Tự dưng bị bắt, vu tội trộm cắp
Ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1958, ngụ Bạc Liêu), Quách Văn Hữu (SN 1964) và Quách Hữu Sự (SN 1960, cùng ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là ba người mang thân phận bị can, bị oan sai từ năm 1983 đến nay, vừa có đơn yêu cầu các công an huyện Đầm Dơi phải ra quyết định đình chỉ vụ án, công khai xin lỗi và bồi thường trong việc bắt oan người vô tội. Cả ba đều bị bắt, tạm giam từ ngày 5/3/1983 đến 17/3/1985 mới được “tạm tha” trong vụ án trộm cắp tài sản.
Theo lời ông Hùng, cuối tháng 2/1983, nhà một người dân ở ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, xảy ra vụ mất trộm là một đầu máy tuốt lúa hiệu F10. Nhà này cách nhà ông Hùng chừng 500m và khá gần nhà ông Sự, ông Hữu. Hơn 10 ngày sau vụ trộm, chiều tối 5/3/1983, ông Hùng ở nhà thì bị công an huyện Đầm Dơi ập vào nhà bắt giữ, đưa về trụ sở. Cùng lúc đó, ông Sự và ông Hữu cũng bị bắt giữ.
“Tôi không hề biết bị bắt giữ vì tội gì. Khi họ ập vào nhà, đòi còng tay, tôi bảo không có tội, không cần còng, tôi sẽ theo về trụ sở để làm rõ. Ngay đêm hôm đó, họ bắt đầu tra khảo bằng đòn roi. Họ ép chúng tôi phải nhận tội nhưng chúng tôi cương quyết không nhận vì chúng tôi không hề hay biết gì về vụ trộm. Chúng tôi không làm nên không nhận tội được. Và càng không nhận, đòn roi càng nặng nề”, ông Hùng kể. Ông Sự và ông Hữu cũng xác nhận bị đánh, bị ép nhận tội nhưng không nhận tội.
Cả ba người bị giam 2 năm 12 ngày, bị giam cách ly và người thân không được phép vào thăm nuôi hoặc gặp mặt. “Trong trại giam, chúng tôi vẫn tiếp tục kêu oan nhưng không ai nghe. Sức khỏe bị giảm sút, thân thể ê ẩm sau những trận đòn. Chúng tôi bị cùm hai chân suốt 24/24h, trừ lúc đi tắm 2 ngày 1 lần, còn lại không được ra ngoài”, ông Hùng kể. Gia đình họ ở bên ngoài liên tục kêu cứu cũng vô ích.
Đến ngày 17/3/1985, họ nhận được giấy tạm tha, cho về nhà. Giấy tạm tha của ông Sự ghi rõ “căn cứ quyết định khởi tố bị can số 105 ngày 5/3/1983 của công an huyện Đầm Dơi, xét thấy vụ án chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên bị can được tạm tha về địa phương. Sau này, bị can phải có mặt khi cơ quan chức năng triệu tập”. Trên thực tế, giấy tạm tha này chỉ là một quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, tức chỉ cho ba người tại ngoại để điều tra. Vụ án vẫn tiếp diễn và chưa kết thúc.
|
Ông Hùng: “Chúng tôi sẽ mang thân phận bị can cho đến chết hay sao?” |
Từ ngày được tha về cho đến nay, họ không hề nhận được bất cứ giấy tờ nào khác và cũng chưa hề được công an huyện Đầm Dơi mời làm việc thêm lần nào. Như vậy, cho đến nay, vụ án mà ông Hữu, ông Sự, ông Hùng là bị can vẫn chưa khép lại, còn trong giai đoạn điều tra.
Mới đây nhất, họ lên VKS huyện Đầm Dơi xin sao lục hồ sơ vụ án để yêu cầu giải oan thì mới biết vụ án chỉ dừng lại ở công an huyện Đầm Dơi. Phía VKS không nhận được hồ sơ vụ án và không hề phê duyệt bất cứ giấy tờ nào từ lúc ba người bị bắt, bị tạm giam cho đến ngày được tạm tha.
Ông Hùng cho rằng sau khi ra khỏi trại giam, về nhà, ông mới hay chính người mất máy tuốt lúa là người đi tố giác với công an huyện, nghi ngờ ông là thủ phạm. Chỉ từ một lời tố giác vu vơ mà 3 cuộc đời khốn đốn.
Vì sao im lặng 35 năm?
Theo tài liệu thu thập được, vụ trộm cắp đầu máy tuốt lúa là có thật, đến ngày 20/2/1985 công an huyện bắt được 9 thủ phạm thật sự của vụ trộm, vì vậy ba người trên mới được “tạm tha”. Dù bắt được các đối tượng thật sự nhưng không hiểu tại sao, công an huyện vẫn không tiến hành các thủ tục nhằm giải oan mà im lặng để rồi vụ việc kéo dài hơn 35 năm vẫn chưa có hồi kết.
Cho đến nay, ông Hùng cũng không rõ lý do vì sao người bị trộm lại tố giác ông và hai người kia: “Từ ngày tôi ra khỏi trại giam đến nay, ông ấy không dám nhìn mặt. Gặp tôi, ông ấy đều né. Tôi không hiểu tại sao ông ta lại tố chúng tôi. Điều đó còn là một bí ẩn mà chỉ ông ta mới biết, còn tôi chưa lý giải được”.
“Thời điểm bị bắt, tôi có con nhỏ mới 4 tuổi, vợ đang mang thai được mấy tháng. Nguồn sống của cả nhà nhờ vào việc giăng câu, thả lưới, làm thuê của tôi. Ấy vậy mà họ bắt oan khiến vợ con tôi rơi vào cảnh không người chăm sóc. Tôi được tạm tha với thân thể dặt dẹo do những trận đòn. Mẹ ruột mang tôi về quê Bạc Liêu lo thuốc thang mới khỏi được và từ đó tôi bỏ xứ đi làm thuê khắp nơi”, ông Hùng nói.
Ông Hùng nhiều năm nay làm phụ hồ kiếm sống ở Sài Gòn. Vợ con ông vẫn ở Cà Mau, thỉnh thoảng ông về thăm nhà ít hôm rồi lại đi. Vụ án của ông vẫn còn “ngâm” tới giờ nhưng không hiểu tại sao, ông bỏ về Bạc Liêu, làm lại chứng minh nhân dân, nhập khẩu, người ta vẫn chấp nhận và công an huyện Đầm Dơi không ý kiến.
Đối với ông Sự, sau khi được tạm tha, buồn chán, ông đăng ký nhập ngũ và được chấp nhận. Đến năm 1988, ông ra quân. Về lại địa phương, ông được kết nạp Đảng viên và sinh hoạt trong hội cựu chiến binh. Thân phận bị can của ông dường như không được nói đến trong những hồ sơ. Dù từ năm 1985 đến nay, chưa hề có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Người thứ ba là ông Hữu hiện khi làm mướn ở đầm nuôi tôm tại quê nhà, khi đi nhặt ve chai.
|
Ông Hữu cùng cảnh sống nghèo khổ |
Ông Hùng nói: “Chúng tôi vì cuộc sống có nhiều khó khăn, chữ nghĩa, pháp luật không thông nên không kiện thưa gì được. Gần đây các con chúng tôi biết chuyện, mới thuyết phục chúng tôi đâm đơn để được minh oan, xin lỗi, khôi phục lại quyền công dân”.
Theo thông tin ông Hùng cung cấp, mới đây, sau khi nhận được đơn, công an huyện Đầm Dơi đã mời cả ba lên làm việc. Ông Hùng tường thuật: “Phía công an nói những người làm oan sai cho chúng tôi đã nghỉ hưu. Giờ chỉ có thể kêu chúng tôi lên xin lỗi bằng miệng chứ không thể ra quyết định gì được. Công an nói vậy là chúng tôi sẽ mang thân phận bị can cho đến chết hay sao? Tôi đã làm đơn kiến nghị yêu cầu phải công khai xin lỗi, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và bồi thường”.