an truy bắt những người khai thác gỗ. Tôi sợ họ kiểm tra, không có giấy tờ thì khổ nên bỏ chạy. Sáng hôm sau, ra được đường lớn và cuốc bộ từ Bình Thuận về Sài Gòn. Đi bộ đúng 2 ngày, 2 đêm. Đói thì xin ăn, mệt nằm ven đường mà ngủ”.
Sống ở nghĩa địa, ông Thắng mong mình ít gặp người vì không mấy ai hiểu cho ông. Thấy hoàn cảnh của ông, những người dân xung quanh thương cảm. Thấy ông hiền, không rượu bia, không biết chữ, không biết đi xe máy thì càng quý, càng thương hơn. Bởi thế, ông sống nhờ từng bữa cơm, cháo, đói no từ người xung quanh.
“Mấy cô, mấy bác ở đây tốt lắm. Mỗi ngày họ đều cho tôi đồ ăn. Còn người chết hả, tôi ăn ké hoài. Người chết nuôi sống tôi nhiều hơn. Những người thân của họ mang bánh, trái đến cúng, chờ cho nhang tàn, tôi khấn vái, xin người chết lấy xuống ăn. Người chết hưởng hơi, còn tôi được no bụng. Nhưng phải xin đường hoàng chứ không được tự ý lấy”, ông Thắng kể.
Vì không có giấy tờ tùy thân để xin vào công ty hoặc xí nghiệp hoặc công trường nào. Vậy nên, bất cứ ai kêu công việc nào, ông Thắng đều làm, từ việc sửa cái hầm cầu, bốc vác. Ban đêm, ông dạo ra đường Nguyễn Văn Lượng, lân la mấy quán nhậu, xem ai cần giữ xe, bưng bê gì thì xin làm. Mong kiếm được đồ ăn và ít đồng tiền lẻ.
Nhưng điều mà ông Thắng vẫn đau đáu trong lòng là làm sao để có giấy tờ tùy thân. Năm nay, ông ngoài 50 tuổi, chừng ấy năm bươn chải trong tủi nhục, sống cảnh bất hợp pháp, sống nhưng không có quyền công dân.
Nhiều lần xin chính quyền cho mình cái quyền ấy nhưng không được, ông đành chấp nhận kiếp sống như một “con ma sống” vất vưởng, bên lề cuộc đời. Nhưng còn hai đứa con ông, từ nhỏ đến lớn phải dùng giấy tờ giả, kết hôn chui. Rồi đời cháu ông sẽ ra sao. Nghĩ đến chuyện đó, ông Thắng không khỏi cám cảnh, buồn lòng.
Vì mấy đứa con và mấy đứa cháu, ông Thắng không thể bỏ cuộc trong việc làm lại giấy tờ tùy thân. Hai mươi sáu năm qua, năm nào, ông cũng gom góp, vay nóng nhờ người tư vấn làm lại giấy tờ. Nhưng “tiền mất tật mang”, không một lần thành công.
Ông Thắng chia sẻ chuyện đời mình với PV |
Bật khóc giữa trụ sở công an vì bị xua đuổi
Không ít lần ông Thắng bật khóc giữa trụ sở công an vì bị xua đuổi. Mỗi lần ông lên xin cấp lại giấy tờ đều bị nạt nộ. Mặc dù, lỗi thuộc về phía công an khi làm thất lạc giấy tờ tùy thân của ông khi bắt oan người vô tội.
“Tôi không biết đi xe máy nên đi đâu cũng đi bộ, từ đi làm đến đi lên công an xin giấy tờ. Nhưng họ nào có thấu hiểu mà đánh đố tôi, bảo tôi tìm người bắt tôi ngày xưa mà đòi. Tôi biết người đó là ai. Nhưng trời cũng không phụ, tôi gặp được người tốt. Từ năm ngoái đến nay, người đó giúp tôi làm được giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu và đang làm đơn yêu cầu bồi thường, xin lỗi trong vụ bị oan”.
Người giúp ông Thắng chia sẻ: “Tôi biết ông Thắng một cách tình cờ. Vào năm ngoái, ông Thắng đi phụ ở nhà tôi. Thấy ông ấy không rượu chè, tính hiền lành, thật thà nên nhờ ở lại trông coi vật liệu. Ông Thắng từ chối vì ông không có giấy tờ tùy thân, không nhận công việc liên quan đến tài sản. Tôi ngỡ ngàng vì ông Thắng là dân gốc Sài Gòn lại không có giấy tờ, tôi hỏi chuyện thì mới biết hoàn cảnh”.
Anh này cho biết nhiều năm trước anh cũng từng bị dính vào một vụ án oan giết người. Vì thế, anh đồng cảm và hiểu được nỗi cùng cực trong cuộc sống của người bị oan. Lúc anh này bị oan, có nhiều người giúp đỡ nên được minh oan và được trả lại quyền tự do, quyền công dân. Ông Thắng bi kịch hơn khi không được cơ quan chức năng đoái hoài đến chuyện xin lỗi, bồi thường. Lại còn bị tước mất quyền làm công dân khi trở lại cuộc sống bình thường.
Người giúp đỡ ông Thắng nói: “Chuyện bị cơ quan chức năng hành, đập bàn, quát nạt, tôi đã từng trải qua nên tôi cho rằng ông Thắng nói thật. Với trường hợp của ông Thắng, do ông ấy không hiểu biết mới dùng từ “xin” chứ thực tế phải là “yêu cầu” cấp lại giấy chứng minh nhân dân. Vì thứ nhất, lỗi thuộc về phía công an. Thứ hai, ông Thắng dù không có sổ hộ khẩu nhưng còn hộ khẩu gốc ở địa phương. Việc không cấp giấy chứng minh nhân dân cho ông Thắng là trái pháp luật”.
Việc làm của người đàn ông này là đồng cảm với ông Thắng và chỉ muốn giúp người, ấy vậy mà có người nghĩ anh vụ lợi. Người đàn ông cười: “Lên công an, họ nhìn tôi nghi ngờ, hỏi tôi nhận bao nhiêu tiền của ông Thắng. Nói thật, ông Thắng không biết chữ, cái gì cũng lăn tay. Không có tiền, đi lại, ăn uống tôi lo. Không biết đi xe, mỗi lần làm việc, tôi phải đến đưa đón tận nơi. Lợi ích gì cho tôi khi giúp ông Thắng. Tôi chỉ thấy hoàn cảnh của ông Thắng cần giúp và được tới đâu, tôi giúp tới đó. Cuộc sống này, đâu phải không có người tốt mà nhiều người họ cứ tưởng việc gì cũng tiền, cũng lợi ích”.
Sau 26 năm, mới đây, vào tháng 1/2017, ông Thắng mới được cấp lại chứng minh nhân dân và cấp một sổ hộ khẩu mới theo diện hộ ghép tại phường 17, quận Gò Vấp. Ông Thắng nói: “Tôi rất vui mừng vì điều đó, cuối cùng cũng có người giúp tôi nói để chính quyền hiểu. Có chứng minh nhân dân, tôi đã nhận được việc làm ở một công trình, tối ngủ lại bên đó.
Nhưng chiều nào, tôi cũng đi bộ về nghĩa địa để chơi. Hai mươi sáu năm qua, tôi nương nhờ ở đây, nhờ ân huệ của người sống lẫn người chết mới có được hôm nay nên quyến luyến không muốn rời. Tôi chỉ mong, cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ án của tôi, xin lỗi và bồi thường theo đúng quy định của pháp luật”.
Người giúp đỡ cũng cho biết, anh đã giúp ông Thắng soạn đơn gửi đến cơ quan chức năng TP HCM yêu cầu xin lỗi và bồi thường về vụ án oan và những hậu quả, nhất là việc làm ông Thắng 26 năm mất quyền làm công dân. Hi vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ sự việc.